Người khuyết tật và câu chuyện mưu sinh: Cần sự chung tay góp sức của các cấp, các ngành
Về vấn đề hỗ trợ việc làm cho người khuyết tật, PV báo Thanh Hóa Cuối tuần đã có cuộc trò chuyện cùng các ông, bà: Lê Đình Tùng, Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ Người khuyết tật, trẻ mồ côi và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh; Trương Thị Thư, Chủ tịch Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi huyện Hà Trung; Lê Thị Thuận, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) thanh niên khuyết tật khởi nghiệp và phát triển huyện Đông Sơn.
Nếu không được sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, các ngành thì giải quyết việc làm cho người khuyết tật sẽ gặp nhiều khó khăn
Ông Lê Đình Tùng:
Thanh Hóa là tỉnh có dân số đông đứng thứ 3 sau Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, người khuyết tật gần 140.000 người chưa tính trẻ em khuyết tật và người bị thần kinh, tâm thần.
Những năm qua các cấp, các ngành đã quan tâm tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật có việc làm và thu nhập ổn định như hỗ trợ tư vấn việc làm, dạy nghề, hỗ trợ vay vốn giải quyết việc làm, có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp khi tuyển dụng người khuyết tật vào làm việc... Các cấp hội đã phối hợp với hội cơ sở mở các lớp dạy nghề như nuôi ong, mây tre đan, máy tính văn phòng, dự án chăn nuôi... Mới đây, là sự phối hợp với Công ty CP Tập đoàn Bell Việt Nam triển khai Dự án “Hỗ trợ và kiến tạo không gian khởi nghiệp cho người khuyết tật”.
PV: Nhìn nhận một thực tế, đang còn rất nhiều khó khăn đặt ra trong hỗ trợ việc làm cho người khuyết tật?
Ông Lê Đình Tùng:
Bản thân nhiều người khuyết tật còn tâm lý tự ti, chưa chủ động tiếp cận với cơ hội việc làm. Hơn nữa, họ gặp khó khăn trong vấn đề di chuyển, nên họ chỉ phù hợp với những công việc làm tại nhà hoặc gần nhà. Mặc dù Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho người khuyết tật học nghề nhưng đến nay chưa được bố trí kinh phí. Chất lượng lao động của người khuyết tật thấp, trong khi cơ hội việc làm cho người khuyết tật không nhiều do nhận thức, quan tâm của các cấp chính quyền, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư còn hạn chế.
Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp nhận người khuyết tật vào làm việc chưa thực sự tạo động lực thu hút để doanh nghiệp thực hiện. Nhiều doanh nghiệp tạo việc làm cho người khuyết tật còn khó khăn trong tiếp cận vốn ưu đãi. Để tạo điều kiện cho người khuyết tật được học nghề, có việc làm ổn định cần sự chung tay góp sức của các cấp, các ngành trong việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, hỗ trợ đối với các cơ sở đào tạo nghề, doanh nghiệp và người khuyết tật.
Làm sao để người khuyết tật có nghề và nhất là nghề giúp họ tự sống được
Bà Trương Thị Thư:
Thực tế, CLB này đang phát huy rất tốt chức năng, nhiệm vụ. Hiện CLB có 40 hội viên. Thông qua CLB để tạo cơ hội cho các hội viên tìm kiếm việc làm, tiếp nhận việc làm. 6 năm thành lập, CLB đã hỗ trợ hội viên bán hàng tiêu dùng, chăn nuôi bò, nuôi ong mật, sửa chữa điện dân dụng,... với tổng số tiền hỗ trợ hơn 50 triệu đồng. Ai đã có nghề thì càng phải khích lệ, động viên họ giữ nghề. Ai chưa có việc làm, CLB sẽ bằng mọi cách để tìm việc phù hợp cho họ. Ngoài ra, CLB cũng kết nối được một số tổ chức để tạo cơ hội học tập, việc làm cho hội viên như cách đây 1 năm, chúng tôi đã kết nối với một tổ chức để hội viên có được một gói học lập trình 15 triệu và 1 vi tính 15 triệu...
Việc làm cho người khuyết tật có khó không? Tôi nghĩ là không. Chúng tôi luôn tạo những cơ hội về nghề nghiệp cho họ. Chúng tôi luôn luôn nghĩ đến việc, làm sao để người khuyết tật phải có nghề và nhất là nghề giúp họ tự sống được. Và rất mừng, chúng tôi đã làm được điều đó.
Phải tìm việc phù hợp với khả năng của người khuyết tật
Bà Lê Thị Thuận:
Phải khẳng định, người khuyết tật trên địa bàn huyện rất cố gắng, chịu khó và vượt khó. Điển hình là cô giáo khuyết tay Lê Thị Thắm hay anh Lê Văn Hùng, người bị teo 2 chân vẫn rong ruổi trên chiếc xe lăn đi bán hàng rong ở nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh để nuôi 2 con ăn học... Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều cái khó đặt ra cho CLB. Thứ nhất, khó về kinh phí mở lớp đào tạo nghề cho họ. Thứ hai là khả năng con người bị hạn chế. Tôi ví dụ, năm 2021, chúng tôi mở được 2 lớp đan lát thủ công mỹ nghệ nhưng có tới 50% hội viên không đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Khi bắt tay vào thực tế, do sức khỏe, do tay chận vận động khó nên sản phẩm làm ra thường bị lỗi.
Tôi cũng đã từng kết nối một số doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để tìm kiếm việc làm cho hội viên nhưng kết quả, sản phẩm làm ra không được nghiệm thu... Nói chung, rất khó khăn về đầu ra.
PV: Vậy là để gỡ khó vấn đề này, yếu tố quan trọng nhất, phải chăng là tìm cho họ một công việc phù hợp hơn, nhẹ nhàng hơn?
Bà Lê Thị Thuận:
Thực tế phải là như vậy. Năm 2024, chúng tôi đang xin mở 2 lớp đan lát thủ công mỹ nghệ cho 64 người khuyết tật trên địa bàn huyện. Nhưng lần này, vật liệu sẽ mềm hơn đó là cói, mây và bèo tây. Tin rằng, sẽ phù hợp hơn với khả năng của người khuyết tật, giúp họ có việc làm và bảo đảm sinh hoạt hàng ngày cho họ.