Người phụ nữ nặng lòng với nghề thêu truyền thống
Trong dòng chảy hối hả của cuộc sống, vẫn có người âm thầm chắt chiu, góp nhặt, gắn bó với nghệ thuật thêu truyền thống để lưu truyền cho thế hệ sau. Đó là chị Triệu Thị Sỉnh (SN 1984), người dân tộc Dao đỏ ở thôn Bản Cuôn II, xã Ngọc Phái (Chợ Đồn).
Yêu thêu từ thuở nhỏ
Chị Triệu Thị Sỉnh chia sẻ: “Từ nhỏ tôi đã thích những họa tiết nhiều màu trên váy áo mà mẹ thêu. Càng lớn, tình yêu với những trang phục dân tộc trong tôi càng lớn”.
Vì yêu thích nên chị mày mò học cắt may, thiết kế, thêu thùa. Với sự khéo léo của mình, những bộ váy, chiếc khăn do chị hoàn thiện ngày càng trở nên đẹp, tinh xảo hơn. Tới khi lập gia đình, dù cuộc sống bận rộn, chị vẫn tranh thủ tìm hiểu kỹ thuật thêu từ những người già. Giờ đây, chị Triệu Thị Sỉnh đã có một tài sản "vô giá" là kinh nghiệm và kỹ năng thành thạo thêu truyền thống của dân tộc Dao đỏ mà chị đã học và tích lũy được.
Chị Triệu Thị Sỉnh cho biết: “Với người Dao đỏ, đặc biệt là phụ nữ, kỹ thuật thêu rất quan trọng. Những bộ trang phục có họa tiết hoa văn thêu đẹp mắt, sáng tạo vừa là tài sản, vừa là nơi thể hiện sự khéo léo, tinh tế, đảm đang của người con gái Dao. Trong nhà có nhiều quần áo đẹp tức là có nhiều tài sản. Những cô gái ở độ tuổi lên chín, lên mười đã được các bà, mẹ truyền dạy may vá, thêu thùa. Mỗi cô gái Dao trước khi đi lấy chồng đều tự làm cho mình một bộ trang phục mặc trong lễ cưới”.
Ngày xưa phụ nữ Dao đỏ ai cũng phải biết thêu những họa tiết cổ truyền như dấu chân con hổ, cây thông, hoa, lá rừng… Khi thành thạo thì mỗi người sẽ có sự sáng tạo riêng để thêu lên trang phục, tạo dấu ấn riêng của mình. Chị Triệu Thị Sỉnh bộc bạch: “Nhìn vậy thôi, chứ công đoạn thêu hoa văn này rất kỳ công và mất nhiều thời gian. Nhất là những trang phục mặc đám cưới họa tiết hoa văn đa dạng, cầu kỳ”.
Mong nghề thêu được nhiều người biết tới
Với những kinh nghiệm, vốn hiểu biết về nghề thêu, cùng mong muốn giữ gìn văn hóa truyền thống của dân tộc mình, năm 2020 chị Triệu Thị Sỉnh đã mạnh dạn đứng ra thành lập Tổ hợp tác (THT) phát triển các sản phẩm nông, lâm nghiệp Bản Cuôn. Vận động, tập hợp chị em phụ nữ cùng duy trì, phát triển nghề thêu truyền thống. Từ 7 thành viên ban đầu, nay THT đã có 19 chị em tham gia.
Chị Triệu Thị Cách, thành viên THT chia sẻ: “Kỹ thuật thêu rất quan trọng, nó như linh hồn của văn hóa dân tộc Dao đỏ chúng tôi. Vì thế, tôi sẽ cố gắng cùng các thành viên trong THT duy trì và truyền dạy cho các thế hệ trẻ để không bị mai một”.
Trong quá trình làm ra các sản phẩm, chị Triệu Thị Sỉnh trực tiếp góp ý, chỉnh sửa cho các thành viên, để sản phẩm đẹp hơn. Cũng chính nhờ sự chau chuốt, tỉ mỉ trong công việc, cùng sự thay đổi, thích ứng với nhu cầu người tiêu dùng, những sản phẩm thổ cẩm của THT được đông đảo người dân đón nhận. Các sản phẩm chính và bán chạy của THT là ví, túi, khăn, mũ, áo, vỏ gối… tất cả đều làm từ vải chàm.
Năm 2022, “Bộ sản phẩm thêu hoa văn trên gối, túi, khăn, mũ” của THT phát triển các sản phẩm nông, lâm nghiệp Bản Cuôn đã đạt giải Nhì tại Hội thi thiết kế sản phẩm lưu niệm và quà tặng du lịch của huyện Chợ Đồn; tác phẩm “Khăn dài ATK Chợ Đồn” đạt giải Nhì tại Cuộc thi thiết kế sản phẩm lưu niệm và quà tặng du lịch do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Kạn tổ chức.
Với những đóng góp trong việc gìn giữ và phát huy bản sắc dân tộc Dao, năm 2022 chị Triệu Thị Sỉnh được Hội LHPN tỉnh tặng Bằng khen “Phụ nữ tiêu biểu”…/.