Người nối những nhịp cầu yêu thương

Trong hơn 10 năm qua, thượng tọa Thích Minh Hạnh - Phó Ban Thường trực, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, trụ trì chùa Thiên Thới (Kế Sách) đã dành cả tấm lòng nhân ái để thực hiện ước mơ xây dựng những chiếc cầu ở vùng nông thôn. Chính những việc làm ý nghĩa đó, người dân thường gọi thượng tọa là 'Vua xây cầu'.

Nói về ý tưởng xây cầu, thượng tọa Thích Minh Hạnh chia sẻ: “Nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ để hoàn thiện cơ sở hạ tầng nông thôn, đặc biệt là cầu, đường. Tuy nhiên, với đặc thù là vùng sông nước, hệ thống kênh rạch, sông ngòi chằng chịt, việc đầu tư cũng chưa rộng khắp, còn nhiều cầu tạm bằng tre, dừa, gây mất an toàn. Vì thế, tôi có ý nguyện làm sao xây được những cây cầu bêtông vững chắc hơn”.

Năm 2008, thượng tọa Thích Minh Hạnh bắt đầu đứng ra vận động bà con phật tử, các mạnh thường quân ủng hộ tiền, vật tư để cùng chính quyền xây dựng 3 cây cầu bêtông trên địa bàn huyện Kế Sách. Để công trình đảm bảo chất lượng và tiết kiệm tối đa chi phí, thượng tọa thành lập được nhóm từ thiện chuyên phụ trách kỹ thuật, phối hợp người dân tại địa phương cùng làm. Hơn nữa, cứ mỗi lần khánh thành cầu, thượng tọa còn vận động hàng trăm phần quà để tặng bà con nghèo.

Đồng chí Trần Thanh Mẫn - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tặng quà cho thượng tọa Thích Minh Hạnh.

Đồng chí Trần Thanh Mẫn - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tặng quà cho thượng tọa Thích Minh Hạnh.

Tiếng lành đồn xa, nhiều địa phương gửi thư ngỏ, người dân gửi đơn bày tỏ mong muốn xây dựng cầu. Thượng tọa Thích Minh Hạnh cho biết, tất cả là cái duyên, mỗi lần có người gửi đơn xin thì không lâu sau đó lại có người gọi điện cho. Họ là phật tử có tấm lòng thiện nguyện từ khắp nơi trong và ngoài nước. Vậy là số lượng cầu cứ tăng dần. Bình quân mỗi năm thượng tọa Thích Minh Hạnh xây dựng được 30 cây cầu. Mỗi cây cầu được xây dựng với kinh phí từ 100 đến 300 triệu đồng, tùy theo sông rạch và nhu cầu tại mỗi địa phương, căn bản mặt cầu rộng từ 2m đến 3m, chiều dài từ 20m đến 45m. Tiền vận động xây cầu chỉ dùng mua vật liệu, còn thượng tọa cùng dân vận, MTTQ, đoàn thể phối hợp với chính quyền địa phương vận động đoàn viên, hội viên, nhân dân địa phương giúp ngày công lao động. Người góp công, người góp của, hỗ trợ nhau để cầu nhanh chóng hoàn thành, đưa vào sử dụng, thay thế cầu khỉ, giúp người dân đi lại dễ dàng hơn, nông sản vận chuyển nhanh chóng, bệnh nhân được đến trạm xá kịp thời, học sinh không còn vất vả khi đến lớp.

Hiện nay, chùa Thiên Thới được xem là nơi kết nối giữa các nhà tài trợ, mạnh thường quân để làm nên những nhịp cầu yêu thương. Thượng tọa Thích Minh Hạnh đã đặt tên cho hoạt động này là Chương trình “Nhịp cầu yêu thương”, lấy tên chùa Thiên Thới làm điểm tựa, lấy hai chữ “yêu thương” làm nền tảng kết nối, lấy người dân địa phương làm sức mạnh để xây dựng những chiếc cầu bền vững. Thượng tọa Thích Minh Hạnh chia sẻ: “Người tu theo đạo Phật bao giờ cũng lấy niềm tin làm gốc. Việc nói và làm phải đi đôi, nói và làm phải trung thực, rõ ràng, tất cả phải vì lợi ích cho số đông, cho cộng đồng, cho xã hội thì mọi người mới tin, quý mến mà ủng hộ. Nhất là đức hy sinh không tính thời gian, không gian, miễn làm được thì làm ngay, đáp ứng mọi yêu cầu của người phát tâm ủng hộ… Đây cũng là một chút công sức của mình đóng góp cùng các địa phương thực hiện tiêu chí xây dựng nông thôn mới”.

Những đóng góp trong công tác từ thiện xã hội, tập thể và cá nhân “Nhịp cầu yêu thương” đã được UBND tỉnh và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tặng nhiều bằng khen trong việc tham gia xây dựng nông thôn mới. Riêng thượng tọa Thích Minh Hạnh vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen, Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng nhì và nhiều bằng khen của UBND các tỉnh, thành trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Suốt hành trình thực hiện ước nguyện nối nhịp cầu yêu thương, thượng tọa Thích Minh Hạnh đã xây dựng được gần 400 cây cầu, tổng số tiền hơn 40 tỉ đồng và vận động được hơn 3.000 phần quà tặng bà con nghèo nhân dịp khánh thành cầu. “Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục nêu cao vai trò, trách nhiệm của mình, tích cực ủng hộ chương trình hành động do Đại hội Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đề ra, nhất là tiếp tục có những đóng góp nhiều hơn nữa trong việc xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và quốc phòng an ninh. Tiếp tục vận động các nhà hảo tâm, mạnh thường quân, phật tử gần xa xây dựng nhiều cầu nông thôn, giúp đỡ được nhiều mảnh đời bất hạnh trong cuộc sống nhằm góp một phần để xây dựng quê hương Sóc Trăng ngày càng văn minh, giàu đẹp” - đó là tâm huyết của thượng tọa Thích Minh Hạnh.

Phước Liêu

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/hoa-no-bon-mua/nguoi-noi-nhung-nhip-cau-yeu-thuong-28833.html