Bạc Liêu: Bồi dưỡng, tập huấn kiến thức về nghiệp vụ giám định tư pháp

Ngày 2/11, Sở Tư pháp tỉnh Bạc Liêu chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức lớp bồi dưỡng nghiệp vụ giám định tư pháp cho cán bộ, công chức, viên chức làm công tác giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh, nắm rõ các quy định của pháp luật về giám định tư pháp, một số kỹ năng pháp lý cơ bản, cần thiết của người giám định viên tư pháp.

Dự khai giảng lớp bồi dưỡng, có ông Vưu Nghị Bình - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bạc Liêu; đại diện Bộ Tư pháp; ông Nguyễn Duy Tuấn - Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bạc Liêu; Công an điều tra Cấp tỉnh, cấp huyện; TAND cấp tỉnh, cấp huyện; VKSND cấp tỉnh, cấp huyện; các cơ quan thực hiện chức năng giám định; các giám định tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc…

Ông Nguyễn Duy Tuấn - Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bạc Liêu, phát biểu khai giảng lớp bồi dưỡng nghiệp vụ giám định tư pháp.

Ông Nguyễn Duy Tuấn - Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bạc Liêu, phát biểu khai giảng lớp bồi dưỡng nghiệp vụ giám định tư pháp.

Ông Nguyễn Duy Tuấn - Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bạc Liêu, nhấn mạnh: “Trong những năm qua, công tác giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đã đạt được nhiều kết quả đáng kể, cụ thể như, công tác kiện toàn đội ngũ giám định viên tư pháp được các cấp, các ngành quan tâm. Đến nay, toàn tỉnh có 92 giám định viên (trong đó, Giám định viên tư pháp 31 người và Người giám định tư pháp theo vụ việc là 61 người); 2 tổ chức giám định tư pháp và 4 tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc, đội ngũ giám định viên tư pháp không chỉ tăng về mặt số lượng, chất lượng, đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định Luật Giám định tư pháp”...

Theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp Bạc Liêu, qua thực tiễn kết quả hoạt động tại địa phương, các vụ việc giám định tư pháp trên các lĩnh vực còn rất hạn chế về số lượng, chủ yếu phát sinh ở lĩnh vực pháp y và kỹ thuật hình sự; các giám định viên tư pháp đa số hoạt động kiêm nhiệm tại các Sở, Ngành cấp tỉnh chưa được qua đào tạo, bồi dưỡng bài bản, vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập, trong đó có hạn chế về mặt kiến thức pháp luật giám định tư pháp, kỹ năng thực hiện giám định.

Đại biểu tham gia lớp bồi dưỡng nghiệp vụ giám định tư pháp.

Đại biểu tham gia lớp bồi dưỡng nghiệp vụ giám định tư pháp.

“Thời gian tới, Sở mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ và giúp đỡ nhiều hơn nữa của Bộ Tư pháp, các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp trong thực hiện nhiệm vụ công tác tư pháp cũng như công tác đào tạo, bồi dưỡng đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác tư pháp; nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới”, ông Nguyễn Duy Tuấn bộc bạch.

Tại lớp bồi dưỡng, các đại biểu đã được nghe Báo cáo viên Bộ Tư pháp trình bày những nội dung trọng tâm của Luật Giám định tư pháp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp và các quy định pháp luật liên quan về hoạt động giám định tư pháp… Đồng thời, các các đại biểu thảo luận, trao đổi nhằm bàn bạc, tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Thông qua lớp bồi dưỡng, giúp cán bộ, công chức, viên chức làm công tác giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận những vấn đề liên quan đến hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự. Cũng như giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo trưng cầu của đơn vị tiến hành tố tụng; hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định theo quy định của pháp luật.
Việc giám định không chỉ nhằm xác định tội phạm, người thực hiện hành vi phạm tội, khung hình phạt được áp dụng mà còn liên quan đến nghĩa vụ dân sự, bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự.

Báo cáo viên trình bày những nội dung trọng tâm của Luật Giám định tư pháp…

Báo cáo viên trình bày những nội dung trọng tâm của Luật Giám định tư pháp…

Theo ông Liêu Tấn Danh - Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Bạc Liêu: “Thông qua lớp bồi dưỡng này, giúp hoạt động điều tra, truy tố, xét xử trước yêu cầu đẩy mạnh cải cách tư pháp, phòng chống tham nhũng, góp phần quan trọng trong việc giải quyết các vụ án được chính xác, khách quan, đúng pháp luật; giúp các cơ quan pháp luật xử lý kịp thời các đối tượng vi phạm, đảm bảo trật tự an toàn xã hội”.

Trọng Nghĩa

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/bac-lieu-boi-duong-tap-huan-kien-thuc-ve-nghiep-vu-giam-dinh-tu-phap-post530616.html