Nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính vì khói thuốc lá
Nguyên nhân hàng đầu gây bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính được giới chuyên gia nhận định do khói thuốc lá (hút thuốc lá chủ động hoặc thụ động) gây ra.
25.000 ca tử vong mỗi năm do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Theo số liệu điều tra quốc gia về tỷ lệ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ở Việt Nam tỷ lệ dân số mắc phải căn bệnh này ngày càng gia tăng, do nhiều yếu tố, nguy cơ như tiếp xúc với các yếu tố độc hại mà đứng đầu là hút thuốc lá.
Thạc sỹ. Bác sỹ Ngô Thị Kim Phượng – Quản lý y khoa khu vực Miền trung tây nguyên - thông tin: Tại Việt Nam, khoảng 4,2% dân số trên 40 tuổi mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và 37,5% người bệnh trưởng thành được ghi nhận có triệu chứng nghiêm trọng. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính gây ra hơn 25.000 ca tử vong mỗi năm, nhiều hơn số người chết vì tai nạn giao thông.
Số liệu của Hội Hô hấp châu Á Thái Bình Dương, tỷ lệ người trên 35 tuổi mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ở cả nam và nữ giới tại Việt Nam cao nhất khu vực. Số người bệnh ngày càng gia tăng nhanh theo thời gian, do ô nhiễm không khí mức báo động, tiêu thụ hút thuốc lá và thuốc lá điện tử.
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là tình trạng viêm niêm mạc đường thở mãn tính, gây giảm từ từ, không phục hồi các giá trị chức năng trao đổi khí của phổi. Hiện, tỷ lệ mắc căn bệnh này trong cộng đồng người Việt đứng hàng thứ 6 trong 10 bệnh thường gặp nhất.
Ghi nhận tại hầu hết các bệnh viện chuyên khoa, đa số bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đều có tiền sử hút thuốc lá hoặc thường xuyên phải tiếp xúc với khói thuốc. Số trường hợp không hút thuốc mà vẫn mắc bệnh chủ yếu là phụ nữ, vì họ phải sống cùng người thân như chồng hoặc con thường xuyên hút thuốc lá.
Sở dĩ, khói thuốc lá chứa hơn 7.000 chất hóa học, trong đó có khoảng 69 chất gây ung thư. Khi hít khói thuốc vào cơ thể, các chất độc hại này sẽ qua khí quản vào phổi. Nicotine, một chất gây nghiện trong thuốc lá sẽ làm tê liệt các lông mao, hệ thống có chức năng loại bỏ các chất hóa học, bụi bẩn ra khỏi phổi. Khi lông mao không hoạt động, các chất độc trong khói thuốc lá sẽ lưu lại trong phổi, dẫn đến tắc nghẽn phổi, gây tình trạng ho.
Tránh xa thuốc lá: Giải pháp phòng bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính khi có các triệu chứng: Khó thở; ho mạn tính hoặc khạc đàm mạn và/hoặc tiền sử tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ như khói thuốc lá, khói của nguyên liệu, các khói bụi nghề nghiệp; bị nhiễm trùng đường hô hấp tái đi tái lại nhiều lần; ngực có cảm giác đau, thắt chặt; thở khò khè, mệt mỏi kéo dài; sốt nhẹ và có cảm giác ớn lạnh...
Bệnh nhân bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thường mắc phải những bệnh đi kèm như suy nhược, suy giảm chức năng cơ xương, hội chứng chuyển hóa, loãng xương, trầm cảm và ung thư phổi. Vì vậy, căn bệnh này đang được đánh giá là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 3 trong tất cả những nguyên nhân gây tử vong.
Tuy bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có tỷ lệ mắc và tử vong cao nhưng được chuyên gia y tế chẩn đoán là căn bệnh có thể dự phòng và điều trị được.
Theo đó, mỗi người hãy bỏ thuốc lá và tránh xa các chất kích thích. Theo một số nghiên cứu, những người hút thuốc có nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cao hơn 10 lần so với những người không hút thuốc. Có tới 80 - 90% bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hút thuốc và gần 50% người hút thuốc lâu năm bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Hút thuốc lá thụ động cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Vì vậy, cách hiệu quả nhất để phòng ngừa bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là nói không với hút thuốc lá (chủ động và thụ động).
Bên cạnh đó, người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cần có chế độ dinh dưỡng lành mạnh, ăn đồ loãng, nóng, thức ăn mềm dễ hấp thu. Chế độ ăn cần đủ chất dinh dưỡng và bổ sung thêm nước hoa quả, trái cây, rau xanh. Khi bệnh tái phát hoặc diễn biến nặng thì nên đi khám bệnh ngay.
Đáng chú ý, để phòng ngừa bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, giới chuyên gia y tế khuyến cáo: Hãy “nói không với thuốc lá” hoặc từ bỏ thuốc lá càng sớm càng tốt. Đối với những người hút thuốc lá lâu năm, không nên bỏ ngay lập tức mà phải lên kế hoạch giảm dần dần. Vì hút thuốc lá là một thói quen, nếu ngưng đột ngột sẽ gây ra các rối loạn chuyển hóa trong máu. Tốt nhất nên bỏ thuốc lá bằng cách giảm dần số lượng điếu hút vào mỗi ngày, cho đến khi có thể bỏ hẳn.
Thanh Tâm