Thổ cẩm là sản phẩm dệt thủ công với những hoa văn đẹp sặc sỡ từ lâu đã gắn liền đời sống của người Tày ở Cao Bằng. Tuy vẫn được truyền lại từ đời này sang đời khác nhưng ngày nay, xóm Luống Nọi là nơi duy nhất còn giữ được nguyên vẹn về kỹ thuật lẫn công cụ dệt.
Gần 50 năm gắn bó với khung cửi, từng truyền dạy kỹ thuật dệt thổ cẩm, dệt các sản phẩm phục vụ sinh hoạt gia đình cho nhiều người, bà Nông Thị Thược (63 tuổi) hiện là nghệ nhân dệt thổ cẩm duy nhất ở Cao Bằng.
Với mong muốn lưu giữ nghề truyền thống của cha ông để lại, việc truyền dạy và chỉ bảo nghề của bà là hoàn toàn miễn phí. Bà và các học viên chỉ tranh thủ những lúc rảnh rỗi để dạy và học nên không có khóa học hay lớp học cụ thể cũng không có giấy chứng nhận mở lớp hay chứng nhận học viên.
Trong gần nửa thập kỷ miệt mài với nghề truyền thống, các sản phẩm của nghệ nhân Nông Thị Thược từng đạt được rất nhiều thành tích trong và ngoài nước. Trong đó phải kể đến danh hiệu “Sản phẩm thủ công mỹ nghệ làng nghề tiêu biểu Việt Nam” năm 2018 và được cấp chứng nhận đối tác Ban quản lý Công viên địa chất non nước Cao Bằng năm 2022.
Đôi tay thoăn thoắt trên khung cửi, nghệ nhân Nông Thị Thược bật mí, thổ cẩm của người Tày có hơn 20 loại hoa văn khác nhau. Trong đó, kỹ thuật phối màu rất quan trọng để tạo thành những bông hoa lê, hoa mận, hoa đào, hoa mai… và một số hình các loài muôn thú. Tất cả đều là những hình ảnh quen thuộc, gắn bó với đời sống, gắn bó với quá trình lao động sản xuất của dân tộc Tày.
Trên các sản phẩm dệt thổ cẩm, thứ tạo nên bản sắc riêng của văn hóa truyền thống người Tày khó để nhầm lẫn với hoa văn trang trí của các dân tộc khác chính là cách phối màu. Các màu sắc sáng, tối, nóng, lạnh được xử lý rất hài hòa, khéo léo trên nền chủ đạo là màu trắng đục.
Độc đáo hơn, dệt thổ cẩm của người Tày không phải là dệt từ mặt phải mà là tạo hoa văn trên mặt trái. Khi giăng những que tre trên khung cửi đã định hình sẵn, sợi vải và con thoi được đưa qua, đưa lại tạo nên những sản phẩm có hoa văn lạ mắt. Mỗi lần chỉ tạo được một hoa văn, muốn tạo hoa văn khác sẽ phải làm lại từ đầu.
Không có bất kỳ khuôn mẫu nào, hơn 20 loại hoa văn đều được khắc sâu trong trí nhớ nghệ nhân Nông Thị Thược hay những người thợ khác ở Nuống Lọi.
Nghệ nhân Nông Thị Thược cũng cho biết, kỹ thuật dệt thổ cẩm của người Tày sẽ bao gồm 4 công đoạn chính. Trong đó, quay sợi là công đoạn đầu tiên một người mới bắt đầu phải học.
Sợi được sử dụng là sợi bông nhuộm chàm, máy quay sợi làm bằng gỗ và các thanh tre tạo thành hình tròn. Ở công đoạn này, sợi bông đã nhuộm màu được mắc vào khung quay, người thợ dùng dùng tay quay từ trái sang phải để dàn những sợ nhỏ ra cho vừa với khung.
Sau khi mắc chỉ lên khung và tạo hoa văn bằng những sợi vải sặc sỡ xanh, đỏ, vàng, tím, trắng, đen. Người thợ sẽ sử dụng thầu (thoi dệt) để đưa các sợi vải theo phương nằm ngang, kết hợp dùng chân để đạp khúc guốc. Mỗi lần đạp để nhắc các sợi dọc tương ứng với mỗi lần luồn con thoi và một lần cài sợi vào các ô hoa văn. Đây cũng là công đoạn dệt – công đoạn cuối cùng trước khi hoàn thành một sản phẩm thổ cẩm.
Một tấm thổ cẩm ô vuông có kích cỡ 30x32 được dệt hoàn thiện. Đây cũng là kích cỡ dễ bán nhất và phù hợp để may địu, may túi, tấm trang trí lọ hoa... Ngoài ra, ở Luống Nọi người ta còn dệt ra những chiếc khăn quàng cổ, ga trải giường – những thứ gắn liền với đời sống văn hóa của người Tày.
Phải mất tới 4 ngày mới có thể dệt được một tấm khăn quàng cổ nhưng giá bán ra thị trường chỉ khoảng 1,2 triệu đồng nên những người phụ nữ ở Luống Nọi ngày nay chỉ còn duy trì nghề dệt thổ cẩm lúc nông nhàn như một nghề phụ.
Những năm trở lại đây, nhiều du khách nước ngoài khi đến thăm Cao Bằng đều tìm đến Luống Lọi để được tận mắt xem nghệ thuật dệt thổ cẩm của người Tày.
Nhằm thu hút đầu tư để phát triển du lịch gắn với các làng nghề, tỉnh Cao Bằng đã tổ chức nhiều hoạt động thúc đẩy xúc tiến, quảng bá. Nghề dệt thổ cẩm của người Tày cũng được Cao Bằng chọn là hạt nhân của các sản phẩm du lịch gắn liền với danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng
Qua thời gian, do nhiều nguyên nhân, việc sử dụng các trang phục truyền thống, sản phẩm thổ cẩm cũng không còn phổ biến. Nghề dệt thổ cẩm đang dần mai một và có nguy cơ thất truyền. Nghệ nhân Nông Thị Thược cũng như những người phụ nữ ở Luống Nọi ngày qua ngày vẫn hăng hái cải tiến sáng tạo, dệt ra những hoa văn mới lạ, đặc sắc phù hợp hơn với nhu cầu và thị hiếu của thị trường với mong muốn giữ gìn, bảo tồn và phát huy nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Tày nơi đây.
CTV Tuấn Anh/VOV-Đông Bắc