Nguồn cung khách sạn 5 sao đang tăng nhanh
Chất lượng cơ sở lưu trú du lịch đang trên đà cải thiện nhưng phần lớn số lượng phòng nghỉ có tiêu chuẩn thấp.
Sự tăng trưởng về khách du lịch quốc tế và nội địa đã thu hút nguồn vốn đầu tư lớn vào lĩnh vực lưu trú.
Cả nước đã có 28.000 cơ sở lưu trú du lịch với tổng cộng 550.000 phòng, theo Báo cáo Du lịch thường niên 2018 của Tổng cục Du lịch phát hành mới đây. Con số tính đến hết năm 2018 tăng thêm 2.400 cơ sở lưu trú và 42.000 phòng nghỉ so với năm 2017.
Tổng cục Du lịch cho rằng chất lượng các cơ sở lưu trú du lịch ngày càng cải thiện, trong đó biểu hiện rõ nhất là sự tăng trưởng cao của nhóm cơ sở lưu trú du lịch 3-5 sao.
Theo đó, tính đến hết năm ngoái, cả nước có 965 cơ sở lưu trú du lịch đạt chuẩn 3-5 sao, cung cấp tổng cộng 126.734 buồng phòng, tương ứng với mức tăng 11% về số cơ sở và 23,3% về số buồng so với năm trước đó.
Riêng trong năm ngoái có thêm 56 cơ sở lưu trú mới bổ sung vào nguồn cung khách sạn 4-5 sao, với tổng cộng 14.192 phòng.
Đặc biệt, nhóm 5 sao có sự tăng trưởng mạnh và sức chứa lớn nhất, với tổng cộng 142 khách sạn và 47.905 phòng. Riêng số lượng phòng khách sạn 5 sao đã tăng 42,3% so với năm trước.
Số phòng khách sạn 4 sao chỉ tăng nhẹ 7,4%, lên 36.012 phòng, trong khi số phòng khách sạn 3 sao tăng khá ở mức 11,5% và đạt 38.170 phòng.
Nguồn cung phòng khách sạn 4-5 sao mới đến nhiều nhất từ Khánh Hòa, với 4.351 phòng mới bổ sung vào thị trường. Tiếp đến là Kiên Giang với 2.914 phòng, trong đó chủ yếu là nguồn cung mới ở đảo Phú Quốc. Đà Nẵng xếp thứ 3 với 2.610 phòng mới.
Đáng lưu ý, làn sóng đầu tư vào các khu căn hộ du lịch có chia sẻ kỳ nghỉ đã tăng mạnh, trong đó có 10 cơ sở đã được xếp hạng 5 sao, cung cấp tổng cộng 3.905 căn hộ du lịch, tương ứng với mức tăng gần 3,5 lần so với năm trước. Số căn hộ du lịch 4 sao khiêm tốn hơn ở mức 742 căn.
Xét theo địa bàn, Khánh Hòa là địa phương có số lượng phòng lưu trú 4-5 sao nhiều nhất, với 14.389 phòng. Tiếp đến là TP. HCM với 10.067 phòng và Hà Nội là 8.267 phòng.
Mặc dù số lượng cơ sở lưu trú và số phòng tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên tăng mạnh, nhưng thực tế cho thấy phần lớn các cơ sở lưu trú vẫn chất lượng thấp.
Trong đó, số lượng cơ sở lưu trú xếp hạng 1-2 sao lên tới 5.711 cơ sở, tương đương với 136.292 buồng. Số lượng nhà nghỉ du lịch còn nhiều hơn, với 7.053 cơ sở đã kiểm tra đủ điều kiện kinh doanh lưu trú với 76.525 phòng và 3.350 cơ sở chưa kiểm tra với 41.200 phòng.
Số lượng nhà dân có phòng cho khách thuê cũng đang tăng lên, trong đó có 1.892 cơ sở đã kiểm tra đủ điều kiện với 13.400 phòng và 1.126 cơ sở chưa kiểm tra với 7.372 phòng.
Theo đánh giá của tập đoàn tài chính Maybank Kim Eng, hầu hết các chuỗi khách sạn ở Việt Nam đều phát triển theo hướng tự phát, quy mô nhỏ.
Mức thâm nhập của các thương hiệu khách sạn quốc tế ở Việt Nam chỉ là 1,4%, thấp nhất trong số các thị trường lớn ở ASEAN. Tỷ lệ phòng khách sạn thương hiệu quốc tế ở Thái Lan là 6,6%, Indonesia là 6,5%, Malaysia 10,2% và của Singapore lên tới 54,8%.
Theo ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, với xu hướng dòng khách du lịch tiếp tục hướng về khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, trong đó Việt Nam như ngôi sao đang lên trong ASEAN, có thể lạc quan dự báo về viễn cảnh tăng trưởng du lịch 10 năm tới.
"Du lịch Việt Nam tiếp tục đà tăng trưởng đặt ra nhu cầu đầu tư vào cơ sở lưu trú du lịch cần đạt tới không chỉ mở rộng quy mô, gia tăng số lượng, đa dạng loại hình mà phải tăng cường chất lượng, đẳng cấp đối với cơ sở lưu trú du lịch", ông Siêu nói.
Ông Siêu dự đoán đến năm 2020 cả nước cần có 650.000 đến 700.000 buồng lưu trú du lịch; năm 2025 cần có 950.000 đến 1.050.000 buồng và đến năm 2030 cần có 1.300.000 đến 1.450.000 buồng.
Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/nguon-cung-khach-san-5-sao-dang-tang-nhanh-1564248535572.htm