Người có tầm ảnh hưởng thúc đẩy văn hóa đọc

Chỉ trong vài giờ, những người có tầm ảnh hưởng như doanh nhân Hoàng Nam Tiến, NSND Trần Lực... phối hợp với Công ty Cổ phần Sách Thái Hà live stream (phát video trực tiếp) bán sách thu về hàng trăm triệu đồng. Nhẩm tính, doanh số này hơn hẳn doanh thu một đơn vị làm sách tham gia hội sách truyền thống kéo dài cả tuần lễ.

Phối hợp với người có tầm ảnh hưởng để tối ưu hóa phát hành sách là một cách làm khôn ngoan. Trong chốc lát, bỗng xuất hiện lời giải cho bài toán khó lâu nay: Sách in nhiều, nội dung bổ ích, hình thức bắt mắt nhưng lượng người có thói quen đọc sách không tăng là bao. Điều này có thể minh chứng khi nhìn vào cơ cấu tỷ lệ sách còn thiên về sách giáo khoa, sách tham khảo; có nghĩa là hành vi đọc sách để tiếp cận tri thức mới chỉ dừng lại do chương trình học bắt buộc chứ chưa phải là thói quen tự nhiên.

Học sinh đọc sách trong thư viện trường. Ảnh: TTXVN

Học sinh đọc sách trong thư viện trường. Ảnh: TTXVN

Sách là một mặt hàng đặc biệt, ai cũng biết rất quan trọng cho đời sống tinh thần nhưng không phải là hàng hóa thiết yếu. Giá sách hiện nay không rẻ, nhiều người phải cân nhắc trước khi móc hầu bao. Mặt khác, đối diện với biển sách mênh mông, phần lớn độc giả không biết chọn sách phù hợp. Suốt một thời gian dài, chúng ta lãng quên thói quen giới thiệu sách, hướng dẫn nhau đọc sách. Hệ quả tất yếu có thể thấy qua một thống kê giật mình: Ở Việt Nam, chỉ có 30% người đọc sách thường xuyên, 26% không đọc sách và 44% thỉnh thoảng đọc sách; thời gian dành cho đọc sách hằng tuần xếp hạng thấp, khoảng một giờ.

Khi mà đa số độc giả thiếu kỹ năng chọn và đọc sách, sức hút của những người có ảnh hưởng am tường về sách quả thật khó cưỡng. Ở thời buổi bùng nổ thông tin, “quyền lực mềm” của người có tầm ảnh hưởng khéo giao tiếp, biết xây dựng hình ảnh, thu hút sự tự nguyện ủng hộ, tham gia các hoạt động xã hội của hàng nghìn, hàng vạn người theo dõi.

Những người có tầm ảnh hưởng khi xung phong lên sóng bán sách rất đáng hoan nghênh, bởi mục đích của họ là mong lan tỏa tri thức hơn làm giàu. Song việc phát video trực tiếp liên quan đến sách có thể gây ra tác hại khôn lường nếu không được tổ chức bài bản. Sẽ rất nguy hiểm nếu sách vô thưởng vô phạt, thậm chí xấu độc lại được những người nói có người nghe giới thiệu. Không loại trừ có người cả năm chẳng cầm lấy cuốn sách, không có chuyên môn vẫn phán bừa, suy diễn theo cảm tính, phát ngôn tùy tiện... Muốn thúc đẩy văn hóa đọc thực sự, người có tầm ảnh hưởng chắc chắn phải có thói quen đọc sách, có kỹ năng chọn sách, đọc sâu kỹ để có thể thuyết minh “cháo chảy”, tương tác giải trí với công chúng.

Phát triển văn hóa đọc tưởng là việc trừu tượng, xa vời song việc khó đến mấy nếu toàn dân chung tay lại trở thành chuyện nhỏ! Chỉ cần mỗi cá nhân, tổ chức có kỹ năng chọn và đọc sách đều có thể góp sức thúc đẩy văn hóa đọc, để toàn dân cùng đọc sách, nâng cao dân trí. Cho nên, bên cạnh những người có tầm ảnh hưởng, cần có thêm sự vào cuộc của các tổ chức uy tín như các cơ quan báo chí, trường đại học, viện nghiên cứu, các tổ chức đoàn thể... để biến văn hóa đọc thành sức mạnh nội sinh, góp phần chấn hưng văn hóa.

HÀM ĐAN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/nguoi-co-tam-anh-huong-thuc-day-van-hoa-doc-800286