Người trẻ hoảng loạn vì nhiều tháng giam mình trong 4 bức tường

Sau thời gian dài cách ly xã hội, hàng loạt thanh niên trên thế giới cảm thấy lo lắng khi phải tiếp xúc người lạ, sợ hãi tột độ và gặp thêm nhiều vấn đề về sức khỏe tinh thần.

Một học sinh gặp vài cơn hoảng loạn mỗi tuần, giam mình trong căn phòng. Một người khác cảm thấy bàn tay run lên bần bật khi đang đi trên phố đông đúc. Trong nhà hàng nọ, một thiếu niên phải trốn vào nhà vệ sinh vì bị chứng tăng thông khí (thở gấp) khi đang tổ chức tiệc sinh nhật cùng bạn bè.

Họ đều là những người còn rất trẻ, chỉ mới ngoài 20 tuổi, sống với hội chứng rối loạn lo âu sau nhiều tháng giam mình trong phòng. Tình trạng này đang dần trở nên phổ biến và trầm trọng hơn ở Mỹ, Anh cùng nhiều quốc gia khác.

Đánh mất nhiều trải nghiệm vì thời gian giãn cách dài

Garret Winton, 22 tuổi, ở Tallahassee, Florida, Mỹ, nhớ lại một buổi chiều tháng 5/2020, khi đang nằm cuộn tròn trên giường và đặt hai ngón tay lên cổ. Nam sinh đếm được mạch đập 130 nhịp mỗi phút. Đây là dấu hiệu của một cơn hoảng loạn. Winton đã trải qua tình trạng này lần thứ 4 trong một tuần.

Cậu phát hiện mắc chứng rối loạn lo âu từ khi học cấp 2. Lên đại học, Winton đã dần học được cách kiểm soát nó. Nhưng đại dịch ập đến, căn bệnh ngày càng trở nên mất kiểm soát.

Đặc biệt là vào buổi chiều, khi ở một mình trong phòng, các yếu tố gây căng thẳng cùng lúc ập đến với chàng trai - bị cô lập trong căn phòng, lỡ ca làm trợ lý điều dưỡng và hàng chục tin nhắn chồng chất chưa được trả lời. Trong những cơn thở gấp và hoa mắt, Winton tự nhủ quá trình hồi phục, kiểm soát chứng rối loạn lo âu của mình đã trở về con số 0 trong đại dịch.

“Nó đã ổn hơn, song, Covid-19 ập đến và đảo ngược tất cả” - cậu bộc bạch.

 Nevandria Page sợ hãi khi ra khỏi nhà. Cô từng bật khóc giữa phố vì ám ảnh trước ánh mắt của người xung quanh. Ảnh: The New York Times.

Nevandria Page sợ hãi khi ra khỏi nhà. Cô từng bật khóc giữa phố vì ám ảnh trước ánh mắt của người xung quanh. Ảnh: The New York Times.

Khi Nevandria Page, 25 tuổi, chuyển đến Ottawa, Canada, vào tháng 6 để học thạc sĩ, cô đã rất hào hứng vì sắp được khám phá thành phố mới. Trước đó, Page đã luôn thích đi ăn cùng bạn bè hay trải nghiệm các quán cà phê.

“Nhưng sau đó, khi ra ngoài, tôi cảm thấy thực sự hồi hộp và lo lắng. Tôi có cảm giác mọi người đang nhìn chằm chằm vào mình, bị nhìn thấu và thật thảm hại”, Page tâm sự.

Chỉ cần nghĩ đến việc ra khỏi nhà, cô bất ngờ hoảng sợ. Page lắp bắp khi gọi cà phê, không nói được một câu hoàn chỉnh trôi chảy. Để kiểu tóc mới màu xanh vào một buổi chiều, cô cảm giác mọi ánh mắt đang đổ dồn. Không thể chịu được áp lực vô hình, Page dựa vào một tòa nhà và bật khóc, lo lắng về sự đánh giá của người khác.

“Tôi đã ở một mình trong suốt đại dịch và mang theo cảm giác cô đơn, lạc lõng đó đến tận bây giờ, ngay cả khi đã được ra ngoài, quay trở lại cuộc sống bình thường”, Page buồn bã chia sẻ.

Winton và Page chỉ là hai trong nhiều thanh, thiếu niên gặp tình trạng hoảng loạn tột độ sau thời gian giãn cách xã hội, bị cô lập trong 4 bức tường. Theo New York Times, thống kê của Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia cho thấy khoảng 9-10% thanh, thiếu niên ở Mỹ mắc chứng rối loạn nói trên. Họ sợ hãi tột độ khi bị người khác theo dõi, đánh giá. Các chuyên gia tâm lý cho biết giờ đây các triệu chứng nghiêm trọng hơn.

Các quốc gia đã trải qua nhiều lần giãn cách xã hội. Đó cũng là lúc một số thanh niên đang phải vật lộn với các triệu chứng rối loạn gặp phải hàng loạt bất an mới. Họ sợ không gian công cộng, ngại giao tiếp với bạn bè. Các chuyên gia cho hay điều này tác động lâu dài tới sức khỏe tinh thần của cả một thế hệ.

Đan xen với những cảm giác này, nhiều người trẻ cho biết họ gặp áp lực khi Covid-19 cướp đi những trải nghiệm cơ bản nhất của tuổi trưởng thành như hẹn hò, gặp mặt đồng nghiệp mới hay đơn giản là vui vẻ trong hộp đêm.

Tại Hàn Quốc, theo Korea Herald, cứ 3 thanh niên có một người bày tỏ đại dịch Covid-19 khiến họ lo lắng xã hội, gặp nhiều vấn đề tâm lý như căng thẳng, trầm cảm, sợ hãi khi phải giao tiếp với người khác...

Trong khi đó, Unicef thống kê 1/7 trẻ em, thanh thiếu niên trên toàn cầu bị chán nản, cô đơn, mệt mỏi và rối loạn lo âu vì phải cách ly, giãn cách xã hội quá lâu.

 Đứt gãy giao tiếp xã hội quá lâu khiến nhiều người trẻ rơi vào trầm cảm, bi quan về cuộc sống, thậm chí có ý định tự sát. Ảnh: Health Medicinentral.

Đứt gãy giao tiếp xã hội quá lâu khiến nhiều người trẻ rơi vào trầm cảm, bi quan về cuộc sống, thậm chí có ý định tự sát. Ảnh: Health Medicinentral.

Gắn chặt với 4 bức tường khiến bệnh thêm tồi tệ

Một số nghiên cứu và chuyên gia tâm lý học cho hay chứng rối loạn hậu đại dịch sẽ ngày càng trở nên phổ biến. Điều này dẫn tới tỷ lệ trầm cảm cao hơn, vốn đã ảnh hưởng 13% người trẻ (18-25 tuổi).

Theo tiến sĩ Yanes-Lukin, PGS tâm lý học tại Đại học Đại học Columbia và Viện Tâm thần bang New York: “Với thanh thiếu niên nói riêng, đây là vấn đề rất đáng quan tâm bởi giai đoạn này là thời điểm họ đang xây dựng, phát triển các kỹ năng xã hội. Họ không có nhiều cơ hội làm điều này như các nhóm tuổi khác”. Ông cũng dự đoán trong thời kỳ tái hòa nhập xã hội, tỷ lệ rối loạn lo âu sẽ cao hơn so với trước đại dịch.

Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Lancet năm 2020 cũng chỉ ra những người có tình trạng lo lắng, cô đơn, căng thẳng do Covid-19 hoặc xuất hiện triệu chứng của trầm cảm dự báo sẽ gặp vấn đề về mất ngủ và có ý định tự sát.

Các trường hợp có thể vượt qua diễn biến nặng của Covid-19 được ghi nhận mức độ lo âu, trầm cảm và rối loạn stress sau sang chấn (PTSD) kéo dài tới một năm kể từ ngày xuất viện. Một số trường hợp khác suy hô hấp cấp tính nặng còn gặp tình trạng mất tập trung, giảm trí nhớ cũng như tốc độ xử lý thông tin.

Lauren Ruddock, 27 tuổi đến từ York, Anh, mắc chứng lo âu xã hội từ năm 9 tuổi. Sau nhiều năm kiểm soát thành cô, cô cảm thấy sức khỏe tinh thần của mình dường như tệ hơn rất nhiều vì Covid-19.

Trước đó, từ một người sợ vấp ngã khi đi vứt rác, Ruddock đã thoải mái ăn tối tại các nhà hàng. Tháng 1/2020, cô thậm chí cố gắng đọc thơ trong chương trình biểu diễn tại một quán cà phê. Song, tình trạng sức khỏe của Lauren vẫn giậm chân tại chỗ sau một năm.

“Tôi cảm thấy như mình đã lùi lại vài bước. Nhưng tôi không muốn ở trong bốn bức tường vì điều này chỉ làm chức rối loạn lo âu càng thêm tồi tệ”, cô tâm sự.

 Lauren Ruddock chia sẻ đại dịch đã khiến việc điều trị chứng rối loạn lo âu xã hội của cô trở về con số 0. Ảnh: Lauren Ruddock.

Lauren Ruddock chia sẻ đại dịch đã khiến việc điều trị chứng rối loạn lo âu xã hội của cô trở về con số 0. Ảnh: Lauren Ruddock.

Nanichi Hidalgo-Gonzalez, 21 tuổi, ở Tallahassee, Florida, Mỹ, cho biết cô lo lắng khi phải quay trở lại Đại học Bang Florida. Nữ sinh đã quen với việc “ẩn mình” trong các lớp học online.

Trước đại dịch, cô là người hướng ngoại và thích giao tiếp. Giờ đây, Gonzalez được chẩn đoán mắc chứng rối loạn lo âu. Dù đã tiêm vaccine Covid-19, cô gái 21 tuổi tiếp tục ở nhà, chủ yếu chỉ đi mua xăng hoặc đến cửa hàng tạp hóa.

“Nếu ra ngoài, tôi thấy mình như quả bóng sắp nổ tung”, Gonzalez bộc bạch.

Vào sinh nhật vừa rồi, khi đang tổ chức tiệc với bạn bè ở nhà hàng, cô cảm thấy buồn nôn và không thể thở. Đó là dấu hiệu cơn hoảng loạn ập đến. “Tôi muốn trải nghiệm nhiều điều ở trường học. Nhưng sau cùng, tôi vẫn thấy nên ở nhà thì hơn vì không muốn phải bước chân ra ngoài, lo lắng khi tiếp xúc ai đó”, nữ sinh nói.

Bác sĩ tâm lý, tiến sĩ Leela Magavi, ở Newport Beach, California, nhận định những người trẻ tuổi thường được định nghĩa là nhóm 13-25 tuổi, chưa phát triển đầy đủ các thùy trán của não. Điều này khiến các triệu chứng lo âu của họ thêm trầm trọng.

"Rất nhiều thanh niên tự trấn an bằng cách lặp đi lặp lại nhiều câu hỏi như liệu bạn bè có thích mình không hoặc người xung quanh thay đổi thế nào trong suốt đại dịch", bà giải thích.

Theo vị chuyên gia, ở một số người, những lo lắng khuếch đại đã dẫn tới hiện tượng không muốn giao tiếp xã hội, chọn cách sống ẩn dật và rơi vào trầm cảm.

Theo một nghiên cứu từ The Journal of the American Academy of Child & Adolescent Psychiatry, tiếp xúc với các tình huống sợ hãi thường được coi là thành phần thiết yếu của điều trị lo âu. Tuy nhiên, trong đại dịch, điều này là không thể và khiến bệnh tình của họ càng thêm nặng. Đó là nguyên nhân khiến nhiều trường học trên khắp nước Mỹ đang cố gắng tập trung cải thiện sức khỏe tâm thần hơn khi mở lại.

Đại học Alabama tại Birmingham, Anh, đang yêu cầu các giáo sư chú ý đến dấu hiệu cảnh báo về sinh viên lo lắng về xã hội, ví dụ đi học muộn, mất tập trung trong giờ. Động thái này đưa ra sau khi số bệnh nhân của trung tâm tư vấn sinh viên ở Birmingham là sinh viên tăng lên 20% so với năm 2019.

Tại Việt Nam, kết quả khảo sát được thực hiện ở Bệnh viện Hồi sức Covid-19, TP.HCM, cho thấy tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 bị trầm cảm là 20%, rối loạn lo âu là 53,3%, stress là 16,7%.

Đặc biệt, những bệnh nhân từng thở HFNC có tỷ lệ trầm cảm là 66,7%. Tương tự, những bệnh nhân từng thở oxy qua mặt nạ hoặc thở máy cũng có tỷ lệ rối loạn lo âu cao, lên tới 66,7%.

Chuyên gia tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), cho biết xã hội trong thời gian tới sẽ phải đối diện với một “làn sóng ngầm” dữ dội và có sức tàn phá lâu dài mang tên rối loạn tâm trí hậu Covid-19.

Chuyên gia cho rằng người dân cần chấp nhận những điều không thể thay đổi, học cách thích nghi và tìm giải pháp sống chung với trạng thái “bình thường mới”.

Thiên Nhan

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguoi-tre-hoang-loan-vi-nhieu-thang-giam-minh-trong-4-buc-tuong-post1268106.html