Người dân thôn Hà Xá tưởng nhớ Bác Hồ kính yêu
Trong những ngày qua, người dân thôn Hà Xá, xã Triệu Ái (Triệu Phong) như sống lại cảm giác cách đây 50 năm trước, xúc động, bồi hồi trước sự ra đi của Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ kính yêu của dân tộc.
Bí thư Chi bộ thôn Hà Xá Phan Thanh Cầu cho biết, cách đây tròn 50 năm, ngày 25/9/1969, được sự nhất trí của Đảng ủy xã Triệu Ái, Chi bộ thôn Hà Xá long trọng tổ chức lễ truy điệu Bác Hồ- vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc trút hơi thở cuối cùng trong niềm tiếc thương vô hạn của đồng bào, chiến sĩ cả nước và bầu bạn khắp năm châu. Mặc dù sống trong lòng địch với hàng rào ấp chiến lược vây quanh cùng sự kìm kẹp hết sức gắt gao nhưng Chi bộ thôn Hà Xá do đồng chí Trịnh Thị Thanh Mão làm bí thư đã mưu trí, dũng cảm, khôn khéo cùng với chi bộ các cơ sở cách mạng khác, hội đồng trưởng tộc, các vị hương lão có tư tưởng tốt bí mật họp bàn chọn thời điểm thích hợp và tìm cách tổ chức lễ truy điệu Bác Hồ. Chi bộ chọn ngày rằm tháng 8 với hình thức tổ chức lễ cầu an do ông Trịnh Cách, hội chủ làng làm chủ lễ tại ngã ba cây dưới (nay là Đền thờ Bác Hồ), đông đảo người dân cùng các vị hương lão trang phục trang nghiêm đến dự lễ. Lễ cầu an còn có một số ngụy quân, ngụy quyền đóng tại xã Triệu Ái đến dự. Kết thúc lễ cầu an, trong giờ phút trang nghiêm và thành kính, ông Hà Tồ tuyên bố lễ truy điệu Bác Hồ để tưởng nhớ Bác kính yêu.
Toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân cúi đầu mặc niệm Bác trong niềm tiếc thương vô hạn. Trên bàn thờ, ngoài hương hoa vật phẩm còn có 1 tờ giấy bạc hai đồng của miền Bắc có hình ảnh Bác để tượng trưng cho di ảnh của Người. Lúc diễn ra lễ truy điệu Bác, do nhân dân quá đông và bị bất ngờ nên địch không làm gì được đành phải bỏ về trụ sở. 5 ngày sau, kẻ địch bắt đầu chiến dịch ra tay khủng bố đàn áp bắt toàn bộ người dân từ 18 tuổi trở lên tập trung tại hội trường để học tập và đóng kín cửa ra vào ấp chiến lược nhằm tìm ra người tổ chức lễ truy điệu Bác. Chúng tra tấn dã man như đổ nước xà phòng, ớt bột, đánh đập tàn nhẫn, nhất là đối với một số gia đình có người thân tham gia kháng chiến và một số người mà chúng nghi có liên quan đến việc tổ chức lễ truy điệu Bác nhưng nhân dân vẫn một mực trung thành với Đảng, với cách mạng, quyết không khai báo. Sau 10 ngày tra khảo không thành, chúng tiến hành bắt giam những người có tên trong “sổ đen” của chúng giam tại nhà lao Quảng Trị để tiếp tục tra khảo. Một năm sau, do không đủ chứng cứ, chúng đành phải trả tự do cho tất cả những người bị bắt.
Vào thời điểm đó, bên ngoài chúng sử dụng một trung đội nghĩa quân, một đại đội địa phương quân, một thiết đoàn M113 ngày đêm hành quân càn quét lùng sục, phục kích, truy xét để tiêu diệt lực lượng cách mạng nhưng đều không đem lại kết quả. Cơ sở cách mạng vẫn được bảo toàn, cán bộ du kích, lực lượng vũ trang của địa phương ngày càng phát triển vững mạnh.
Bí thư Chi bộ thôn Hà Xá Phan Thanh Cầu cho biết thêm, năm 2007, người dân thôn Hà Xá và chính quyền địa phương đã cùng nhau xây dựng trên mảnh đất này Đền thờ Bác Hồ. Công trình với kiến trúc truyền thống có mái uốn cong 4 phía, cấu trúc bền vững, uy nghiêm. Chính điện đặt tượng thờ của Bác. Tổng thể không gian ngôi đền hiền hòa, nằm gần gũi giữa cây xanh, ruộng lúa. Năm 2004, UBND tỉnh Quảng Trị có Quyết định cấp Bằng chứng nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh đối với Di tích Đền thờ Bác Hồ. Đây là địa chỉ đỏ để các địa phương, đơn vị trong và ngoài xã thường xuyên tổ chức lễ viếng, dâng hương, dâng hoa báo công lên Bác những kết quả đạt được trong các phong trào thi đua yêu nước, đồng thời giáo dục cho nhân dân, nhất là các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau truyền thống kiên cường, bất khuất về chủ nghĩa anh hùng cách mạng của quê hương, đất nước.
Trong 2 cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, người dân thôn Hà Xá hết lòng với cách mạng. Hiện toàn thôn có 6 người được hưởng chế độ tiền khởi nghĩa, 2 người có công với nước, 7 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 37 liệt sĩ và hàng trăm người được tặng thưởng huân chương, huy chương các loại, hàng chục người được hưởng các chế độ thương binh, bệnh binh, chất độc da cam, có công với cách mạng, dân công hỏa tuyến, tù đày và nhiều chế độ khác của nhà nước.
Nhớ lại những năm đầu mới hòa bình, thống nhất đất nước, Bí thư Chi bộ thôn Hà Xá Phan Thanh Cầu chia sẻ, năm 1975, khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, nhân dân khắp nơi trở về quê hương ngày càng đông. Để sớm ổn định cuộc sống cho người dân, Chi bộ Hà Xá ra nghị quyết mở rộng vùng sản xuất lên Cơn Ngút, Trạng Sòi be bờ đắp đập làm lúa nước, trồng sắn khoai để đảm bảo lương thực, không để ai thiếu đói. Năm 1978- 1979, 3 tập đoàn sản xuất của thôn được hợp nhất thành HTX Hà Xá với nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và chăn nuôi, nhất là khai thác thế mạnh của vùng gò đồi để phát triển kinh tế. HTX Hà Xá luôn dẫn đầu toàn xã về hiệu quả sản xuất, nâng cao đời sống cho xã viên. Đến nay, vốn quỹ của HTX có trên 2,5 tỉ đồng. Năm 1999, thôn Hà Xá được huyện chọn phát động xây dựng làng văn hóa thứ 2 của huyện; năm 2000 được công nhận làng văn hóa cấp tỉnh. Trong đợt tổng kết 15 năm xây dựng làng văn hóa, thôn Hà Xá được UBND tỉnh tặng bằng khen làng văn hóa xuất sắc cấp tỉnh và danh hiệu đó được giữ vững cho đến nay.
Năm 2005, thôn được xã chọn làm đơn vị thực hiện thí điểm phát động phong trào kết hợp hài hòa giữa xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường sinh thái. Năm 2008, thôn phát động phong trào thi đua xây dựng thôn không có tội phạm và nhiều phong trào khác. Chi bộ nhiều năm liền đạt danh hiệu “Trong sạch vững mạnh xuất sắc” được Đảng ủy, Huyện ủy tặng giấy khen; HTX, thôn, Mặt trận và các đoàn thể đạt trong sạch vững mạnh xuất sắc được xã, huyện, tỉnh khen thưởng. Hệ thống giao thông, thủy lợi của thôn cơ bản được bê tông hóa. Hiện nay, 100% người dân có nhà kiên cố, các thiết chế văn hóa được xây dựng khang trang. Toàn thôn chỉ còn 4 hộ nghèo là đối tượng cao tuổi và neo đơn.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=142592