Nguy cơ mất an toàn giao thông từ đốt rơm, rạ ven đường

Đang vào thời kỳ cao điểm thu hoạch lúa vụ mùa nên ven các tuyến đường giao thông trên địa bàn huyện Bát Xát thường xảy ra hiện tượng người dân đốt rơm, rạ gây khói bụi và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Đi trên các tuyến đường giao thông giáp ranh những cánh đồng trồng lúa, người tham gia giao thông thường xuyên bắt gặp cảnh người dân chất đống rơm, rạ rồi đốt ngay ven đường. Do phần lớn là rơm, rạ vừa được tuốt, còn tươi nên khi đốt thường cháy rất chậm, tạo ra những luồng khói mù mịt che khuất lối đi.

 Làn khói tràn ra đường gây khuất tầm nhìn của người tham gia giao thông.

Làn khói tràn ra đường gây khuất tầm nhìn của người tham gia giao thông.

Đống rơm vừa mới tuốt xong buổi sáng, bên trong vẫn còn tươi nguyên, thậm chí nhiều chỗ còn sũng nước nhưng bà Hoàng Thị Ch. (xã Cốc Mỳ, huyện Bát Xát) đã châm lửa đốt. Cũng vì thế mà ngọn lửa cứ âm ỉ từ tối hôm trước đến tận sáng hôm sau chưa tắt. Bà Ch. cho biết: "Chúng tôi đốt rơm, rạ để lấy ít tro gieo mạ. Vẫn biết là đốt rơm, rạ tạo ra khói, bụi nhưng không còn cách nào khác. Mọi người thông cảm vậy".

Bà Ch. cho biết.

Ông Lò A Pòng, người dân xã Cốc Mỳ cho biết: Việc đốt rơm, rạ ven đường ảnh hưởng rất lớn tới người tham gia giao thông. Khói từ rơm, rạ mù mịt nhiều lúc khiến tôi không nhìn thấy đường đi, thậm chí có khi đến gần phương tiện khác mới nhìn thấy. Người điều khiển phương tiện giao thông nếu không quan sát kỹ sẽ rất dễ xảy ra tai nạn giao thông.

Theo quan sát của phóng viên, trong ngày 11/10, ven Tỉnh lộ 156, đặc biệt là đoạn thuộc địa phận xã Cốc Mỳ xuất hiện hàng chục điểm người dân đốt rơm, rạ. Nhiều điểm cháy nghi ngút, từng làn khói đặc quánh tràn ra đường cản tầm nhìn của người tham gia giao thông.

Không chỉ trên Tỉnh lộ 156, ven nhiều tuyến đường giao thông nông thôn khác cũng có tình trạng tương tự.

Gia đình tôi cũng cấy lúa. Sau khi gặt, tôi thường phơi rơm, rạ khô rồi mang về nhà làm thức ăn cho trâu, bởi tôi biết đốt rơm, rạ tạo ra khói làm khuất tầm nhìn gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Ông Tráng A Nỏ, xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát

Được biết, việc đốt rơm rạ nhiều không chỉ gây ô nhiễm không khí, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông mà còn làm cho chất hữu cơ trong đất biến thành các chất vô cơ do nhiệt độ cao, đất ruộng bị chai cứng. Thay vì đốt, người dân có thể tận dụng để biến rơm, rạ thành những chất có ích cho sản xuất nông nghiệp như: Xử lý bằng chế phẩm sinh học làm phân bón hữu cơ; cắt nhỏ tạo độ phì nhiêu, tơi xốp cho đất; sử dụng để trồng nấm; làm thức ăn cho trâu, bò…

 Người dân có thể xử lý rơm, rạ để trồng nấm, làm thức ăn cho trâu, bò.

Người dân có thể xử lý rơm, rạ để trồng nấm, làm thức ăn cho trâu, bò.

Mặc dù việc đốt rơm rạ như thế này chỉ mang tính thời điểm song các ngành chức năng và chính quyền địa phương cũng cần tăng cường tuyên truyền, vận động người dân không đốt rơm, rạ bừa bãi. Bên cạnh đó, thường xuyên hướng dẫn chi tiết, cụ thể để người dân sử dụng rơm, rạ đạt hiệu quả tối đa.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/nguy-co-mat-an-toan-giao-thong-tu-dot-rom-ra-ven-duong-post374721.html