Người mới, thách thức cũ

Tân Chủ tịch Đảng Bảo thủ Anh Boris Johnson ngày 24-7 đã tiếp kiến Nữ hoàng Anh Elisabeth II và chính thức nhậm chức thủ tướng nước này, thay thế bà Theresa May-người đã từ chức ngày 7-6 vừa qua. Trở thành Thủ tướng trong bối cảnh nước Anh đang 'rối như tơ vò', ông Boris Johnson sẽ phải vận dụng mọi khả năng để giải quyết các thách thức cũ nếu như không muốn cùng chung số phận như người tiền nhiệm.

Hiếm có một thủ tướng thời bình nào của Anh lại phải đối mặt với nhiều tình huống khó khăn đang chờ đợi như ông Boris Johnson. Được bầu lên làm thủ tướng thay bà Theresa May sau khi bà May 3 lần thất bại trong việc thuyết phục Quốc hội nước này thông qua thỏa thuận Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, nên không quá để nói rằng, nhiệm vụ lớn nhất của tân Thủ tướng Boris Johnson là phải tìm ra sách lược khả thi để đưa con tàu nước Anh rời bến cảng châu Âu với ít thiệt hại nhất.

Hiện tại, thời hạn cho Anh rời khỏi EU được ấn định vào ngày 31-10 tới. Giải pháp lý tưởng nhất lúc này là Anh tìm được một thỏa thuận Brexit mới, thay thế thỏa thuận Brexit mà bà Theresa May đạt được với Brussels hồi tháng 11-2018. Vấn đề ở chỗ, tuy tuyên bố sẽ nỗ lực để London “ra đi” đúng thời hạn nhưng những người chủ trương Brexit không tin sẽ có phép lạ do thời gian không cho phép: Quốc hội Anh nghỉ hè, London và Brussels phải thành lập phái đoàn đàm phán mới… Làm cách nào để trong vòng vài tuần của tháng 9 và tháng 10, hai bên có đủ thời gian xem xét lại 585 trang thỏa thuận. Thêm vào đó, EU đã báo trước không chấp nhận thay đổi một câu trong thỏa thuận, trừ phần tuyên bố chính trị đính kèm về mối quan hệ mới giữa hai bên.

Nếu kế hoạch A không thành, tân Thủ tướng Boris Johnson buộc phải tung lá bài thứ hai, theo đó yêu cầu Quốc hội Anh biểu quyết chấp thuận các điều khoản “tốt nhất” trong thỏa thuận Brexit của bà Theresa May. Các điều khoản “tốt nhất” là những điểm ít gây bất đồng, như: Quyền công dân châu Âu, vấn đề an ninh chung và hợp tác đối ngoại. Vấn đề “tái lập kiểm soát biên giới” giữa Bắc Ireland thuộc Anh và Cộng hòa Ireland tạm thời sẽ gác qua một bên.

Nếu cả hai kế hoạch trên không mang lại kết quả, giải pháp cuối cùng hoàn toàn trông cậy vào lòng bao dung của các thành viên EU. Hy vọng này khá mong manh bởi giới lãnh đạo châu Âu không thể rộng lượng hơn với London, vì như thế chẳng khác nào khuyến khích các thành viên dùng “vũ khí ly khai” để làm khó EU.

Cho dù Brexit đi theo kịch bản nào, nhiệm vụ đầu tiên phải làm của ông Boris Johnson khi ngồi trên ghế Thủ tướng là hàn gắn chính nội bộ Đảng Bảo thủ, giữa hai phe mang quan điểm khác nhau về Brexit. Hiện tại, nhóm nghị sĩ Đảng Bảo thủ chống đối ông Boris Johnson trong Quốc hội Anh vẫn tỏ thái độ cứng rắn và sẵn sàng kích hoạt việc bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson nếu ông không từ bỏ ý định Brexit không thỏa thuận. Nếu không hàn gắn được nhóm này, ông Boris Johnson sẽ không có một đa số ủng hộ đủ mạnh trong Nghị viện và sẽ rất khó điều hành chính phủ.

Một thực tế đáng lo ngại khác nữa là Dảng Bảo thủ hiện nay chỉ chiếm đa số ghế tại Hạ viện quá bán có hai ghế. Nếu như Công đảng đối lập đoàn kết lại để chống chính phủ thì cũng tạo ra thách thức đủ lớn, có thể "đánh đắm" những kế hoạch của ông Boris Johnson.

Ngoài ưu tiên giải bài toán Brexit, tân Thủ tướng Anh cũng sẽ nỗ lực “hâm nóng” lại quan hệ với Mỹ. Trong gần một thế kỷ qua, Anh và Mỹ là đồng minh đặc biệt và hầu như tất cả các đời Thủ tướng Anh đều coi quan hệ với Mỹ là “hòn đá tảng” trong chính sách đối ngoại của mình. Tuy nhiên, từ khi ông Donald Trump lên làm Tổng thống Mỹ, mối quan hệ này có phần kém nồng nhiệt hơn do Washington đang dần từ bỏ các cam kết với châu Âu. Bản thân Tổng thống Donald Trump cũng có những phát ngôn can thiệp vào công việc nội bộ của nước Anh, khiến quan hệ giữa ông Donald Trump với chính phủ, cá nhân bà Theresa May và một bộ phận chính giới Anh không tốt. Nhờ mối quan hệ cá nhân rất tốt với nhà lãnh đạo Mỹ, ông Boris Johnson chắc chắn sẽ ưu tiên thắt chặt quan hệ với Mỹ trong thời gian tới, đặc biệt là hướng tới ký kết một hiệp định thương mại tự do với Mỹ, coi đây là dự án mang tính sống còn cho nước Anh thời kỳ “hậu Brexit”.

Không chỉ vấn đề trong nước, tìm ra một giải pháp cho cuộc khủng hoảng với Iran hiện nay cũng là một thách thức đối với tân Thủ tướng Boris Johnson, đặc biệt sau khi Tehran bắt giữ một tàu chở dầu mang cờ Anh. Quản lý tốt cuộc khủng hoảng này sẽ giúp lãnh đạo mới của nước Anh cân bằng mối quan hệ không chỉ với các nhà lãnh đạo EU mà còn với Tổng thống Donald Trump.

Với hàng loạt thách thức như thế, cộng thêm các quan điểm có phần chưa rõ ràng về Brexit của ông Boris Johnson, chính trường Anh những ngày tới còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, đặc biệt khi mà Brexit đang đi đến giai đoạn khó có thể trì hoãn thêm và các bên cần phải đưa ra một quyết định dứt khoát.

LINH OANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/binh-luan/nguoi-moi-thach-thuc-cu-583266