Người quản giáo ở Hồng Ca

Đại úy Nam bảo, để làm tốt công tác quản lý, giáo dục phạm nhân, chỉ căn cứ vào quy định của pháp luật thôi chưa đủ. Còn phải dựa vào 'quy định tình người' - quy định không có văn bản, giấy tờ mà xuất phát từ cái tâm, cái tình của người quản giáo...

Gắn bó với “nghề” quản giáo từ năm 2014, Đại úy Trương Tuấn Nam - Phân trại 1, Trại giam Hồng Ca (xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái) trẻ cả tuổi đời lẫn tuổi nghề. 7 năm qua với anh là những tháng ngày đau đáu về phận người nơi buồng giam. Biết bao công sức bỏ ra gạt đi vẻ lạnh lùng vô cảm trong đôi mắt những người tội lỗi để gọi về những tia ấm áp. Biết bao kinh nghiệm quý từ thực tế mà lãnh đạo, cán bộ chiến sĩ đi trước truyền lại, có thành công và cả những vấp váp.

“Quy định tình người”

Phân trại 1 - Trại giam Hồng Ca được bao quanh bởi những dãy tường cao chằng chịt dây thép gai. Khi cánh cửa trại lừng lững mở ra, là một khung cảnh khác với tưởng tượng của tôi lúc ban đầu. Ở đây, nơi bị cách ly với xã hội, nơi bị hạn chế một phần tự do, thì cuộc sống sinh hoạt cũng không khác mấy so với đời sống thường nhật ngoài kia. Cũng nhộn nhịp cảnh lao động sản xuất. Đan lát, gia công, trồng trọt, chăn nuôi... Góc này, tiếng nói chuyện, tiếng trêu đùa xôn xao. Góc kia, một “tay kéo vàng” mặc áo kẻ sọc đang chăm chú cắt tóc cho các phạm nhân khác...

Trong khoảnh sân nhỏ dưới gốc xoài tỏa bóng, đội phạm nhân số 40 đang làm hàng mã. Hoa mười giờ, thủy tiên nở rực rỡ một góc vườn giữa tiết trời u ám. Đại úy Trương Tuấn Nam - cán bộ quản giáo phụ trách Đội đang hướng dẫn các phạm nhân sản xuất. Gần đó, phạm nhân Vàng Văn Ngọc - Đội trưởng Đội phạm nhân đang đôn đốc tổ đóng gói hàng. Không giống như những phạm nhân khác thường có vẻ ngoài lì xì, bụi bặm, gã tù này cao ráo và trắng trẻo, đặc biệt là ánh mắt luôn cười. “Ăn bao nhiêu cái tết ở Trại Hồng Ca rồi phạm nhân Ngọc?”, tôi hỏi. Gã gãi tai nói nhỏ: “Dạ thưa, 12 năm rồi”.

 Phạm nhân trong giờ lao động sản xuất.

Phạm nhân trong giờ lao động sản xuất.

Ngọc sinh năm 1981, quê ở thành phố Yên Bái, người dân tộc Dáy. 27 tuổi, Ngọc vào trại vì phạm tội mua bán trái phép chất ma túy. Thời gian đầu, cả ngày gã tù này không nói nửa lời, ăn uống thất thường, gương mặt lầm lì, như con nhím có thể “xù lông” bất cứ lúc nào.

Khi tiếp quản Đội phạm nhân số 40, Đại úy Nam chú ý ngay đến vẻ khác thường của Ngọc. Ngọc có 2 cô con gái. Vào Trại, Ngọc rất nhớ và lo lắng cho con. Quản giáo Nam đã dựa vào chính hai người con ấy để gợi mở, chuyện trò, để xốc lại tinh thần cho Ngọc. Phạm nhân này cởi mở dần và nhận thức được rằng “chả nhẽ cả đời này chỉ làm điều xấu và vào tù, phải làm việc chăm chỉ, suy nghĩ tích cực để thay đổi bản thân”.

Thời gian chậm chạp trôi, đến năm 2018, mức án 20 năm Ngọc đã trả được một nửa. Đúng vào lúc tư tưởng của Ngọc đã ổn định thì cú sốc tinh thần khủng khiếp xảy đến làm Ngọc một lần nữa gục ngã. Vợ Ngọc đi theo vết xe đổ của chồng và bị bắt. Nhận được tin, Ngọc lo lắng cho hai con đến mất ăn mất ngủ, Sự thay đổi bất thường ấy, quản giáo Nam nhận ra ngay. Anh hỏi chuyện và biết sự tình.

Để Ngọc bớt lo lắng, Đại úy Nam tạo điều kiện cho Ngọc gọi điện về nhà. Vừa nghe tiếng Ngọc ở đầu máy, người chị gái đã khóc nấc, không nói được câu nào. Vì thế, mọi chuyện Ngọc nhờ cả vào người anh rể. Sau cuộc điện thoại, yên tâm hơn vì hai con gái đã được vợ chồng chị gái đón về nuôi, tâm lý Ngọc ổn định dần. Những câu hỏi thăm, những lời động viên hằng ngày của Đại úy Nam khiến Ngọc lấy lại niềm tin, cố gắng cải tạo tốt và có nhiều đóng góp trong công tác quản lý phạm nhân.

 Đại úy Trương Tuấn Nam - cán bộ quản giáo Trại giam Hồng Ca trong giờ làm việc.

Đại úy Trương Tuấn Nam - cán bộ quản giáo Trại giam Hồng Ca trong giờ làm việc.

Không chỉ có phạm nhân Ngọc, ở Đội phạm nhân 40 còn có nhiều phạm nhân có mức án cao và chung thân. Chống đối, chán nản là “chuyện thường ngày ở trại” của cánh phạm nhân khi bước vào nơi đặc biệt này. Muốn giáo dục, cải tạo được họ, cán bộ quản giáo phải tìm hiểu kĩ hoàn cảnh, nắm bắt tâm lý của phạm nhân. Khi đã hiểu những buồn vui, ước mong, tâm sự của họ, sẽ có cách giải thích, động viên, khuyên nhủ.

Đại úy Nam bảo, để làm tốt công tác quản lý, giáo dục phạm nhân, chỉ căn cứ vào quy định của pháp luật thôi chưa đủ. Còn phải dựa vào “quy định tình người” - quy định không có văn bản, giấy tờ mà xuất phát từ cái tâm, cái tình của người quản giáo.

Thu phục nhân tâm

Dù đã ở trại cải tạo 7 năm rồi nhưng giọng nói tiếng phổ thông của Sùng A Pó (sinh năm 1993, ở huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên) vẫn còn ngọng nghịu. Phạm tội “Mua bán trái phép chất ma túy”, với bản án chung thân, Pó xác định sẽ ở trại cả đời. “Chưa ai vào thăm phạm nhân Pó à?”. “Nhà chả có ai mà thăm. Bố mất rồi. Hai anh ở trại. Mẹ cũng vừa ở trại ra, chưa biết đường đi thăm”.

Những câu trả lời nhát gừng đã tóm tắt đầy đủ gia cảnh đặc biệt của Pó. Thân hình nhỏ bé, sức khỏe yếu, Pó được các cán bộ xếp vào đội làm túi giấy. Đôi bàn tay đang thoăn thoắt gấp, dán túi, bỗng dừng lại quệt nước mắt. “Nhớ nhà, nhớ mẹ...”, Pó thốt lên, gương mặt méo xệch, rồi lặng im.

Quản giáo Nam bảo với tôi, không chỉ mình Pó đâu, đa phần phạm nhân ở đây là người dân tộc thiểu số, rất ít khi được người nhà thăm gặp do kinh tế khó khăn, đi lại xa xôi. Bởi vậy, khu thăm gặp ngay đầu cổng Phân trại 1 luôn vắng lặng. Những căn buồng hạnh phúc vẫn được lau dọn hằng ngày để dành cho những cuộc đoàn viên ngắn ngủi nhưng hầu như để không. Cánh bà con dân tộc đi thăm thân cũng chẳng giống dưới xuôi. Có khi cả tốp người từ bản Mông xa xôi đến trại, chẳng nói được tiếng phổ thông, cứ luôn miệng “Chi pâu”, trại phải cử người phiên dịch. Có bà mẹ đến thăm con, giở gùi ra, một nắm xôi, vài củ sắn luộc trao cho con, rồi khóc, không nói lời nào. Khóc xong thì đi về.

 Cuộc sống hằng ngày ở Trại giam Hồng Ca.

Cuộc sống hằng ngày ở Trại giam Hồng Ca.

7 năm qua, Đại úy Nam tích cực tham gia cuộc thi “Cảnh sát quản giáo giỏi” do Trại giam Hồng Ca tổ chức đều đặn 2 năm một lần, trong đó năm 2018 và 2020 anh đều giành giải Nhất toàn đơn vị. Với thành tích đạt được, năm 2020 Đại úy Nam đạt danh hiệu Chiến sĩ Thi đua cơ sở. Hỏi kinh nghiệm và bí quyết đi thi, anh chỉ cười: “Đi thi không phải là để trình diễn, mà mang chính công việc thường nhật của cán bộ quản giáo vào bài thi và lên sân khấu. Đó là tất cả kiến thức và kĩ năng mà chúng tôi phải học tập, trau dồi thường xuyên”.

Chẳng hạn, bài thi yêu cầu tổ chức một buổi sinh hoạt đội phạm nhân về nội dung quy định tha tù trước thời hạn có điều kiện. Đây là một trong các hoạt động định kỳ mà cán bộ quản giáo triển khai sinh hoạt ở đội phạm nhân hằng tuần, hằng tháng, hằng quý. Để có thể triển khai buổi sinh hoạt bài bản và hiệu quả, các cán bộ quản giáo thường có những đêm không ngủ nghiên cứu kĩ hồ sơ của từng phạm nhân, rà soát lại các quy định, văn bản pháp luật để áp dụng từng trường hợp và phổ biến cho phạm nhân.

“Cán bộ ơi, đợt này tôi đã đủ thời gian chấp hành án chưa?”, “Cán bộ ơi, tại sao tôi không được xét đợt này, tôi còn thiếu điều kiện nào”,... Phần giải đáp thắc mắc của phạm nhân bao giờ cũng là phần sôi nổi nhất, đau đầu nhất. Cán bộ Nam phải kiên nhẫn giải đáp từng phần để cho phạm nhân hiểu. Hơn ai hết, anh hiểu rằng việc xét duyệt liên quan trực tiếp đến quyền lợi của phạm nhân nên không chỉ họ mà cả gia đình họ đều mong ngóng.

 Phạm nhân Sùng A Pó vào trại đã 7 năm nhưng chưa một lần được người thân đến thăm.

Phạm nhân Sùng A Pó vào trại đã 7 năm nhưng chưa một lần được người thân đến thăm.

Dáng người mảnh dẻ, gương mặt hiền nhưng quản giáo Nam lại rất có uy và được các phạm nhân quý mến nhờ cách xử lý công việc có lý, có tình. Anh bảo, công việc quản giáo là một hành trình đeo bám không dứt để cải tạo, giáo dục thành công những người phạm tội. Mỗi ngày hiểu phạm nhân hơn một chút, tác động tích cực đến họ một chút, chứ không thể đổi thay một con người trong ngày một ngày hai.

Bây giờ thì phạm nhân Lý A Lử (sinh năm 1993, người dân tộc Mông ở Lai Châu) đã có ý thức cải tạo tốt và luôn lao động vượt chỉ tiêu. Nhớ về quãng thời gian 5 năm trước, khi mới vào trại vì tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”, Lử chán chường lắm. Qua công tác nắm tình hình, nghiên cứu hồ sơ, Đại úy Nam biết được hoàn cảnh của Lử. Nhà Lử nghèo túng, bố mẹ đã già yếu, Lử lấy vợ sớm nên 2 đứa con nheo nhóc. Nhận thấy đây là trường hợp cần phải quan tâm đặc biệt, quản giáo Nam đã gặp gỡ, ban đầu chỉ để giáo dục nội quy của tập thể đội trong sinh hoạt và sản xuất. Lử nghe thế nhưng chỉ im lặng, gương mặt đăm chiêu.

Từ ngày vào trại, Lử mong gặp người thân mà chẳng ai lên thăm. Cuốn sổ lưu ký của Lử dưới căng tin trại giam ngày này qua ngày khác chỉ là những trang trắng xóa. Chính quản giáo Nam là người đầu tiên điền vào đó, hỗ trợ Lử một chút tiền để quy đổi đồ dùng hằng ngày. Bao năm qua, quản giáo Nam đóng luôn vai người thân của Lử. Khi thì gói xà phòng, dầu gội đầu, khi thì cái khăn, những đồ dùng thiết yếu ấy như món quà quý giá khiến phạm nhân Lử thực sự biết ơn và xúc động. Lử nhận ra cán bộ quản giáo lo lắng cho Lử thực lòng. Bởi vậy, lẽ nào Lử lại không cố gắng...

 Một góc khu trồng trọt ở Trại giam Hồng Ca.

Một góc khu trồng trọt ở Trại giam Hồng Ca.

Ở Trại Hồng Ca - nơi sương mù tan vào lúc gần trưa và lại mịt mù từ giữa buổi chiều, những cán bộ quản giáo đều đặn theo guồng quay sáng - trưa - chiều - tối, nhiều hiểm nguy và không thể lơ là. Có những lúc lo lắng đến nghẹt thở, có cả những phút giây lưu luyến khi chia tay phạm nhân hết thời hạn chấp hành án phạt tù. Mong mỏi họ khi bước ra khỏi cánh cổng trại giam sẽ là người tốt, những cán bộ quản giáo như Đại úy Nam lại tiếp tục hành trình khai mở đến những tâm hồn tội lỗi, rọi vào đó ánh sáng của tình người, của lương tri và xua đi những tăm tối, u mê...

“Ở Trại giam Hồng Ca, có đến 70% số phạm nhân là người dân tộc ít người như Mông, Dao, La Hủ, Thái, Tày,... Phạm nhân phạm các tội về ma túy nhiều, khi vào trại có tư tưởng chán nản, chống đối. Đây thực sự là thách thức cho cán bộ chiến sĩ trong công tác quản lý, giam giữ, cải tạo phạm nhân. Song, với tinh thần đoàn kết, nhất trí cao, Đảng ủy, Ban lãnh đạo Trại giam Hồng Ca đã tăng cường chỉ đạo công tác nắm tình hình diễn biến tư tưởng của phạm nhân, giữ vững kỷ cương trại giam, thực hiện có hiệu quả công tác giáo dục, đảm bảo tốt chế độ chính sách đối với phạm nhân”, Thượng tá Nông Nghiệp Tiến - Phó Giám thị Trại giam Hồng Ca cho biết.

Huyền Châm

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/phong-su/nguoi-quan-giao-o-hong-ca-636327/