Người dân Thủ đô sẽ được mục sở thị 'quốc bảo Việt Nam' thật - giả
Từ 12-18/4, tại 62 Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), Tổng cục Quản lý thị trường sẽ tổ chức Phòng trưng bày chuyên đề 'Nhận diện đúng Sâm Ngọc Linh trên thị trường'.
Đây sẽ là sự kiện đặc biệt, giúp người tiêu dùng, khách tham quan nhận diện, phân biệt sâm Ngọc Linh trồng tại tỉnh Kon Tum và sâm trồng tại các tỉnh, thành phố khác.
Từ lâu, sâm Ngọc Linh được coi là vị thuốc quý đứng đầu trong các loại thuốc quý đông y và được xem là "quốc bảo Việt Nam", là cây dược liệu mang lại hiệu quả kinh tế cao, thu hút nhiều cá nhân, doanh nghiệp đầu tư.
Sâm Ngọc Linh là cây bản địa đặc hữu của núi rừng Ngọc Linh, phân bố chủ yếu ở 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum. Theo tìm hiểu, trước đây, sâm Ngọc Linh mọc dày dưới tán rừng ở độ cao trên 1.200m, được người bản địa dùng như loại thuốc để tăng sức đề kháng, trong khi giới quân y sử dụng chế biến thành thuốc phục vụ cán bộ chiến sĩ tham gia kháng chiến.
Hiện nay, trên thị trường, từ miền Nam, ra miền Bắc, vào đến miền Trung, thậm chí, ngay trên "thánh địa", "thủ phủ" trồng sâm Ngọc Linh, các lực lượng chức vẫn thường xuyên kiểm tra, phát hiện nhiều vụ việc vi phạm liên quan đến sâm Ngọc Linh.
Điển hình, đầu tháng 3/2021, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 2 - Cục QLTT Kon Tum đã phối hợp với Công an huyện Đăk Tô mật phục, vây bắt vụ vận chuyển các loại củ giống với sâm Ngọc Linh Kon Tum được ngụy trang trong các thùng hoa phong lan. Kiểm tra thực tế, lực lượng chức năng phát hiện 3 thùng xốp, trong đó có 2 kg củ và 12kg lá rất giống sâm Ngọc Linh Kon Tum. Trong số hàng trên, có 2 củ lớn (kèm lá) nặng gần 3 lạng/củ. Còn lại là các củ nhỏ. Khai nhận với lực lượng chức năng, chủ xe cho biết, số hàng hóa trên đều là củ tam thất, vận chuyển từ các tỉnh phía Bắc đưa vào huyện Đăk Tô.
Trước đó, Đội QLTT số 2 đã phát hiện 7 thùng với 112 chai rượu "lá sâm Ngọc Linh", tại TT. Đắk Tô, huyện Đắk Tô. Tất cả số rượu trên được sản xuất tại Quảng Nam, không có hóa đơn chứng từ hợp lệ và vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ đối với rượu sâm Ngọc Linh Kon Tum K5.
Đáng chú ý, trên các nền tảng mạng xã hội hiện nay, chỉ cần gõ "sâm Ngọc Linh" là vô số các bài viết, hình ảnh liên quan sẽ được hiện ra với nhiều sản phẩm, chủng loại, từ củ tươi, củ khô, lá sâm đến cả rượu và các sản phẩm chiết xuất từ sâm.
Theo các cơ quan chuyên môn, hiện nay, có đến hơn 90% các sản phẩm sâm Ngọc Linh được giới thiệu, chào bán trên thị trường (cả hình thức truyền thống và mạng xã hội) là hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không rõ chất lượng, không phải là sâm được trồng trên đỉnh Ngọc Linh.
Sâm được trồng ở các tỉnh Lai Châu, Sapa (Lào Cai) hay được trồng ở Lào, Vân Nam (Trung Quốc)... được các cơ sở kinh doanh thu mua hô biến, hoán đổi thành sâm Ngọc Linh Kon Tum để bán giá cao hơn, đánh lừa người tiêu dùng.
Phòng Trưng bày với chủ đề "Nhận diện đúng sâm Ngọc Linh trên thị trường" nhằm giúp người tiêu dùng, khách tham quan trang bị những kiến thức trong việc nhận diện đúng sản phẩm sâm Ngọc Linh trồng tại Kon Tum và sâm trồng tại các địa phương khác. Đồng thời, giúp nâng cao nhận thức của người tiêu dùng trong việc chọn mua sâm Ngọc Linh và các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Ngoài ra, Phòng Trưng bày lần này cũng hướng tới mục tiêu giới thiệu các địa chỉ uy tín, chính hãng trong việc kinh doanh, phân phối các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh qua đó góp phần phòng, tránh mua phải hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Mặt khác, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp, người tiêu dùng với cơ quan quản lý nhà nước trong ngăn chặn, phát hiện, xử lý các sản phẩm hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ trên thị trường....