Người Việt hại người Việt

Theo các chuyên gia kinh tế, các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc nhanh chóng để bảo vệ thương hiệu Việt không thể để doanh nghiệp lẫn người nông dân sản xuất chân chính bị thiệt hại nặng nề từ những hợp đồng cạnh tranh không lành mạnh.

Giữa tháng 11 vừa qua, lần đầu tiên gạo Việt Nam ST25 được vinh danh gạo ngon nhất thế giới (World’s Best Rice 2019). Với thông tin này, nhiều người hồ hởi và tìm cơ hội để thưởng thức loại gạo này, thế nhưng ngay khi vừa có tin mừng thì chỉ sau đó một ngày trên mạng xã hội, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao đã phải lên tiếng cảnh báo mọi người vì gạo giả.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo bà Vũ Kim Hạnh, trên thị trường từ trước tới nay chỉ có nhiều gạo ST24 (là loại gạo cũng đã đoạt giải 3 gạo ngon nhất thế giới năm 2017), còn gạo ST25 thì theo nhà sản xuất là ông Hồ Quang Cua, chỉ được sản xuất với số lượng có hạn. Nguồn cung chính gạo này vẫn là từ kho của DNTN Hồ Quang Trí ở huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng và hiện đang rót hàng giới hạn cho các đại lý bán thăm dò thị trường, chứ không thể có bán tràn lan như một số nơi quảng cáo.

Từ năm 2018 đến nay loại gạo thơm ST24 được trồng tại nhiều vùng ở tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu và hiện không đủ cung cấp cho thị trường thế giới và người tiêu dùng trong nước. Điều đáng nói là ngay khi có thông tin gạo ST25 đoạt giải gạo ngon nhất thế giới, nhiều chỗ bán gạo đã đưa ra thị trường loại gạo mang nhãn ST25 có giá là 35.000 đến 37.000đồng/kg, trong khi giá của loại gạo này được nhà sản xuất chính thống bán chưa tới 30.000 đồng/kg.

Là một người tâm huyết với hàng chất lượng cao - thương hiệu Việt, bà Hạnh chia sẻ thực trạng “đau lòng” khi một số doanh nghiệp tranh giành cạnh tranh không lành mạnh dẫn tới “đạp giá, đạp nhau”. Theo đó, bà Hạnh dẫn chứng gạo ST của ông Hồ Quang Cua (không tính ST24 đoạt giải) đã sản xuất và đã xuất khẩu tốt nhiều năm. Như năm 2012, gạo ST20 xuất qua Malaysia với thương hiệu độc quyền tại thị trường này suốt 7 năm liền, có năm giá bán lên đến 925 USD/tấn. Thì sau đó, một số DN Việt nhảy vào, chào giá chỉ hơn 600 USD. Cuối cùng đơn vị bán gạo ST cũng phải cắn răng giảm giá theo. Hậu quả là hiện nay, diện tích trồng ST20 đã giảm đến 90%, vì nông dân lỗ quá. Rồi năm 2015, gạo ST21 xuất khẩu thành công sang Trung Quốc với giá bán lên đến trên 700 USD, cũng bị các DN Việt khác nhảy vào chào giá dưới 500 USD làm thị trường Trung Quốc nháo nhào.

“Thiệt hại cho doanh nghiệp đã đành nhưng cái quan trọng là thiệt hại lớn cho quốc gia chúng ta vì sẽ bị mang tiếng hàng giá bèo. Với kiểu phá giá này, mỗi năm ngành gạo Việt Nam thiệt hại tối thiểu 2 tỷ USD”, bà Hạnh trăn trở.

Theo các chuyên gia kinh tế, các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc nhanh chóng để bảo vệ thương hiệu Việt không thể để doanh nghiệp lẫn người nông dân sản xuất chân chính bị thiệt hại nặng nề từ những hợp đồng cạnh tranh không lành mạnh.

Minh Lâm

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/nguoi-viet-hai-nguoi-viet-95346.html