Người chăn nuôi Hà Tĩnh thiết lập 'rào chắn' an toàn trước dịch tả lợn châu Phi

Chăn nuôi an toàn sinh học hiện đang là giải pháp hữu hiệu để phát triển chăn nuôi ổn định, bền vững trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đang có nguy cơ tái bùng phát và lây lan ở Hà Tĩnh.

Cán bộ cấp xã tiến hành phun tiêu độc, khử trùng khu vực phía ngoài trang trại chăn nuôi của hộ anh Hồ Trọng Quốc (thị trấn Cẩm Xuyên).

Trang trại của anh Hồ Trọng Quốc (thị trấn Cẩm Xuyên) được xây dựng theo mô hình khép kín với quy mô 100 con lợn thịt/lứa. Nhờ thực hiện đầy đủ các khâu tiêu độc khử trùng và chăn nuôi đảm bảo quy trình, đàn lợn của anh phát triển khỏe mạnh.

Anh Quốc chia sẻ: “Trong điều kiện dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, tôi không cho người ngoài tiếp xúc gần với khu vực chăn nuôi, phun thuốc sát trùng 1 lần/tuần. Mặc dù phải đầu tư lớn hơn, thực hiện nghiêm ngặt quá trình chăn nuôi nhưng trên thực tế, trang trại giảm được nguy cơ dịch bệnh, mang lại lợi ích kinh tế nhờ thường xuyên tái đàn ổn định”.

Khu vực chăn nuôi của ông Nguyễn Trung Chính (xã Kỳ Sơn, huyện Kỳ Anh) cách xa khu dân cư và được xây dựng trên quy mô khá rộng rãi.

Nhận thấy việc chăn nuôi nông hộ tại nhà xuất hiện nhiều bất cập khi quy mô đàn lợn tăng lên, ông Nguyễn Trung Chính (xã Kỳ Sơn, huyện Kỳ Anh) đã mạnh dạn chuyển chuồng nuôi ra khu vực quy hoạch chung của xã, cách xa khu dân cư.

Ông Chính cho biết: “Trong môi trường rộng rãi, chúng tôi thực hiện chăm sóc và quản lý tốt đàn lợn. Chuồng trại đảm bảo, mật độ nuôi hợp lý và vật nuôi được tiêm phòng định kỳ. Cùng với đó, tôi cũng tập trung chăm sóc đàn nái để chủ động nguồn lợn giống cho gia đình, sau một thời gian, những con lợn không đủ điều kiện sản xuất giống sẽ được thải loại”.

Lợn của gia đình ông Chính được nuôi đảm bảo mật độ và thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ.

Là một trong những hộ bị ảnh hưởng bởi DTLCP, nên khi tiến hành tái đàn, gia đình chị Lê Thị Như (thôn Trung Văn, xã Thạch Văn, Thạch Hà) càng cẩn trọng hơn, chủ động thực hiện áp dụng các biện pháp được cán bộ chuyên môn hướng dẫn để bảo vệ đàn lợn, góp phần chăn nuôi hiệu quả.

Chị Như cho biết: “Gia đình đang hệ thống lại chuồng trại và sẽ xây thêm bể biogas xử lý chất thải chăn nuôi, tôi cũng không nuôi số lượng lợn lớn trong môi trường chật chội nữa. Đồng thời, giữ chuồng trại sạch sẽ, thường xuyên vệ sinh, rải vôi bột để hạn chế mầm bệnh. Nguồn lợn giống cũng được tìm mua ở các trại nái lớn để đảm bảo chất lượng, tỉ lệ nạc cao”.

Nguồn giống tốt đảm bảo đàn lợn phát triển ổn định, hạn chế dịch bệnh do đã được tiêm phòng đầy đủ, đúng liều lượng từ khi còn nhỏ.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y Hà Tĩnh Trần Hùng, từ đầu tháng 9 đến nay, ở khu vực Bắc Trung bộ, tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, đặc biệt là DTLCP diễn biến khó lường. Thời điểm này, thời tiết đang chuyển mùa, mưa, lụt, môi trường ẩm thấp. Vì thế, nguy cơ dịch bệnh tái nhiễm và lây lan ra diện rộng tại Hà Tĩnh đang ở mức cao.

Hơn nữa, quá trình tái đàn, tăng đàn đang được người dân thực hiện nên nếu dịch bùng phát sẽ khó kiểm soát, xử lý, gây thiệt hại lớn. Vì vậy, người dân đặc biệt là trong chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ càng cần chú trọng biện pháp an toàn sinh học. Qua thực tế, kể từ khi xảy ra DTLCP trên địa bàn tỉnh, hầu hết cơ sở thực hiện theo phương pháp này đều không bị nhiễm bệnh dịch, đàn lợn phát triển khỏe mạnh.

Chú trọng cung cấp nguồn thức ăn chất lượng cao, có nguồn gốc rõ ràng, không sử dụng thức ăn dư thừa chưa được xử lý nhiệt

Điều quan trọng trong chăn nuôi an toàn sinh học, phòng chống dịch bệnh là các yếu tố được đảm bảo như giống vật nuôi khi nhập về phải có nguồn gốc rõ ràng, khỏe mạnh, mật độ nuôi phù hợp, sử dụng thức ăn có chất lượng, vệ sinh tiêu độc chuồng trại thường xuyên. Khi có lợn ốm phải nhốt riêng để theo dõi, phát hiện có dịch bệnh cần báo cho chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý…

“Chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học là hướng đi được khuyến khích và cần đầu tư phát triển trong thời gian tới trên toàn tỉnh nhằm hạn chế việc xuất hiện của các loại dịch bệnh trên đàn vật lợn. Qua đó, lợi ích kinh tế của người chăn nuôi được bảo đảm, góp phần đưa ngành nông nghiệp phát triển ổn định” - ông Hùng cho biết thêm.

Hương Sơn tiêu hủy 19 con lợn bị dịch tả lợn châu Phi

Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại 2 hộ ở thôn Hà Chua, xã Sơn Tây (Hương Sơn – Hà Tĩnh) từ ngày 13/10, trong đó, hộ ông Phạm Văn Trường có 7 con và hộ bà Nguyễn Thị Chanh có 12 con bị “dính” bệnh.

Hương Sơn xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi

Ngay sau khi có mẫu xét nghiệm dương tính với dịch tả lợn châu Phi, Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Hương Sơn phối hợp với chính quyền xã Sơn Tây tiến hành tiêu hủy 19 con lợn bị mắc bệnh, tổng số lượng tiêu hủy 695 kg.

Xã lập chốt kiểm soát để phòng ngừa, khống chế dịch bệnh lan ra diện rộng

Ông Cao Văn Đức – Chủ tịch UBND xã Sơn Tây cho biết: Chính quyền địa phương đã lập 2 chốt chặn ngay tại trục đường chính ra vào vùng dịch. Mặt khác, tiến hành phun tiêu độc khử trùng, rắc vôi bột tại các khu vực chuồng trại chăn nuôi lợn, vùng có nguy cơ cao. Xã đang tiến hành rà soát chính xác tổng số đàn lợn trên địa bàn để tổ chức ký cam kết với các hộ chăn nuôi không được kinh doanh, buôn bán, vận chuyển lợn ra vào vùng dịch. Đồng thời, khuyến cáo người dân dừng ngay việc tái đàn trong thời điểm này.

Hữu Trung

Thái Oanh

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/nong-nghiep/nguoi-chan-nuoi-ha-tinh-thiet-lap-rao-chan-an-toan-truoc-dich-ta-lon-chau-phi/200092.htm