Chú trọng bảo tồn, gìn giữ môi trường tại Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng

Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng (Ấp 6, xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh) là một trong những địa điểm có cảnh sắc thiên nhiên yên bình, tươi đẹp với hàng trăm loài chim cư trú mỗi năm. Nhiều năm qua, Ban Quản lý (BQL) rừng tràm Gáo Giồng luôn gắn việc khai thác tiềm năng với công tác bảo tồn các loài chim, cò thiên nhiên và giữ nước phòng ngừa nguy cơ cháy rừng. Với việc mở rộng và đa dạng hóa dịch vụ, Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng đã đón hàng trăm ngàn lượt du khách đến tham quan.

Một góc Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng (Ảnh Tùng Thiện)

Một góc Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng (Ảnh Tùng Thiện)

KHAI THÁC TIỀM NĂNG DU LỊCH

Để phát triển tiềm năng du lịch, Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng khai thác các dịch vụ phục vụ du khách như: xem phim tư liệu, thưởng thức tách trà cỏ bắc với hạt sen rang, chinh phục độ cao của Đài quan sát với tầm nhìn rộng trên diện tích 1.500ha rừng tràm - lá phổi xanh của Đồng Tháp Mười. Bên cạnh đó, du khách có thể bơi xuồng tham quan sân chim rộng 40ha có trên 100 loài chim đang sinh sống tại đây, hay ngồi xuồng máy ngắm hoa sen, súng, dỡ chà bắt cá, chuột, vịt, câu cá thư giãn, hái bông điên điển, nghe đờn ca tài tử, hò Đồng Tháp... Cùng với đó là những đặc sản địa phương phong phú từ thiên nhiên như: mật ong, gạo huyết rồng, mắm cá đồng các loại; các sản phẩm từ tre, lục bình, sen...

Du khách tham quan Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng (Ảnh Tùng Thiện)

Du khách tham quan Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng (Ảnh Tùng Thiện)

Một trong những điểm nhấn của Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng là con đường tre dài hơn 7.000m, tạo không gian độc đáo, gần gũi thiên nhiên để du khách đến tham quan, chụp ảnh. Nơi đây sẽ là điểm hội tụ trên 140 giống tre của cả nước, tạo thành bộ sưu tập tre hình bản đồ Việt Nam thu nhỏ, điểm đến hấp dẫn cho du khách gần xa trong tương lai.

Con đường tre vào Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng (Ảnh Tùng Thiện)

Con đường tre vào Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng (Ảnh Tùng Thiện)

Đến với Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng, du khách còn được thưởng ngoạn rừng tràm nguyên sinh trong lành, cùng những âm thanh của muôn loài chim với bầu không khí miền quê yên bình. Theo BQL rừng tràm Gáo Giồng, hiện nay, sân chim có diện tích trên 40ha với hơn 100 loài chim, khoảng 100.000 cá thể. Vào mùa nước nổi, chim, cò trong khu vực sinh sản nhiều nhất cũng là thời điểm đẹp nhất để du khách tham quan, chụp ảnh và được nhìn ngắm nhiều loài chim sinh sống trong rừng tràm, đây là sân chim lớn nhất khu vực.

TĂNG CƯỜNG BẢO TỒN, GIỮ GÌN SINH THÁI

Ngoài mục đích khai thác du lịch, Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng còn có vai trò quan trọng trong bảo tồn thiên nhiên. Thời gian qua, công tác bảo tồn các loài chim và các hoạt động bảo vệ môi trường, tuyên truyền đến cộng đồng về tầm quan trọng của bảo tồn đa dạng sinh học luôn được BQL rừng tràm Gáo Giồng thực hiện thường xuyên. Qua đó, nâng cao nhận thức của người dân, góp phần bảo vệ các loài chim và hệ sinh thái tự nhiên.

Vào mùa nước nổi, chim, cò về Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng nhiều nhất (Ảnh Tùng Thiện)

Vào mùa nước nổi, chim, cò về Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng nhiều nhất (Ảnh Tùng Thiện)

BQL rừng tràm Gáo Giồng thường xuyên phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung tuyên truyền, vận động người dân sinh sống ở vành đai rừng không được săn bắt, giết mổ, nuôi nhốt, vận chuyển, mua bán động vật hoang dã, trong đó có các loài chim, cò di trú. Đồng thời tạo môi trường trong lành, xanh mát, an toàn và đầy đủ thức ăn, nguồn nước để chim, cò về sinh sản.

Song song đó, BQL rừng tràm Gáo Giồng phối hợp với Chi cục Kiểm lâm, Công an các xã tăng cường tuần tra kiểm soát, thu dọn câu, lưới, bẫy chim cò ngoài đồng ruộng của người dân ở vành đai rừng; khuyến khích các hộ dân canh tác lúa đuổi chim bằng hình thức khác không gây tác hại đến các loài chim cò và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đồng thời vận động thành lập các đội phòng cháy, chữa cháy và an ninh trật tự vành đai rừng, có 100 thành viên tự nguyện tham gia.

Ban Quản lý rừng tràm Gáo Giồng chủ động bơm nước, điều tiết nguồn nước (Ảnh TM)

Ban Quản lý rừng tràm Gáo Giồng chủ động bơm nước, điều tiết nguồn nước (Ảnh TM)

Theo BQL rừng tràm Gáo Giồng, hằng năm, vào thời điểm đỉnh lũ (khoảng cuối tháng 10), đơn vị chủ động đóng các cống đập để giữ nước phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô năm sau. Do những năm gần đây, nước về ít, không ngập tràn các tuyến đê bao của rừng tràm nên lượng nước, cỏ, lá tràm và phân chim ở khu vực vườn chim bị đọng lại, nguồn nước khu vực này bị đổi màu và có mùi hôi cục bộ trong thời gian ngắn sau khi đóng cống đập.

Hệ thống cống đập điều tiết xử lý nguồn nước tại rừng tràm Gáo Giồng (Ảnh TM)

Hệ thống cống đập điều tiết xử lý nguồn nước tại rừng tràm Gáo Giồng (Ảnh TM)

BQL rừng tràm Gáo Giồng đã chủ động xử lý nguồn nước bằng các biện pháp như: tận dụng nước thủy triều (nước rong) để điều tiết nước vào rừng rửa phèn, phân chim, cỏ chết. Sau khi nước rút, tiến hành bơm nước rửa phèn, thường xuyên vệ sinh cỏ dại trên đồng, trồng thêm một số loại thủy sinh để hấp thụ chất hữu cơ từ phân chim như: rau nhút, rau muống, tai tượng, cùng với đó là bơm hút phân chim để ủ phân hữu cơ…

MỸ LONG

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/moi-truong/chu-trong-bao-ton-gin-giu-moi-truong-tai-khu-du-lich-sinh-thai-gao-giong-126823.aspx