Người thầy về chính trị trong quân đội

43 năm trong quân ngũ, tôi đã có khoảng thời gian hơn 10 năm làm giáo viên chính trị. Và nếu tính với tư cách là chính ủy - chính trị viên các đơn vị, nhà trường mà tôi được kinh qua cũng là người thầy về chính trị, thì còn nhiều hơn thế nữa. Nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và 30 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, 75 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, tôi chia sẻ vài trải nghiệm buồn, vui về công việc dạy học của mình.

Đại tá Nguyễn Phước những năm 1970 khi còn mang quân hàm trung úy (ảnh do tác giả cung cấp)

Đại tá Nguyễn Phước những năm 1970 khi còn mang quân hàm trung úy (ảnh do tác giả cung cấp)

Sau khi không được đi miền Bắc học theo tiêu chuẩn con em cán bộ miền Nam như ý nguyện của Bác Hồ, tôi ở lại chiến khu và kiên quyết xin vào Quân giải phóng, mặc dù tổ chức yêu cầu tôi về làm văn thư ở cơ quan Tỉnh ủy. Tháng 12/1964, đạt được nguyện ước của mình, tôi được biên chế về làm chiến sĩ Trung đội 1 (Đại đội A22 Công an vũ trang Phú Yên) do anh Bảy Châu làm trung đội trưởng.

Từ người thầy bất đắc dĩ

Biết tôi đã học hết lớp đệ tứ Trường Bồ Đề (Tuy Hòa), trước khi thoát ly “lên núi”, nên ngoài nhiệm vụ chiến đấu, anh Bảy Châu còn giao cho tôi hai nhiệm vụ nữa. Một là làm quản lý trung đội, mỗi ngày tính toán chi tiêu theo tiêu chuẩn tiền ăn là 2 đồng/ngày/người (tiền miền Nam lúc đó, giá trị bằng nửa ký gạo). Lương thực thì có gạo, khoai, sắn, bắp…, có gì ăn nấy, mà hầu hết là không được đủ no.

Nhiệm vụ thứ hai là phải tranh thủ dạy chữ cho 10 anh em chiến sĩ quê Sông Cầu mới lên ở trung đội, hầu hết là chưa biết đọc, biết viết. Đó là một kỷ niệm đầu đời quân ngũ của tôi khi được làm người thầy bất đắc dĩ.

Thế rồi gần 2 năm trôi qua, tôi cũng hoàn thành được công việc anh Bảy Châu giao, cho đến khi chuyển công tác vào Tỉnh đội Phú Khánh tháng 10/1966. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tôi về thăm anh Châu (lúc này anh làm Trưởng Trại giam Công an Phú Yên).

Đến “người thầy” về chính trị trong quân đội

Trải qua một thời gian làm cán bộ và người thầy về chính trị trong quân đội, với nhiều kỷ niệm vui, buồn nhưng tôi vẫn chọn làm cán bộ chính trị, bởi công tác chính trị là công tác làm cho lực lượng vũ trang trung thành và có năng lực để hoàn thành nhiệm vụ Đảng giao.

Trở lại việc phải chuyển công tác vào Tỉnh đội Khánh Hòa - một chiến trường không ác liệt như Phú Yên vì vùng giải phóng chưa được mở rộng, nhưng đói và gian khổ thì nhiều hơn. Tháng 3/1967, trong một trận chiến đấu không cân sức của đơn vị với hơn 7 tiểu đoàn quân Nam Triều Tiên, tôi bị thương què chân. Lành vết thương, tháng 6 năm ấy tôi được đưa ra miền Bắc đào tạo tại Trường Sĩ quan Lục quân (nay là Trường đại học Trần Quốc Tuấn).

Vì đào tạo gấp để phục vụ chiến đấu nên chỉ một năm sau (tháng 6/1968) tôi đã thành sĩ quan trong quân đội. Một năm học ở trường này, tôi hiểu được phần nào về người thầy và người học trong Quân đội nhân dân Việt Nam.

Ra trường, tôi được biên chế về Trung đoàn 101, Sư đoàn 325 “Bình Trị Thiên khói lửa”, làm chính trị viên một đại đội và trực tiếp tham gia chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972. Đến tháng 2/1973, tôi được chọn đi đào tạo tại Học viện Chính trị Quân sự Bộ Quốc phòng. Sau hai năm miệt mài học tập, tháng 4/1975 ra trường cũng là lúc quê hương miền Nam hoàn toàn giải phóng. Tôi nhận được quyết định ở lại làm giảng viên của trường.

Từ đây, tôi chính thức được làm người thầy về chính trị trong quân đội. Đến tháng 10/1976, tôi được chuyển về làm giáo viên chính trị Trường Quân sự Phú Khánh. Đầu năm 1980, tôi được bổ nhiệm làm phó hiệu trưởng về chính trị, bí thư đảng ủy nhà trường kiêm công tác giảng dạy. Đến ngày tái lập tỉnh Phú Yên 1/7/1989, tôi về làm Chủ nhiệm Chính trị, rồi Phó Chỉ huy trưởng về chính trị Bộ CHQS tỉnh. Từ 2001 là Trưởng Ban Tổng kết, biên soạn lịch sử công tác đảng, công tác chính trị Quân khu 5, và về hưu năm 2007.

Đại tá NGUYỄN PHƯỚC

Nguyên Trưởng Ban Tổng kết,

biên soạn lịch sử công tác Đảng,

công tác chính trị Quân khu 5

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/79/231619/nguoi-thay-ve-chinh-tri-trong-quan-doi.html