Người tiêu dùng Việt Nam lạc quan về tài chính vào năm 2024
Đầu tháng 11/2023, United Overseas Bank (UOB) đã công bố Nghiên cứu tâm lý người tiêu dùng ASEAN (ACSS) năm 2023. Theo nghiên cứu, tuy vẫn còn lo ngại về suy thoái kinh tế nhưng người tiêu dùng Việt Nam lạc quan hơn về tương lai so với những người tiêu dùng ở các nước khác trong khu vực. 76% số người được khảo sát ở Việt Nam kỳ vọng mình sẽ có tình hình tài chính tốt hơn vào tháng 6/2024, tiếp theo là Indonesia (74%) và Thái Lan (68%).
Theo nghiên cứu của UOB, hơn 3/4 người trả lời khảo sát tại Việt Nam cho biết họ kỳ vọng sẽ có tình hình tài chính tốt hơn vào thời điểm tháng 6 năm sau. Mặc dù lạm phát cũng như các chi phí sinh hoạt gia tăng đã nhóm lên nỗi lo lắng về suy thoái kinh tế ở người tiêu dùng Việt Nam, với 3 trong số 4 người tham gia khảo sát cho rằng sẽ có suy thoái kinh tế ở Việt Nam trong 6 - 12 tháng tới (bắt đầu từ tháng 6/2023).
Lạm phát gia tăng là mối lo ngại hàng đầu ở ASEAN, với 62% số người khảo sát đồng ý rằng đây là mối lo lắng hàng đầu của họ, trong khi 57% lo ngại về chi phí sinh hoạt tăng cao. So với khu vực, tỷ lệ người được khảo sát ở Việt Nam bày tỏ quan ngại về hai lĩnh vực này cũng cao hơn, lần lượt là 66% với lạm phát và 62% lo phí sinh hoạt.
Cũng theo ACSS, cứ 10 người có 8 người tiêu dùng ở Việt Nam đều có mối lo ngại về tình hình tài chính của mình. 3 vấn đề tài chính đáng lo ngại nhất ở Việt Nam là khả năng để dành tiền cho việc tiết kiệm (32%), khả năng duy trì mức sống hiện tại (32%) và khả năng chăm lo nhu cầu tài chính và chăm sóc sức khỏe của cha mẹ (30%). Khó khăn kinh tế khiến người tiêu dùng thận trọng hơn với tài chính và việc đầu tư. 65% số người được hỏi cho biết đã theo dõi việc chi tiêu và tiền bạc của họ chặt chẽ hơn thông qua nền tảng ngân hàng trực tuyến và 60% đã tìm hiểu thêm về các sản phẩm có ưu đãi, điểm thưởng hoặc tiết kiệm.
Sở thích về tài chính cũng đang thay đổi khi người tiêu dùng phân bổ nhiều tiền hơn vào các công cụ tài chính có rủi ro thấp như tiền gửi cố định ngân hàng (32%) và các kế hoạch bảo hiểm (28%). 25% số người được hỏi ở Việt Nam đang phân bổ nhiều tiền hơn vào các sản phẩm bảo hiểm so với năm ngoái, cao hơn 4 điểm phần trăm so với người tiêu dùng trong khu vực, đặc biệt là đối với người tiêu dùng phân khúc giàu có (36%).
Từ nghiên cứu của UOB cho thấy, 3 trong 5 người tiêu dùng ở Việt Nam quan tâm muốn tìm hiểu thêm về đầu tư bền vững. 40% cho biết họ đã đưa các khoản đầu tư bền vững vào danh mục đầu tư của mình và 58% sẽ xem xét thực hiện đầu tư bền vững nếu nó phù hợp với khẩu vị rủi ro của họ. 9 trong 10 người tiêu dùng nói rằng đầu tư bền vững giúp đạt được mục tiêu kép là đạt được lợi nhuận tài chính đồng thời có lợi cho môi trường.
ACSS còn chỉ ra, người tiêu dùng đang ưa chuộng các ứng dụng ngân hàng trên điện thoại và các phương thức thanh toán kỹ thuật số mới như ví điện tử/thanh toán dựa trên mã QR, nền tảng thanh toán thương mại điện tử và thẻ ghi nợ hoặc thẻ tín dụng trên ví di động. Khi người tiêu dùng Việt Nam trở nên thuần thục hơn về kỹ thuật số, mức độ sử dụng các ứng dụng ngân hàng trên điện thoại đã tăng đột biến, với 54% số người được hỏi ngày càng tăng mức độ sử dụng kênh này trong năm qua. Hơn một nửa số người được khảo sát thích sử dụng các kênh trực tuyến để chuyển tiền ra nước ngoài và kiểm tra trạng thái điểm thưởng. Đối với các giao dịch phức tạp hơn như giao dịch có giá trị cao, nộp hồ sơ vay hoặc tái cấu trúc cho các khoản vay ngân hàng cũng như mua bảo hiểm, người tiêu dùng vẫn coi trọng kênh trực tiếp hoặc kết hợp các kênh trực tuyến lẫn trực tiếp.
Người tiêu dùng Việt Nam cho thấy họ là người am hiểu những công nghệ mới nhất. Ví điện tử, thanh toán qua thẻ trên ứng dụng ví di động và nền tảng thanh toán thương mại điện tử là những phương thức thanh toán phổ biến nhất với lần lượt 67%, 58% và 55% số người được khảo sát sử dụng chúng trong năm qua. 4 trong 5 người tiêu dùng ở Việt Nam sử dụng ví điện tử ít nhất 1 lần/tuần và 4 trong 5 người tiêu dùng có xu hướng giới thiệu ví điện tử cho người khác. Momo là ví điện tử được người tiêu dùng ưa chuộng nhất, tiếp theo là ZaloPay và VNPay.
ACSS là nghiên cứu hàng đầu của UOB phân tích tâm lý và các xu hướng của người tiêu dùng tại 5 quốc gia: Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Việt Nam. Đây là năm thứ 4 nghiên cứu được triển khai. Nghiên cứu được thực hiện từ ngày 1 - 26/6/2023. Hình thức khảo sát trực tuyến 3.400 người tại 5 nước, trong đó Việt Nam có 600 người tham gia. Trong nghiên cứu năm nay, UOB lần đầu hợp tác với Công ty tư vấn quản trị toàn cầu Boston Consulting Group.
MINH HUY (Tổng hợp)