Nguy cơ nhiều doanh nghiệp dệt may đóng cửa vì dịch corona

Do phụ thuộc lớn vào nguồn cung từ Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp dệt, may Việt Nam có khả năng ngừng việc, đóng cửa nếu dịch Corona diễn biến phức tạp và kéo dài.

Sự bùng phát của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona hay COVID-19 đã gây gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam kể từ khi ca nhiễm vi rút đầu tiên được công bố vào cuối tháng 1.

Ngoài sự sụt giảm trong ngành du lịch và các dịch vụ liên quan, dịch bệnh này còn ảnh hưởng đến giao thương qua biên giới, tác động tiêu cực đến ngành sản xuất chế tạo, kinh doanh.

Hiệp hội dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, rất nhiều nhà quản lý, chuyên gia, kỹ thuật viên, công nhân đang làm việc tại doanh nghiệp dệt, may Việt Nam và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) của Trung Quốc bị hạn chế quay lại sau kỳ nghỉ Tết hoặc bị cách ly theo quy định, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.

Những doanh nghiệp có đơn hàng sản xuất cũng chịu tác động do các trường học đóng cửa, học sinh nghỉ học khiến nhiều người lao động xin nghỉ việc ở nhà trông con, tạo áp lực thiếu lao động cho doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp có lao động là người Trung Quốc thì có tâm lý e ngại, sợ tiếp xúc, sợ lây lan dịch bệnh.

Phần lớn doanh nghiệp dệt, may làm gia công nên dịch bệnh khiến gia tăng nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất.

Phần lớn doanh nghiệp dệt, may làm gia công nên dịch bệnh khiến gia tăng nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất.

Mặc dù là mặt hàng đứng thứ ba về giá trị xuất khẩu của Việt Nam năm ngoái và đóng góp lớn cho xuất khẩu nhiều năm qua, dệt, may lại là khu vực chịu ảnh hưởng chủ đạo từ Trung Quốc khi đây là nguồn nguyên, phụ liệu chính.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, tổng giá trị thương mại dệt, may giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt khoảng 15,7 tỷ USD năm 2019, trong đó mức nhập khẩu vào thị trường nội địa chiếm tới 11,5 tỷ USD, tương đương hơn 73% kim ngạch. Vải các loại là mặt hàng được nhập khẩu nhiều nhất với kim ngạch hơn 7,7 tỷ USD.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp dệt, may lại chủ yếu làm gia công nên dịch bệnh khiến gia tăng nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất.

“Nếu tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, kéo dài thì khả năng doanh nghiệp phải nghỉ luân phiên, ngừng việc, đóng cửa sẽ rất cao do không có nguyên, phụ liệu sản xuất”, VITAS nhấn mạnh. Điều này sẽ khiến khách hàng chuyển đơn hàng đi nơi khác hoặc hủy đơn hàng do giao hàng không đúng hạn.

Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải trả lương ngừng việc cho người lao động tối thiểu không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng Chính phủ quy định, ví dụ vùng 1 tối thiểu là 4,42 triệu đồng/người/tháng.

Trước tình hình trên, VITAS khuyến cáo doanh nghiệp nên trao đổi với khách hàng tập trung khai thác nguồn nguyên, phụ liệu trong nước hoặc từ các nước khác để thay thế nguồn cung từ Trung Quốc, đảm bảo duy trì sản xuất kinh doanh, ổn định tư tưởng và thu nhập của người lao động.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần theo dõi sát tình hình, thông tin kịp thời để có giải pháp kịp thời tháo gỡ.

Các doanh nghiệp hiện đã và đang tập trung nỗ lực cho công tác phòng, chống; nhiều doanh nghiệp bố trí dây chuyền sản xuất khẩu trang để trang bị cho công nhân hoặc bán với giá thành sản xuất hay phát miễn phí cho người dân địa phương, tìm mọi giải pháp để duy trì sản xuất và hạn chế thiệt hại do dịch bệnh gây ra.

Trong buổi làm việc giữa VITAS và đại diện Bộ Công thương vừa qua, đại diện công ty May Bắc Giang – LGG cho biết, hiện tại Công ty đã cho công nhân trở lại giờ làm việc bình thường do đã nhập đủ nguyên phụ liệu từ trước Tết. Đồng thời, tìm nguồn cung thay thế từ Indonesia do đến giữa tháng 3 các doanh nghiệp ở Trung Quốc mới hoạt động trở lại.

Nhiều công ty lớn thực hiện chiến lược đón đầu như công ty May Tinh Lợi, xây dựng cơ sở hạ tầng mới, tạo dựng nguồn nhân lực để khi hết dịch sẽ tăng năng suất lao động lên 200%.

VITAS kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan làm việc với phía Trung Quốc bàn giải pháp để vừa chống dịch, vừa đảm bảo thông quan hàng hóa, tháo gỡ khó khăn về nguồn cung nguyên, phụ liệu cho doanh nghiệp.

Hiệp hội này đề nghị Nhà nước có giải pháp kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp để giảm tổn thất như giảm tiền điện, nước, nhiên liệu, thuế đất, lãi vay, khoanh nợ hoặc giãn nợ.

Doanh nghiệp cũng cần được hướng dẫn về trả lương ngừng việc trong trường hợp phải bố trí ngừng việc kéo dài; cần có sự chia sẻ của cả Nhà nước, doanh nghiệp và người lao động trong điều kiện khó khăn này vì những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như dệt may phải đóng cửa thì hàng trăm ngàn lao động sẽ không có việc làm.

VITAS kiến nghị Chính phủ và Bộ Tài chính tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp đã được phản ánh trước đó, như hoàn thuế VAT cho các dự án đầu tư mở rộng vì có doanh nghiệp trong hơn ba năm nay chưa được hoàn hàng chục tỷ đồng tiền thuế VAT; bỏ quy định nộp thuế VAT với những doanh nghiệp sử dụng vải trong nước để sản xuất, xuất khẩu thay vì nộp trước hoàn sau.

Bên cạnh đó, VITAS đề nghị Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu giảm phí cầu đường để giảm chi phí trong thời gian tới cho doanh nghiệp, đề nghị thành phố Hải Phòng ngừng thu phí cảng biển để tạo điều kiện cho doanh nghiệp.

Thùy Trang

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/nguy-co-nhieu-doanh-nghiep-det-may-dong-cua-vi-dich-corona-1582533094028.htm