Người phương Tây nhẹ nhõm mua sắm dịp Giáng sinh nhờ Trung Quốc

Trong năm nay, các nhà sản xuất Trung Quốc đã phải giảm giá do nền kinh tế trong nước suy yếu, có khả năng mang lại sự nhẹ nhõm cho những người mua quà tặng phương Tây trong dịp Giáng sinh này.

Hoạt động kinh tế chậm lại và sự suy thoái trong lĩnh vực bất động sản (BĐS) đã làm giảm giá hàng hóa và chi phí đầu vào.

Even Pay, nhà phân tích tại Trivium China, cho biết: “Đối với những người mua sắm dịp Giáng sinh ở châu Âu và Bắc Mỹ, tôi có thể nói rằng bức tranh nguồn cung từ Trung Quốc năm nay tốt hơn rất nhiều so với vài năm qua”.

 Các nhà sản xuất Trung Quốc đã lấy lại được phần nào khả năng cạnh tranh khi đồng nhân dân tệ mất giá xuống mức thấp nhất 16 năm trong năm nay. Ảnh: FT.

Các nhà sản xuất Trung Quốc đã lấy lại được phần nào khả năng cạnh tranh khi đồng nhân dân tệ mất giá xuống mức thấp nhất 16 năm trong năm nay. Ảnh: FT.

Nhờ chi phí vận chuyển giảm, chấm dứt phong tỏa do Covid-19 và tình trạng dư thừa công suất trong lĩnh vực vật liệu và kim loại trong nước đồng nghĩa với việc ít hạn chế hơn đối với nguồn cung hàng hóa sản xuất của Trung Quốc.

Frederic Neumann, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á của HSBC, cho biết: “Chúng tôi đang chứng kiến rất nhiều áp lực giảm phát trên thị trường hàng hóa. Và điều đó thật tuyệt vời đối với người tiêu dùng phương Tây muốn mua hàng.”

Ông Neumann cho biết chi phí đầu vào giảm "tỏa ra" từ hoạt động giảm sút trong lĩnh vực BĐS của Trung Quốc, vốn đang vật lộn với khủng hoảng thanh khoản và giá nhà sụt giảm, sang các lĩnh vực liên quan như thiết bị gia dụng và đồ nội thất.

Ông nói thêm rằng hoạt động giảm sút trong lĩnh vực xây dựng đã đẩy giá hàng hóa xuống, đặc biệt là thép, tạo ra hiệu ứng dây chuyền đối với các nhà sản xuất tiêu thụ một lượng lớn kim loại.

Theo truyền thống, từ tháng 5 đến tháng 10, Các công ty Trung Quốc có xu hướng sản xuất phần lớn đơn đặt hàng Giáng sinh để kịp đưa hàng lên kệ cho đợt cao điểm mua sắm tháng 12.

Chỉ số giá sản xuất, thước đo sự thay đổi giá hàng hóa do nhà sản xuất bán ra, đã giảm tháng thứ 11 liên tiếp trong tháng 8. Chi phí nguyên liệu đầu vào được đo bằng chỉ số quản lý mua hàng chính thức của khu vực sản xuất của nước này đã giảm trong ba tháng liên tiếp từ tháng 4 đến tháng 6, trước khi tăng trở lại vào tháng 7 và tháng 8.

Trong khi đó, giá đầu ra của nhà máy đã giảm tất cả trừ một tháng từ tháng 5 năm 2022 đến tháng 7 năm nay, theo PMI chính thức.

Những lo ngại về chi phí sinh hoạt ngày càng tăng ở Mỹ và châu Âu đã làm giảm nhu cầu đối với hàng hóa Trung Quốc, khiến một số nhà máy phải giảm giá hoặc tìm kiếm các thị trường mới ở châu Á.

Jason Wong, Phó giám đốc thương mại điện tử tại công ty hậu cần Janco, công ty xử lý hàng xuất khẩu qua Hồng Kông (Trung Quốc), ước tính các nhà sản xuất đã hạ giá khoảng 5-7% trong năm nay, một phần là để thu hút các thương hiệu chịu áp lực “giảm thiểu rủi ro chuỗi cung ứng bằng cách tìm nguồn cung ứng sản phẩm từ các nước khác.

Trong khi đó, Anny Cheung, Giám đốc cấp cao của Wah Lung Toys có trụ sở tại Hồng Kông (Trung Quốc), nơi sản xuất hàng hóa cho Disney và các thương hiệu khác tại ba nhà máy ở Trung Quốc, cho biết chi phí lao động và nguyên liệu thô giảm đã giúp công ty giảm giá khoảng 2% trong năm nay.

Bà nói thêm rằng áp lực của phương Tây lên các công ty nhằm “giảm thiểu rủi ro” cho chuỗi cung ứng đến Đông Nam Á đã làm tăng nguy cơ mất khách hàng.

Xuất khẩu của Trung Quốc, vốn mang lại huyết mạch kinh tế trong thời kỳ bùng nổ của ngành điện tử tiêu dùng trong thời kỳ đại dịch, đã mất đà trong năm nay, giảm 14,5% trong tháng 7, mức cao nhất kể từ khi bắt đầu đại dịch và giảm thêm 8,8% trong tháng 8.

Nền kinh tế nói chung cũng chững lại, đạt mức tăng trưởng 0,8% so với quý trước trong 3 tháng tính đến tháng 6, do các nhà máy hoạt động kém hiệu quả và sự phục hồi của khu vực dịch vụ được dự đoán đã chững lại.

Điệp Nguyễn (Theo FT)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nguoi-phuong-tay-nhe-nhom-mua-sam-dip-giang-sinh-nho-trung-quoc-post267823.html