Nguyên nhân khiến nCoV lan nhanh trong không khí khi thông gió kém

Theo nhóm chuyên gia tại Mỹ, nCoV đang tiến hóa để lây lan nhanh qua các chất lỏng siêu nhỏ. Tuy nhiên, khẩu trang có thể chặn hầu hết giọt chất lỏng này.

Các biến chủng nCoV mới như Alpha, Delta được cho là có hệ số lây nhiễm theo thời gian cao hơn nhiều so với chủng ban đầu. Từ một F0, virus có thể lây nhiễm cho 5 thậm chí 10 người khác.

Trong bản cập nhật ngày 30/4, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết SARS-CoV-2 lây lan giữa người với người thông qua giọt bắn từ người bệnh hoặc tiếp xúc trực tiếp. Virus cũng có khả năng lây lan trong không khí ở những nơi thông gió kém hoặc trong không gian kín đông người do các hạt aerosol siêu nhỏ chứa virus lơ lửng trong không khí và có thể bay xa hơn 1 m.

Theo New York Times, hai nghiên cứu gần đây đã đưa ra lời giải thích cho việc có những biến chủng nCoV dễ lây lan hơn.

Virus tiến hóa

Hầu hết nhà nghiên cứu đều đồng ý với quan điểm nCoV chủ yếu lây truyền qua các giọt bắn hay sol khí. Các sol khí có thể bay xa nhiều mét khỏi vị trí đứng của người hô hấp. Sau đó, chúng bám vào các bề mặt, tìm cơ hội xâm nhập niêm mạc mắt, mũi, miệng và lây nhiễm.

Hai nghiên cứu mới mà New York Times dẫn lại về cơ bản không thay đổi quan điểm này. Song, các nhóm tác giả phát hiện nguyên nhân khiến nCoV lây lan nhanh trong không khí. Các nghiên cứu do nhóm chuyên gia tại Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia và Hiệp hội Bệnh truyền nhiễm thực hiện.

Họ đã so sánh biến chủng Alpha và virus gốc. Hai nhóm tác giả nhấn mạnh kết quả này cũng giải thích được với biến chủng Delta.

Nhà virus học Vincent Munster, Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ, người dẫn đầu một trong những nghiên cứu mới cho biết: “Các biến chủng đang sửa đổi bộ gene của virus để lây truyền hiệu quả hơn. Những giọt sol khí có thể bay xa gấp nhiều lần so với giọt bắn thông thường. Biến chủng Alpha, Delta đều có khả năng lây nhiễm qua các hạt chất lỏng siêu nhỏ (aerosol)”.

Khi thực hiện thí nghiệm trên chuột đồng Syria, tiến sĩ Munster phát hiện ngay cả khi không tiếp xúc vật lý, các “F0” vẫn có thể lây nhiễm cho nhóm đứng ở xa trên 2 m.

 Nghiên cứu cho thấy những người nhiễm biến chủng Alpha thở ra các hạt chất lỏng siêu nhỏ chứa virus cao gấp 43 lần so với F0 nhiễm chủng cũ. Ảnh: Eugene Hoshiko/Associated Press.

Nghiên cứu cho thấy những người nhiễm biến chủng Alpha thở ra các hạt chất lỏng siêu nhỏ chứa virus cao gấp 43 lần so với F0 nhiễm chủng cũ. Ảnh: Eugene Hoshiko/Associated Press.

Nghiên cứu thứ hai cho thấy người bị nhiễm biến chủng Alpha thở ra các hạt chất lỏng siêu nhỏ chứa lượng virus nhiều hơn 43 lần so với F0 nhiễm chủng nCoV cũ. Ngoài ra, người bị nhiễm biến chủng Alpha có tải lượng virus trong mũi, cổ họng cao gấp 18 lần.

Để so sánh cách các biến thể khác nhau lây lan trong không khí, nhóm của ông đã yêu cầu những F0 mắc bệnh nhẹ hoặc không triệu chứng đọc thuộc lòng bảng chữ cái rồi hát to câu: “Chúc mừng sinh nhật” hoặc hô khẩu hiệu “Go Terps!”.

Tuy nhiên, nghiên cứu này chỉ kiểm tra 4 người bị nhiễm chủng Alpha. 45 F0 còn lại nhiễm nCoV chủng cũ. Do đó, chuyên gia về virus Seema Lakdawala, Đại học Pittsburgh, người không tham gia vào một trong hai nghiên cứu, cảnh báo điều này có thể làm sai lệch sự khác biệt về khả năng lây nhiễm của các biến chủng.

Những người bị nhiễm có thể truyền virus cho người khác hoặc không ai cả. Lượng virus mà chúng ta thải ra qua hơi thở, hắt hơi, nói chuyện có thể phụ thuộc vào vị trí mà nCoV tái tạo trong đường hô hấp.

“Đó là lý do chúng ta không thể giải thích một số F0 là bệnh nhân siêu lây nhiễm, còn những người khác thì không. Có rất nhiều sự khác biệt giữa các cá nhân để đưa ra quyết định chung cho tất cả”, vị chuyên gia nói.

Nếu có số tình nguyện viên tham gia nhiều hơn, dữ liệu này sẽ thuyết phục hơn. Song, cả hai nghiên cứu mới đều nhấn mạnh việc virus tồn tại dưới dạng các hạt chất lỏng siêu nhỏ góp phần khiến biến chủng lây lan nhanh hơn.

Chuyên gia về virus Linsey Marr, tại Virginia Tech, người không tham gia vào cả hai nghiên cứu cho biết: “Những công trình này đã chỉ ra virus đang phát triển để thích nghi, lây lan mạnh hơn trong không khí. Điều này ở Delta thậm chí còn mạnh hơn gấp nhiều lần”.

 Nhiều trường học, nơi công cộng, khu vực trong nhà tại Mỹ bắt buộc phải đeo khẩu trang. Ảnh: Sun Sentinel.

Nhiều trường học, nơi công cộng, khu vực trong nhà tại Mỹ bắt buộc phải đeo khẩu trang. Ảnh: Sun Sentinel.

Khẩu trang vẫn có tác dụng ngăn ngừa lây nhiễm

Biến chủng Alpha đã được chứng minh có khả năng lây truyền gấp 2 lần so với chủng gốc. Trong khi đó, Delta được cảnh báo chứa đột biến làm tăng khả năng lây lan gấp nhiều lần. Tuy nhiên, hai nghiên cứu đều khẳng định khẩu trang vẫn ngăn ngừa lây nhiễm rất tốt.

Các chuyên gia tại Hiệp hội Bệnh truyền nhiễm Mỹ thực hiện phân tích trên 49 trường hợp có kết quả âm tính (từ tháng 5/2020 đến tháng 4/2021). Họ phát hiện khẩu trang làm giảm 48% nồng độ virus trong các giọt bắn thông thường và 77% ở dạng các aerosol. Khẩu trang vải và khẩu trang y tế không có sự khác biệt về hiệu quả.

Ông Don Milton, Đại học Maryland, người đứng đầu nghiên cứu này khuyến cáo nếu trong một số không gian đông, chúng ta có thể cân nhắc sử dụng khẩu trang lọc bụi mịn, không khí tốt hơn để ngăn nCoV xâm nhập.

Người dân trên thế giới đang dần được tiếp cận vaccine. Điều này góp phần làm giảm ca nhập viện, tử vong vì Covid-19. Song, cả hai nhóm chuyên gia cho hay vẫn có tỷ lệ nhỏ người đã tiêm vaccine vẫn mắc Covid-19. Họ có thể không bị bệnh nặng, nhập viện, tử vong, song vẫn có khả năng lây truyền virus sang người khác.

Do đó, các tác giả nhấn mạnh chúng ta vẫn cần đeo khẩu trang ngay cả khi đã tiêm vaccine hoặc giới chức nới lỏng các lệnh giãn cách. Các khu vực cần đeo khẩu trang là không gian kín, sử dụng điều hòa, nơi công cộng, đông người tiếp xúc.

nCoV đang tiến hóa để dễ lây lan hơn. Cách duy nhất để bảo vệ bản thân đó là tránh không bị lây nhiễm. Và khẩu trang, khử khuẩn, giãn cách vẫn là chìa khóa vàng giúp chúng ta làm được điều này, bên cạnh tiêm chủng vaccine Covid-19.

Thiên Nhan

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguyen-nhan-khien-ncov-lan-nhanh-trong-khong-khi-khi-thong-gio-kem-post1268117.html