Nguy cơ 'thật' từ thế giới ảo

Sự phát triển vượt bậc của công nghệ tác động rất lớn đến đời sống xã hội. Ngoài những tác động tích cực, thì công nghệ cũng đã tạo ra những hệ lụy không nhỏ, nhất là với trẻ em - đối tượng hoàn toàn chưa đủ khả năng từ chối tiếp nhận hay phân biệt tốt - xấu, đúng - sai từ kho thông tin khổng lồ Internet.

Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Ánh Bình Minh (phường Phan Thiết, thành phố Tuyên Quang) hiện đang hỗ trợ, can thiệp cho 48 trẻ, trong số này có hơn 20 trẻ đến can thiệp giảm phụ thuộc vào điện thoại thông minh, ti vi.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Cậu bé Đ.N.M. ở Kim Phú (TP Tuyên Quang) đã 36 tháng tuổi nhưng vẫn chưa biết nói, không có phản ứng khi được gọi tên và hay cáu bẳn, nổi nóng vô cớ. Chị Hoàng Thị V., mẹ của M. chia sẻ, vì là con trai đầu nên hầu như mọi nhu cầu của con đều được ông bà, bố mẹ đáp ứng hết. Đặc biệt là M. được tiếp xúc, chơi với điện thoại thông minh từ rất sớm. Chỉ đến khi phát hiện ra những biểu hiện bất thường của con, đưa con đi khám, gia đình mới biết con mắc chứng giảm chú ý do phụ thuộc công nghệ.

Không chỉ trẻ em thành phố, mà hiện số lượng trẻ em nông thôn được tiếp xúc sớm với công nghệ và “nghiện” công nghệ đang tăng lên từng ngày. Cậu bé P.M.T. ở xã Đà Vị (Na Hang) gần 3 tuổi cũng mắc chứng chậm nói, giảm chú ý và chỉ ăn khi được xem điện thoại, ti vi. Hay như cậu bé H.T.P. ở Lâm Bình, cậu bé H.Đ.Q. ở Đức Ninh (Hàm Yên)… Hầu hết những bé này đang ở độ tuổi từ 19 tháng đến 36 tháng.

Bà Nguyễn Đoan Trang, Thạc sỹ tâm lý học lâm sàng trẻ em, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Ánh Bình Minh cho biết, từ năm 2016 - thời điểm thành lập, số lượng trẻ đến can thiệp “cai nghiện công nghệ” đã chiếm hơn một nửa, cùng với số trẻ em mắc tự kỷ, tăng động. Những trẻ phụ thuộc công nghệ thường có một số biểu hiện như: Trẻ chậm nói, thiếu tập trung chú ý, hay nổi nóng, dễ ăn vạ khi không được đáp ứng một nhu cầu nào đó và số giờ xem ti vi, điện thoại chiếm từ 4 đến 6 tiếng/ngày.

Để hỗ trợ, can thiệp trẻ phụ thuộc vào công nghệ, theo Thạc sỹ Nguyễn Đoan Trang, cần sự phối hợp tích cực từ phía gia đình. Theo đó, phải giảm dần số giờ xem ti vi, điện thoại thông minh để trẻ giảm dần lệ thuộc vào công nghệ. Thời gian này, ông bà, cha mẹ cần dành nhiều thời gian để tương tác với trẻ, từ việc trò chuyện, cung cấp vốn từ cho con để con tích lũy ngôn ngữ thầm trong đầu.

Một giờ học của trẻ can thiệp phụ thuộc công nghệ tại Trung tâm Hỗ trợ phát triểngiáo dục hòa nhập Ánh Bình Minh.

Không chỉ ảnh hưởng đến việc hình thành ngôn ngữ, tính cách của trẻ trong giai đoạn đầu đời, những thông tin từ điện thoại thông minh, mạng xã hội và Youtube cũng dẫn đến những nhận thức lệch lạc cho trẻ em. Theo các chuyên gia tâm lý, nhiều em bị hội chứng nghiện điện thoại thông minh, nghiện chơi game online... dẫn đến bị ảo giác, gây ra tổn hại về cả thể chất và tinh thần, khó hồi phục. Cách đây không lâu, câu chuyện đau lòng về cậu học sinh lớp 11 ở Nghệ An bắt cóc em nhỏ cùng xóm để đóng vai giải cứu theo một trò chơi điện tử, dẫn đến cái chết đau lòng của em nhỏ do bị bỏ đói, khát trong nhiều giờ đồng hồ. Tiếp xúc với Internet khi không có sự kiểm soát của người lớn, các em còn dễ bị lôi kéo "chạy" theo các thần tượng ảo, tham gia các trào lưu xấu, gây ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội, như hiện tượng một số học sinh tiểu học, THCS thần tượng những hiện tượng mạng như Khá Bảnh, Huấn Hoa Hồng… thời gian vừa qua.

Bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Trưởng Phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới, Sở Lao động -Thương binh và Xã hội cho rằng, tác động tiêu cực từ công nghệ đến trẻ nhỏ xuất phát từ chính gia đình. Sự thờ ơ, nuông chiều, thiếu quan tâm, chăm sóc trẻ dẫn đến việc nhiều trẻ em tự tìm hiểu những thông tin chúng cần từ Internet mà không nhận được sự định hướng đúng đắn, chính xác. Ngăn ngừa sự “tác động ngược” này, theo bà Huyền, không có giải pháp nào hiệu quả hơn ngoài chính sự đồng hành của cha mẹ. Chỉ có sự gần gũi, trao đổi, định hướng từ phụ huynh mới là “lá chắn” bảo vệ con em mình khỏi những luồng thông tin tiêu cực từ mạng Internet. Vì trên thực tế, việc quản lý, gắn nhãn tuổi cho các chương trình, các kênh thông tin từ Youtube vẫn còn hạn chế, trong khi chế tài xử lý chưa đủ mạnh, nếu không muốn nói là chưa theo kịp sự phát triển như vũ bão của công nghệ.

Trẻ em chưa nhận thức được hoàn toàn tính hai mặt của việc sử dụng công nghệ. Chính vì vậy, mỗi cha mẹ hãy là những lá chắn vững chắc, tích cực, vừa hướng dẫn con tận dụng được sức mạnh của Internet để phục vụ việc học tập, giải trí, vừa bảo vệ con khỏi những nguy cơ “thật” từ thế giới “ảo”.

Trần Liên

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/cuoc-song/nguy-co-that-tu-the-gioi-ao-135152.html