Người lao động mong thưởng Tết
Gần Tết Nguyên đán, người lao động mong ngóng tiền thưởng của doanh nghiệp để có thêm một khoản chi tiêu, nhưng nhiều người vẫn khá buồn vì dự kiến mức thưởng Tết năm nay không tăng.
Thưởng lấy lệ
Anh Nguyễn Trung Sơn ở phường Ái Quốc (TP Hải Dương) làm việc trong một doanh nghiệp tư nhân chuyên xây dựng các công trình thủy lợi. Công ty này ít khi quan tâm đến thưởng Tết cho công nhân.
Mấy năm gần đây, tùy vào việc hoàn thiện, quyết toán các công trình dịp cuối năm, chủ sử dụng lao động sẽ thưởng Tết cho công nhân từ 500.000-1 triệu đồng và cũng phải tận đến ngày nghỉ cuối năm số tiền này mới đến tay công nhân.
"Dù biết nguyên tắc của công ty từ trước đến giờ vẫn thế nhưng chúng tôi vẫn thấy buồn. Hiện nay giá cả nhiều thứ đã tăng, chắc chắn công nhân chúng tôi sẽ phải căn cơ hơn trong chi tiêu dịp Tết", anh Sơn nói.
Chị Nguyễn Thị Xuân ở xã Cổ Dũng (Kim Thành) cũng chạnh buồn khi nghĩ về tiền thưởng Tết. Chị Xuân đang làm việc cho một công ty tư nhân chuyên thi công công trình. Công việc nặng nhọc, vất vả, "ráo mồ hôi là hết tiền" vì chủ sử dụng trả lương theo công nhật.
Vậy nên Tết đến không có chuyện chủ doanh nghiệp thưởng Tết cho những người làm công như chị Xuân. Năm nào nhiều việc được chủ sử dụng quan tâm chị Xuân mới có quà Tết nhưng chỉ là bánh kẹo hoặc két bia.
Theo thông tin khảo sát sơ bộ của chúng tôi, ở một số doanh nghiệp đa phần công nhân chưa nhận được thông báo chính thức về số tiền thưởng Tết. Tuy nhiên, nhiều người cho biết có thể công ty vẫn áp mức thưởng như năm ngoái.
Điều này khiến nhiều công nhân không vui vì theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, một số năm gần đây đã có những doanh nghiệp thưởng Tết rất thấp, thậm chí chỉ thưởng cho công nhân số tiền 50.000 đồng/người.
Nhiều cách tính tiền thưởng
Thưởng Tết không phải quy định bắt buộc của pháp luật. Đây là chính sách đãi ngộ, thu hút người lao động của doanh nghiệp nên tùy thuộc vào quan điểm của chủ sử dụng lao động, mỗi nơi có một cách tính khác nhau.
Ông Trần Đại Duyệt, Chủ tịch Công đoàn ngành công thương cho biết hiện nay các doanh nghiệp có công đoàn cơ sở trực thuộc ngành có nhiều cách tính thưởng Tết khác nhau.
Có thể tính theo mức lương cơ bản, theo tổng thu nhập bình quân hằng tháng của người lao động trong năm, theo mức thu nhập của người lao động trong tháng 12, chia lợi tức theo phần trăm của số tiền lãi mà doanh nghiệp thu trong năm hoặc tính theo bậc thợ, chức vụ... Trong số này thì thưởng theo mức lương cơ bản là thấp nhất.
Công ty TNHH Laurelton Diamonds Việt Nam (TP Hải Dương) tính thưởng Tết cho lao động thành 2 nhóm. Đối với công nhân sản xuất trực tiếp, ăn lương theo hình thức khoán sản phẩm, công ty thưởng theo mức bình quân thu nhập hằng tháng trong năm.
Những người không sản xuất trực tiếp sẽ được thưởng 1 tháng lương cơ bản cộng với bình quân số tiền thưởng mức hoàn thành công việc hằng tháng. Cách thưởng Tết này khá công bằng giữa các nhóm đối tượng lao động.
Công ty TNHH Công nghệ Vĩnh Hàn Precision (khu công nghiệp Phúc Điền, Cẩm Giàng) chi lương tháng thứ 13 cho công nhân bằng một tháng lương tối thiểu. Ngoài ra, căn cứ theo kế hoạch đề ra, nếu sản lượng cuối năm đạt cao, công ty sẽ thưởng lợi nhuận cho người lao động (tùy vào vị trí sẽ có mức thưởng khác nhau) để khuyến khích công nhân thi đua sản xuất.
Theo số liệu tổng hợp về số tiền thưởng Tết một số năm gần đây của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, khối doanh nghiệp FDI thường chi tiền thưởng Tết ổn định và cao hơn khối doanh nghiệp nhà nước, tư nhân.
Điều này cho thấy những doanh nghiệp này quan tâm hơn đến chế độ cho người lao động. Đối với người Việt, Tết Nguyên đán có ý nghĩa rất lớn trong đời sống cộng đồng nên thưởng Tết cũng mang đến những giá trị thiết thực cho người lao động.
Bởi vậy tổ chức công đoàn cơ sở cần linh động, tham mưu với chủ sử dụng lao động quan tâm thưởng Tết cho công nhân, có thể đưa điều khoản này thành quy định bắt buộc trong các bản thỏa ước lao động tập thể của doanh nghiệp.
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/lao-dong---viec-lam/nguoi-lao-dong-mong-thuong-tet-124610