Nguy cơ tuyệt chủng chim hoang dã
Những năm qua, tình trạng săn bắt chim trời một cách ồ ạt đã khiến nhiều loài chim hoang dã có nguy cơ bị tuyệt chủng. Việc săn bắt để làm thực phẩm hoặc nuôi làm cảnh khiến công tác bảo tồn đa dạng sinh học các loài chim ngày càng khó khăn. Tình trạng này đang gióng lên hồi chuông báo động về việc bảo vệ động vật hoang dã nói chung và các loài chim hoang dã nói riêng.
Những năm qua, tình trạng săn bắt, bẫy, mua bán, tiêu thụ công khai các loài chim hoang dã diễn ra ở nhiều địa phương. Thực tế, để bẫy được chim trời họ sử dụng nhiều cách săn bắt chim như: Giăng lưới, đặt bẫy, giăng câu, nhựa dính, dùng súng để săn bắn,… Nhiều người còn coi đây là một nghề mưu sinh, kiếm sống. Rất nhiều người nghĩ rằng "chim trời, cá nước", đó là của trời cho, cho nên bất cứ ai cũng có quyền bắt, bẫy chim. Vì thế, từ chim đem ngâm rượu, cho đến hàng trăm lồng chim cảnh, thậm chí trở thành đặc sản được bày bán công khai tại các cửa hàng và trên mạng. Chỉ vì lợi ích kinh tế mà nhiều người đã quên đi lợi ích lâu dài của các loài chim thiên nhiên, làm cho một số loài đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, nhiều loài khác không còn môi trường sống an toàn.
Anh Lê Ðình Chung (huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang), một thợ săn chim bỏ nghề cho biết: "Ngày trước có nhiều loài chim quý, chim đẹp, nhiều loài hót rất hay nhưng vài năm gần đây không còn thấy bóng dáng chúng. Những mùa đông cách đây khoảng chục năm, tôi vẫn thường thấy hàng trăm đàn chim di cư bay qua địa bàn, nhưng nay chẳng còn nữa. Với tình trạng săn bắn, bẫy bắt phổ biến như hiện nay, tương lai có lẽ sẽ chẳng còn được nghe tiếng hót của chim trời… Thời điểm thích hợp nhất để săn bắn, bẫy chim thường vào cuối mùa thu, đầu mùa đông, khi các loài chim di cư về tìm chỗ trú ẩn và nguồn thức ăn. Những người săn chim tìm đến các cánh đồng nước trắng xóa, nơi có sẵn thức ăn là tôm, cá cho cò, vạc để săn bắn chúng. Ðó là ban ngày, còn ban đêm, nhóm sẽ men theo các lối mòn lên các khu rừng soi đèn bắn hạ những con đang ngủ trên cây. Giữa đêm thanh vắng, tiếng cò kêu thảm thiết, bay toán loạn vào không trung mịt mù, khiến nhiều người nhói lòng", anh Chung cho biết.
Qua tìm hiểu, hiện nay tại hầu hết các địa phương trên cả nước đều xuất hiện nhiều nhà hàng, quán ăn đặc sản chim trời; các cửa hàng chim cảnh. Trên các trang mạng xã hội cũng tràn ngập hình ảnh, địa chỉ mua bán chim trời, trong đó có cả các loài quý hiếm, có tên trong sách đỏ như gà lôi lam mào đen, gà lôi tía… Theo chủ những nhà hàng này, chim, cò rừng luôn có sẵn do người dân bẫy, bắt được cung cấp. Thi thoảng trên phố vẫn bắt gặp những người dân chở theo hàng chục, hàng trăm con chim, cò vẫn còn sống đã được vặt trụi lông, chúng được rao bán công khai với giá từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn đồng mỗi con. Trong khi các loài chim tự nhiên giảm dần về số lượng thì ở các chợ dân sinh từ nông thôn đến thành thị, vẫn bày bán các loại chim trời. Ngay tại Thủ đô Hà Nội, chim trời được bán công khai trên chợ Phúc La (quận Hà Ðông), chợ Bưởi (quận Ba Ðình), đường Nguyễn Hữu Thọ (quận Hoàng Mai),…
Theo các chuyên gia y tế đánh giá, khoảng 70% dịch bệnh nguy hiểm cho con người có nguồn gốc từ động vật hoang dã. Hậu quả của dịch Covid-19 cùng với những báo cáo khoa học mới cho thấy nhiều khả năng dịch bệnh này có nguồn gốc từ động vật hoang dã chính là lời cảnh báo cho thấy loài người phải hành động ngay lập tức, chấm dứt các hành vi vi phạm trái phép. Hiện tại ở Việt Nam có khoảng hơn 918 loài chim, trong đó: 12 loài đặc hữu, 9 loài rất nguy cấp, 17 loài nguy cấp, 21 loài bị tổn thương, 44 loài bị đe dọa đã được ghi nhận trong danh sách đỏ của IUCN (là danh sách toàn diện nhất về tình trạng bảo tồn và đa dạng của các loài động vật và thực vật trên thế giới), bản cập nhật năm 2021, và 40 loài được ghi nhận trong Sách đỏ Việt Nam… Việt Nam được xác định là một trong những khu vực quan trọng bậc nhất trong mạng lưới các tuyến đường bay của chim di cư và các loài chim đặc hữu. Các vùng chim hoang dã, di cư đã tạo nên cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, đồng thời mang lại các giá trị quan trọng cho đất nước ta, vừa góp phần đa dạng sinh học, vừa phát triển du lịch sinh thái… Việt Nam cũng là thành viên của Công ước quốc tế Ramsar về bảo vệ các khu đất ngập nước quan trọng là nơi sinh sống của các loài chim di cư; đồng thời là thành viên của Ðối tác bảo tồn chim di cư tuyến Australia - Ðông Á. Do vậy, các hành động bảo tồn chim di cư là một trong những nhiệm vụ chiến lược quan trọng, thực hiện các nghĩa vụ, cam kết của Việt Nam đối với các công ước và hiệp ước quốc tế. Hơn nữa, việc bảo vệ các loài chim hoang dã chính là bảo vệ sự đa dạng sinh học của tự nhiên, góp phần cân bằng hệ sinh thái môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Việc săn bắt, tiêu thụ các loài chim hoang dã, di cư diễn ra trong một thời gian dài tại nhiều địa phương đã làm ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sinh thái, an toàn sức khỏe con người. Do vậy, để giải quyết triệt để tình trạng này, cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của chính quyền địa phương và các ban, ngành liên quan từ khâu kiểm soát hoạt động săn, bẫy, bắt chim hoang dã đến các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống cũng như nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư. Lực lượng công an, kiểm lâm,… cần tăng cường quản lý, thu hồi các loại bẫy lưới, súng săn, mở các đợt cao điểm kiểm tra, mạnh tay xử lý vi phạm. Tích cực tuyên truyền vận động người dân, nhất là những gia đình sinh sống gần các khu vực rừng không săn, bẫy các loài chim.
Hành vi mua bán, săn bắt các loài chim hoang dã là vi phạm pháp luật và cần phải xử lý nghiêm theo quy định. Nếu là những loài chim nằm trong Sách đỏ Việt Nam, cấm săn bắt như gà lôi lam đuôi trắng, trĩ đỏ, sếu cổ trụi,… thì tùy theo mức độ vi phạm, loài chim bị săn bắt thì người vi phạm sẽ bị xử lý theo các điều luật và các nghị định, thông tư liên quan. Nếu đủ điều kiện truy tố hình sự thì căn cứ Ðiều 244 Bộ luật Hình sự người phạm tội tùy theo mức độ, hành vi vi phạm có thể bị xử phạt đến 15 tỷ đồng hoặc 10 năm tù…
Luật sư VŨ HỮU QUÝ (Ðoàn Luật sư tỉnh Quảng Ninh)
Trong năm 2021, lực lượng kiểm lâm tỉnh đã ngăn chặn, bắt giữ xử lý 8 vụ mua bán, vận chuyển trái phép chim hoang dã; phối hợp chính quyền địa phương tiêu hủy hơn 49.000m lưới bẫy chim, tịch thu 14 loa, đài sử dụng bẫy bắt chim... Ðể tích cực bảo vệ các loài chim hoang dã trước nguy cơ tận diệt, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã chủ động tham mưu UBND tỉnh tổ chức thực hiện Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 17/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam. Tập trung triệt phá các đường dây tội phạm, tụ điểm có tổ chức, mua, bán, xuất khẩu, nhập khẩu trái phép các loài chim hoang dã, di cư…
MẠC VĂN XUYÊN, Chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Quảng Ninh