Nguy cơ mất vùng nhãn Thanh Lương

Thanh Lương là vùng trồng nhãn có tiếng của Bình Phước từ nhiều năm qua, với hàng trăm héc ta nhãn cho sản lượng hàng ngàn tấn mỗi năm. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cộng với đầu ra bấp bênh, giá nhãn gần như xuống đáy liên tiếp trong 3 năm qua đã khiến người trồng nhãn lao đao, khó trụ vững với loại cây trồng này.

Quyết định khó khăn

Thất bại liên tiếp trong 3 năm kể từ vụ nhãn năm 2019 khiến ông Nguyễn Văn Xứng ở ấp Thanh An, xã Thanh Lương, thị xã Bình Long phải cắt bỏ hoàn toàn vườn nhãn để chuyển đổi sang trồng chanh. Mười mấy năm gắn bó với biết bao kinh nghiệm cũng không thể giúp ông trụ lại cùng cây nhãn. Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, thỉnh thoảng ông lại dõi đôi mắt nhăn nheo nhìn vườn chanh trơ trọi dưới cái nắng như đổ lửa. Có lẽ ông đang nhớ đến vườn nhãn rợp bóng ngày nào. “Từ khi xảy ra dịch Covid-19, nhãn xuống giá tới giờ, tôi nghĩ nhãn không lên giá nữa nên chuyển sang trồng chanh để có thu nhập trang trải cuộc sống gia đình” - ông Xứng tâm sự. Giữa mùa nắng nóng, vậy mà giá chanh cũng không cao như mọi năm. “Giá chanh thấp nên chỉ đủ tiền mua gạo, đâu có tiền tái đầu tư. 6-7 tháng nay chưa bón phân gì nên cây có phát triển được đâu, vàng lá hết” - ông Xứng chia sẻ. Cả vườn chanh 3 ha nhưng chỉ khoảng vài chục cây xanh tốt, số còn lại không biết có sống được đến mùa mưa.

Không còn bóng dáng của cây nhãn nào trên 3ha diện tích đất của gia đình ông Nguyễn Văn Xứng

Ở xã Thanh Lương, những nông dân chọn cách “xóa trắng” vườn nhãn như ông Xứng không thiếu. Vụ vừa qua, giá nhãn rớt đáy chỉ còn từ 2.000-3.000 ngàn đồng/kg bán tại vườn, trong khi giá phân bón, vật tư nông nghiệp tăng cao nên dù nhãn đạt năng suất, người trồng thu vẫn không đủ chi. Nhiều năm gắn bó với vườn nhãn, “xóa vườn” là một quyết định khó khăn với nhiều nông dân, nhưng không thể không làm. “Giá nhãn không ổn định nên tôi phải cưa dù chưa biết sẽ trồng cây gì trên mảnh đất này” - bà Phan Thị Thanh Tâm, ấp Thanh An, xã Thanh Lương buồn bã cho biết. Cây nhãn bao đời cho trái ngọt nuôi sống người dân Thanh Lương nay đã không còn làm tốt nhiệm vụ.

Vườn nhãn hơn 1 ha của hộ bà Phan Thị Thanh Tâm mới cưa bỏ hơn 1 tháng nay

Vườn nhãn hơn 1 ha của hộ bà Phan Thị Thanh Tâm mới cưa bỏ hơn 1 tháng nay

Nguy cơ có thật

Chỉ tính riêng ở ấp Thanh An, xã Thanh Lương, diện tích vườn nhãn bị cắt bỏ đã chiếm khoảng 30%. Nông hộ nào diện tích ít thì cưa bỏ cả vườn, còn những hộ diện tích nhiều thì cưa bỏ một phần. Nhà vườn cho biết, diện tích nhãn bị cưa bỏ nhiều khả năng sẽ còn tăng bởi giá vật tư nông nghiệp, công lao động vẫn tiếp tục “leo thang”, trong khi vốn đầu tư của nhà vườn gần như đã cạn kiệt. “Chăm sóc, thu hoạch cây ăn trái bao giờ cũng mất nhiều công và chi phí vật tư hơn so với các loại cây trồng khác. Trong khi đó, tất cả khâu này hầu như nhà vườn đều phải thuê” - ông Trịnh Thanh Sơn, xã Thanh Lương, thị xã Bình Long cho hay.

Một vườn nhãn ở xã Thanh Lương, thị xã Bình Long bị cưa bỏ vẫn còn chưa dọn dẹp

Một vườn nhãn ở xã Thanh Lương, thị xã Bình Long bị cưa bỏ vẫn còn chưa dọn dẹp

Cây nhãn mỗi năm chỉ có một mùa và đó là tất cả trông đợi của người nông dân. “Tôi trồng nhãn bao nhiêu năm mà chưa có khi nào nhãn rớt giá liên tiếp như mấy năm nay. Từ năm 2019 đến nay, mỗi năm tôi đầu tư 70 triệu đồng tiền phân bón, thuốc. 4 năm nay cũng đã đầu tư gần 300 triệu đồng nhưng tôi không thu lại được đồng nào” - bà Tâm xót xa.

Năm 2019, nhãn tiêu da bò Thanh Lương được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Thế nhưng, bài toán đầu ra và ổn định giá cho loại cây trồng này vẫn chưa có lời giải khiến nông dân khó có thể tiếp tục gắn bó. “Chúng tôi chỉ mong giá nhãn ổn định. Chứ bây giờ chuyển đổi sang cây gì cũng cần vốn và kiến thức, kỹ thuật chăm sóc. Mình không rành là lại thua lỗ nữa” - ông Nguyễn Văn An, nông dân trồng nhãn ở xã Thanh Lương cho biết.

Thanh Lương là vùng trồng nhãn có tiếng của Bình Phước và không dễ gì để có được danh hiệu này. Thế nhưng đứng trước cơn “bão giá”, danh hiệu này có nguy cơ không giữ được khi từng ngày, những vườn nhãn đang dần mất đi. “Vụ mùa sắp tới không có nhãn thu hoạch chắc tôi sẽ buồn lắm. Nhưng biết làm sao được” - vừa nói bà Tâm vừa nhặt nhạnh những cành nhãn khô còn sót lại trên nền đất trắng vừa suy nghĩ không biết sẽ tiếp tục gắn bó với loại cây gì trên mảnh đất này vào mùa mưa tới.

Thu Thảo

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/142878/nguy-co-mat-vung-nhan-thanh-luong