Người quay clip trẻ bị bạo hành tung lên mạng có vi phạm pháp luật ?
Ngay sau khi 2 trẻ em bị đánh xảy ra tại Trường THCS Nguyễn Văn Tố, quận 10, ngoài đề nghị xử lý nghiêm đối tượng trực tiếp đánh trẻ em, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TP Hồ Chí Minh còn đề nghị xử lý cả người quay clip và những người chứng kiến trẻ em bị đánh tại phòng giám thị của trường.
Về thông tin đề nghị xử lý người quay clip đăng lên mạng xã hội đã có nhiều người phản ứng cho rằng nếu không đăng clip lên mạng thì cơ quan chức năng không biết sự việc để vào cuộc xử lý, như vậy là phải tuyên dương mới đúng.
Đây không phải là duy nhất hay lần đầu những clip trẻ bị đánh được quay và đăng lên mạng, mà những năm qua tình trạng này xảy ra khá phổ biến. Nhiều clip quay học sinh bị đánh dã man nhưng không ít học sinh khác đứng xung quanh chứng kiến, cổ vũ và quay clip đăng lên mạng xã hội, gây bức xúc dư luận.
Về vấn đề này, tại tọa đàm “Thực trạng và giải pháp ngăn chặn nguy cơ người trẻ phạm tội” được Báo Thanh niên tổ chức ngày 15/4 tại TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Quang Thông, Tổng Biên tập Báo Thanh niên cho rằng, có tình trạng nhiều người có thái độ vô cảm, chứng kiến bạn bị đánh nhưng không can ngăn còn quay clip đưa lên mạng xã hội. Tất nhiên, cũng có người không vô cảm nhưng vì muốn có nhiều lượt thích và nhiều chia sẻ,... nên quay để đăng lên mạng; và yếu tố kinh tế mạng xã hội cũng là câu chuyện cần phải bàn dài hơi, một số người chỉ suy nghĩ vì lợi ích kinh tế của bản thân mà vô tình vô cảm.
Trao đổi với PV Báo CAND, bà Trần Thị kim Thanh - Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới – Sở LĐ-TB-XH TP Hồ Chí Minh cho biết nếu xảy ra vụ việc mà người chứng kiến không thể căn ngăn thì phải báo cơ quan chức năng.
Trường hợp khi người dân quay clip trẻ bị bạo hành nên gửi cho cơ quan Công an, UBND xã/phường hay cơ quan chức năng khác như Hội bảo vệ quyền trẻ em,… Trường hợp cơ quan chức năng tiếp nhận thông tin của người dân mà không xử lý thì cơ quan đó bị xử lý còn nặng hơn.
Khi đăng những clip về trẻ lên mạng khi chưa được phép có thể bị người nhà của trẻ khiếu nại người đăng, vì mặc dù trẻ có vi phạm pháp luật nhưng hành vi đó chưa bị khởi tố, xét xử thì vi phạm quyền riêng tư.
Theo luật sư Phạm Văn Thạnh – Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh, trong bối cảnh dư luận bức xúc trước hành vi bạo lực của bảo vệ dân phố đánh 2 thiếu niên. Hành vi này bị dư luận lên án, cơ quan điều tra vào cuộc là đúng và kịp thời, vì quá phản cảm và kịp thời ngăn chặn để chấm dứt tình trạng này trong thời gian tới. Bởi người bảo vệ dân phố này có tư tưởng cho rằng mình có quyền, nhưng đó là lạm quyền, vi phạm pháp luật. Cần cảnh báo chung để chấm dứt không còn xảy ra tình trạng này.
Pháp luật hiện nay chỉ quy định về "Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến đến tính mạng" theo Điều 132 Bộ luật Hình sự năm 2015 như sau: Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: Người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm; Người không cứu giúp là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp…
Trong vụ việc nêu trên, người quay clip với mục đích tố giác tội phạm, hiện chưa chứng minh được có vụ lợi hay không, nếu có vụ lợi sẽ xử lý nghiêm theo quy định.
Clip quay đã cung cấp cho cơ quan điều tra làm căn cứ pháp lý, họ được coi là người làm chứng. Nghĩa vụ của người này là phải cung cấp clip, phối hợp khi cơ quan chức năng. Nếu cần thiết, có thể ra làm chứng, lấy lời khai làm cơ sở cho cơ quan nhà nước giải quyết vụ việc nên không coi là hành vi vi phạm pháp luật.