Người trẻ Trung Quốc chấp nhận cắt xương đùi để thoát lùn

Chiều cao trở thành gánh nặng vô hình với mỗi người dân Trung Quốc. Phụ huynh và giới trẻ chọn nhiều cách để đạt vóc dáng lý tưởng.

SCMP dẫn một nghiên cứu năm 2014 cho biết châu Á là khu vực có mức tăng trưởng vượt bậc về chiều cao trong vòng 100 năm (1914-2014).

Theo GS Jean Woo (Trưởng khoa y học và trị liệu tại Đại học Trung Quốc), nhìn vào cư dân đất nước tỷ dân có thể thấy một thế hệ cao lớn vượt trội so với trước đây. Đó là kết quả của quá trình cải thiện dinh dưỡng, sức khỏe cộng đồng.

Nhưng đằng sau câu chuyện về việc thay đổi bữa ăn là những người trẻ Trung Quốc tự ti vào chiều cao. Ám ảnh này trở thành một rào cản của nhiều thế hệ quốc gia này.

 Sữa là một trong những thực phẩm bổ sung canxi mà nhiều phụ huynh chọn cho con để cao lớn hơn. Ảnh: Healthline.

Sữa là một trong những thực phẩm bổ sung canxi mà nhiều phụ huynh chọn cho con để cao lớn hơn. Ảnh: Healthline.

Trả số tiền lớn, chịu đau đớn để cao hơn

Nỗi ám ảnh về chiều cao khiến người dân Trung Quốc trở nên cực đoan. Phụ huynh tại quốc gia này thường cho con đeo đai giữ thẳng lưng cả ngày từ khi còn nhỏ để tránh việc con cái bị gù.

Hàng triệu người tìm đến “phương thuốc thảo dược” bí ẩn nhằm tăng chiều cao nhanh chóng. Họ bất chấp những nghi ngờ về nguồn gốc và hiệu quả của nó. Các lọ “bột tăng trưởng hạnh phúc” có thể tìm thấy ở nhiều hiệu thuốc với giá khoảng 5 USD/ lọ. Trước đó, một số công ty bị tố giác lừa đảo với sản phẩm tương tự.

Không chỉ thuốc, sữa hay bữa ăn, một số thanh niên Trung Quốc tìm tới phẫu thuật kéo dài chân vì lo ngại bản thân mất nhiều cơ hội vì ngoại hình thấp bé. Với họ, chiều cao được coi là giấy thông hành cho ngưỡng cửa vào đời.

Cheng Qi (18 tuổi, ở Bắc Kinh) trưởng thành với chiều cao 1,63 m. Mơ ước của cô là 1,7 m - chiều cao tối thiểu để trở thành người mẫu. Cheng chấp nhận phương pháp kéo dài chân đầy nguy hiểm: cắt đôi xương đùi, nối chúng lại bằng đinh thép và chờ xương mọc lại. Một số ca phẫu thuật không mang lại thành công, thậm chí tàn tật suốt đời. Nhưng cô gái 18 tuổi vẫn đồng ý thực hiện ca phẫu thuật tốn kém và nguy hiểm.

Tạp chí International Orthopedics dẫn lại một nghiên cứu năm 2006 cho thấy phẫu thuật kéo dài chân có thể gây biến chứng và rủi ro như kéo dãn mạch máu, gãy xương, tổn thương dây thần kinh, thậm chí tê liệt. Bất chấp ảnh hưởng có thể xảy đến, Cheng hay nhiều thanh niên đều đặt cược cuộc đời vào liệu pháp này.

Nhiều thanh niên Trung Quốc cho rằng chiều cao là giấy thông hành vào cuộc đời, vì vậy không ngại đau đớn thực hiện phẫu thuật kéo dài chân. Ảnh: Twitter.

Nhiều thanh niên Trung Quốc cho rằng chiều cao là giấy thông hành vào cuộc đời, vì vậy không ngại đau đớn thực hiện phẫu thuật kéo dài chân. Ảnh: Twitter.

Mong ước cao lớn hoàn toàn dễ hiểu bởi tại các quốc gia, nhiều công việc yêu cầu chiều cao tối thiểu, đặc biệt là ngành dịch vụ hoặc khối nhà nước.

Theo New York Times, Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ tuyển những ứng viên nam cao từ 1,7 m và ứng viên nữ 1,6 m trở lên. China Southern Airlines cũng yêu cầu tương tự. Một số trường đại học luật và khách sạn cũng chỉ tuyển những thí sinh đạt chiều cao tối thiểu.

Thậm chí, ở nhiều nơi, lương của nhân viên phụ thuộc vào chiều cao mà anh ta sở hữu. Theo The Economist, với mỗi cm trên chiều cao trung bình, nhân viên nữ sẽ được thưởng thêm 1,5 - 2,2% vào tiền lương.

Nữ sinh Cheng Qi chỉ là một trong những người trẻ tìm cách thoát khỏi vóc dáng thấp bé và tin vào việc có nhiều cơ hội hơn nhờ ngoại hình. Theo thống kê của NZ herald, mỗi năm, tại Trung Quốc có hàng chục nghìn ca phẫu thuật kéo dài chân gây ra hậu quả tiêu cực. Năm 2006, Trung Quốc đã cấm kéo dài chân nhằm hạn chế ảnh hưởng của nó tới người trẻ. Nhưng điều đó không thể ngăn các thanh niên tìm kiếm cơ hội đổi đời.

Điều gì khiến người Trung Quốc cao lên bằng mọi giá?

Trong cuốn sách Factory Girls: Voices from the Heart of Modern China, Leslie T. Chang miêu tả tình trạng đã tồn tại lâu ở Trung Quốc: "Chiều cao là nỗi ám ảnh chung của người Trung Hoa. Quốc gia này đã trải qua nhiều năm suy dinh dưỡng và nạn đói, sự cao lớn với họ đại diện cho vận may".

Theo con mắt của người Trung Quốc, đàn ông cao lớn là biểu tượng của sức mạnh. Thậm chí, nó còn có thể đại diện cho quyền lực và tính đúng sai.

Diêu Minh - VĐV Bóng rổ Trung Quốc cao nhất thế giới với chiều cao 2,2m. Ảnh: Zimbio.

Diêu Minh - VĐV Bóng rổ Trung Quốc cao nhất thế giới với chiều cao 2,2m. Ảnh: Zimbio.

Tháng 8/2019, nhằm hướng tới một "quốc gia chân dài", Hiệp hội Người tiêu dùng Trung Quốc phát động chiến dịch toàn quốc gia, kêu gọi 1,2 tỷ công dân uống nhiều sữa để cải thiện chiều cao. Các chương trình học cũng thay đổi với mục tiêu khuyến khích người dân Trung Quốc bổ sung canxi.

Thậm chí, ở nhiều nơi, trẻ mẫu giáo bị ép nạp sữa vào cơ thể từ sớm. Peng Yu, Thứ trưởng Bộ Y tế Trung Quốc, cho biết chỉ 5% trẻ em tại đây cung cấp đủ lượng canxi cần thiết mỗi ngày. Bà Yu nói thêm 20% trẻ dưới 5 tuổi bị còi xương hoặc thiếu cân.

Nhưng hành động của Chính phủ không mấy khả quan khi khó thay đổi được thói quen của người dân.

“Cháu ghét uống sữa”, bé Liu Jinyan (8 tuổi) vừa uống một ly soda vừa trả lời phỏng vấn của SCMP. Em chia sẻ: "Sữa có vị rất tệ, cháu thích nước ngọt hoặc nước đun sôi hơn". Đứa trẻ này cũng khẳng định: "Cháu sẽ tự cao lớn hơn mà không cần đến sữa”.

Theo Xie Yalong (thành viên Tổng cục Thể thao Quốc gia Trung Quốc), Trung Quốc từng có ưu thế về chiều cao rất rõ. Đàn ông Trung Quốc ở độ tuổi ngoài 40 thường có vóc dáng trung bình cao hơn 1-2 cm với Nhật Bản. Tuy nhiên, nam giới dưới 40 tuổi tại Trung Quốc thường thấp hơn Nhật Bản khoảng 0,68 cm.

Dù vậy, không thể phủ nhận, trong vài năm trở lại đây, chiều cao của người dân Trung Quốc đã cải thiện nhiều. Năm 2015, một cuộc khảo sát của Ủy ban Kế hoạch hóa gia đình và Sức khỏe Quốc gia cho thấy trong 10 năm (2002-2012), chế độ dinh dưỡng của Trung Quốc thay đổi theo hướng tích cực.

Điều đó đã giúp chiều cao trung bình của nam giới trưởng thành tăng 0,4 cm (lên mức 167,1 cm), nữ giới tăng 0,7 cm (lên mức 155,8 cm). Con số tích cực nhất là trẻ em trong độ tuổi 6-17 tuổi, tăng 4,1 cm (nông thôn) và 2,3 cm (thành thị). Trung Quốc cũng có ngôi sao bóng rổ cao nhất thế giới - Diêu Minh - với chiều cao 2,29m.

'Ở Hàn Quốc, đàn ông cao 1,75 m là bình thường' Chia sẻ với Zing.vn, nhiều bạn trẻ ở Hàn Quốc cho hay người dân rất quan tâm đến việc phát triển chiều cao. Họ chú ý đến giấc ngủ, tập luyện thể thao và uống sữa mỗi ngày.

Thiên Nhan

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguoi-tre-trung-quoc-chap-nhan-cat-xuong-dui-de-thoat-lun-post995264.html