Người dân giám sát cán bộ chấp hành quy định về nồng độ cồn

Chỉ thị 35/CT-TTg nêu rõ: Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, gồm cả giám sát từ nhân dân về việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương khi tham gia giao thông nói chung và quy định nồng độ cồn nói riêng đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Theo thống kê của Bộ công an, trong năm 2023 và quý 1/2024, công an đã xử lý hơn 7.600 trường hợp cán bộ, đảng viên vi phạm nồng độ cồn. Không những thiếu chuẩn mực, không chấp hành việc kiểm tra, xử lý của lực lượng chức năng mà một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn gây tai nạn giao thông làm chết người, bỏ trốn khỏi hiện trường, làm ảnh hưởng tới uy tín, hình ảnh cán bộ, công chức, viên chức, gây bất bình trong nhân dân.

Trước thực trạng này, thời gian qua, lực lượng Cảnh sát giao thông công an tỉnh Đắk Lắk đã bố trí nhiều chốt chặn, tổ chức kiểm tra, xử lý về trật tự an toàn giao thông. Theo đánh giá, vẫn còn nhiều trường hợp người điều khiển phương tiện ô tô, xe máy vi phạm nồng độ cồn, trong đó có không ít trường hợp là cán bộ, công chức, viên chức. “Theo quy định, chúng tôi sẽ gửi văn bản thông báo đến các tổ chức đảng, cơ quan chủ quản của các cán bộ, đảng viên vi phạm để họ tiến hành xử lý theo quy định về các điều cán bộ, đảng viên không được vi phạm”, Trung tá Nguyễn Trọng Nghĩa - phó Trưởng phòng CSGT công an tỉnh Đắk Lắk cho biết.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ở tỉnh Lạng Sơn, chỉ trong 2 tháng cuối năm ngoái, lực lượng CSGT Công an tỉnh Lạng Sơn đã phát hiện gần 2.500 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn. Đáng chú ý có 70 trường hợp là viên chức, cán bộ vi phạm nồng độ cồn. Thậm chí, có những trường hợp hiện đang công tác tại lực lượng quân đội, công an cũng vi phạm.

Ông Phan Ngô Cường, người dân phường Đông Kinh, TP Lạng Sơn nêu quan điểm, việc kiểm tra nồng độ cồn là cần thiết, nhằm hạn chế tai nạn giao thông để tránh xảy ra những sự việc đáng tiếc, đau lòng. Những người là cán bộ, đảng viên đáng ra phải gương mẫu hơn những người dân bình thường. Việc xử lý những trường hợp này phải theo đúng quy định, tất cả mọi người đều như nhau.

Liên quan tới vấn đề này, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho rằng, hơn bao giờ hết, các cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải gương mẫu thực hiện nghiêm các quy định về nồng độ cồn trong giao thông. Hơn nữa, thành phố cũng yêu cầu các cấp, các ngành xử lý nghiêm minh các trường hợp cán bộ công chức, viên chức vi phạm.

Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính ban hành Chỉ thị 35/CT - TTg ngày 17/09/2024 về xử lý cán bộ, công chức, viên chức và chiến sĩ trong lực lượng vũ trang vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, không hợp tác với lực lượng chức năng trong xử lý vi phạm. Trong đó yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, gồm cả giám sát từ Nhân dân về việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương khi tham gia giao thông đối với cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị lực lượng vũ trang.

PGS.TS Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng, vai trò giám sát của nhân dân trong đời sống xã hội nói chung và lĩnh vực giao thông mà cụ thể là quy định về nồng độ cồn nói riêng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Thông qua giám sát kịp thời phát hiện những thiếu sót của các cán bộ, viên chức, công chức, từ đó, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông trong đội ngũ cán bộ, công chức, góp phần đảm bảo trật tự, an toàn giao thông và củng cố niềm tin của người dân vào bộ máy nhà nước.

Trong một số quy định hiện hành có nêu, người dân có quyền được giám sát trực tiếp việc chấp hành các quy định của các lực lượng chức năng. Như thông tư 67 của Bộ Công an quy định về quy chế dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông quy định về quyền, hình thức, nội dung giám sát của quần chúng nhân dân. Tuy nhiên, trong những năm qua, người dân chưa thực sự tham gia cũng như phát huy vai trò giám sát và quyền làm chủ của mình đặc biệt là trong lĩnh vực giao thông mà cụ thể là quy định về nồng độ cồn. Một số người dân cảm thấy e ngại khi phải giám sát những cán bộ, Đảng viên. Cũng có không ít người dân nhầm lẫn giữa chức năng giám sát và kiểm tra, kiểm soát nên đã gây cản trở cho lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ.

Chính vì vậy, để phát huy vai trò giám sát của nhân dân, các cơ quan chức năng cần xây dựng kế hoạch giám sát, trong đó xác định rõ mục đích, yêu cầu và có văn bản hướng dẫn cụ thể để người dân có thể thực sự được tham gia thay vì quy định chỉ nằm trên giấy hoặc chung chung không thực hiện được. Bên cạnh đó, người được giám sát phải có báo cáo tự đánh giá kết quả thực hiện, kết quả rèn luyện, tu dưỡng đạo đức lối sống cũng như vai trò, trách nhiệm nêu gương trong việc chấp hành các quy định của pháp luật nói chung, quy định về nồng độ cồn nói riêng.

Có thể nói, hoạt động giám sát của nhân dân là sự thể hiện cụ thể của việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân, của chủ trương “Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”. Chính vì vậy, tôn trọng và nâng cao quyền làm chủ của nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân trên mọi lĩnh vực là vấn đề quan trọng hiện nay. Thông qua hoạt động giám sát của Nhân dân giúp các cán bộ, viên chức, công chức lực lượng chức năng nhận thấy những hạn chế, bất cập trong nhận thức, tư tưởng trong việc chấp hành các quy định của pháp luật nói chung, quy định về nồng độ cồn khi tham gia giao thông nói riêng, từ đó, nâng cao tinh thần trách nhiệm của bản thân.

Thu Hằng/VOV2

Nguồn VOV: https://vov.vn/phap-luat/nguoi-dan-giam-sat-can-bo-chap-hanh-quy-dinh-ve-nong-do-con-post1123748.vov