Nguyên nhân khiến xung đột Nga – Ukraine có nguy cơ kéo dài
Wall Street Journal đánh giá, cuộc xung đột Nga – Ukraine có nguy cơ kéo dài nhiều năm. Lý do không chỉ vì các trận chiến ở tiền tuyến diễn ra chậm, mà còn do không bên nào có mục tiêu chiến lược rõ ràng và kế hoạch để đạt được.
Mục tiêu mâu thuẫn trong cuộc xung đột
Mục tiêu trọng tâm của Ukraine trong cuộc xung đột là khôi phục toàn vẹn lãnh thổ, nhưng dường như đây là một viễn cảnh xa vời do sự hỗ trợ của phương Tây còn hạn chế. Mỹ và các đồng minh châu Âu tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine nhưng vẫn lo ngại về chi phí và rủi ro gây leo thang căng thẳng. Một số quan chức phương Tây đã đề xuất những thỏa thuận để chấm dứt xung đột nhưng đều không phù hợp với mục tiêu của Nga và Ukraine.
Khi triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hồi tháng 2/2022, Tổng thống Putin nói rằng, hoạt động này của Nga nhằm bảo vệ người dân vùng Donbass, miền Đông Ukraine. Nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh Moscow không có kế hoạch chiếm các vùng lãnh thổ của Ukraine và cho biết chiến dịch này được tiến hành nhằm phi quân sự hóa Ukraine.
Tổng thống Biden cho biết, mục tiêu viện trợ của Mỹ là đặt Ukraine vào vị thế mạnh nhất có thể cho các cuộc đàm phán hòa bình. Tuy nhiên, Tổng thống Biden không nêu rõ Ukraine nên đàm phán với những điều kiện nào.
Đầu năm nay, Mỹ, Đức và một số nước khác hy vọng cơ hội đàm phán về cuộc xung đột ở Ukraine sẽ mở ra vào mùa thu này, nếu cuộc phản công của Ukraine đạt được tiến bộ đáng kể nhằm đẩy lùi lực lượng Nga ở phía Nam và phía Đông.
Dù được đặt nhiều kỳ vọng, chiến dịch phản công của Ukraine cho đến nay chưa đạt được kết quả khả quan, một phần nằm ở việc thiếu hụt trang thiết bị quân sự.
Từ đầu cuộc xung đột đến nay, việc viện trợ quân sự cho Ukraine đã mâu thuẫn với một ưu tiên khác của phương Tây, đó là tránh leo thang không kiểm soát dẫn đến xung đột trực tiếp với Nga hoặc Moscow sẽ triển khai vũ khí hạt nhân.
Giới hạn tốc độ viện trợ quân sự cho Ukraine đã được thể hiện rõ trong các cuộc thảo luận kéo dài nhiều tháng của phương Tây về việc có nên cung cấp cho Kiev xe tăng, máy bay chiến đấu và tên lửa tầm xa hay không.
Mỹ ngày 18/8 đã công bố quyết định “bật đèn xanh” cho việc chuyển giao máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine. Mỹ thông báo quá trình đào tạo phi công Ukraine sẽ bắt đầu trong tháng này, cho phép Kiev triển khai các máy bay chiến đấu này vào đầu năm 2024. Hà Lan và Đan Mạch tuyên bố có thể chuyển giao tiêm kích F-16 do Mỹ sản xuất cho Ukraine sau khi quá trình đào tạo phi công hoàn tất.
Trong khi đó, ngày 20/8, Financial Times dẫn lời các quan chức Mỹ giấu tên cho biết, Mỹ sẽ không sản xuất đủ tên lửa đạn đạo chiến thuật, loại vũ khí Ukraine đang đề nghị, để “tạo ra sự khác biệt đáng kể trên chiến trường”.
Vũ khí hạn chế của quân đội Ukraine cùng với việc Nga sở hữu sức mạnh không quân và phòng không đã khiến Ukraine gặp khó khăn trong cuộc phản công vào mùa hè này, trước tuyến phòng thủ kiên cố của Nga ở Zaporizhzhia và Donetsk.
Các đánh giá tình báo của Mỹ đang thể hiện sự bi quan về việc liệu các lực lượng Ukraine có thể xuyên thủng phòng tuyến của Nga và tiến về phía Biển Azov hay không. Đây được coi là một mục tiêu chiến lược quan trọng của Ukraine.
Liệu các bên đã đạt được mục tiêu trong cuộc xung đột?
Sự không thống nhất về các mục tiêu của phương Tây đã được bộc lộ vào tuần trước, khi Chánh văn phòng Tổng thư ký NATO Stian Jenssen cho rằng liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu có khả năng cung cấp cho Ukraine một thỏa thuận, theo đó, nước này “sẽ từ bỏ lãnh thổ, song đổi lại được trở thành thành viên của NATO”. Theo ông Jenssen, một ý tưởng như vậy đã được thảo luận trong NATO như một “giải pháp khả thi” cho cuộc xung đột.
Ukraine đã nổi giận trước đề xuất này, khẳng định bất cứ ý tưởng nào về việc Ukraine từ bỏ một phần lãnh thổ để được kết nạp vào NATO là “không thể chấp nhận được”. Ông Jenssen sau đó đã xin lỗi vì gợi ý Ukraine nhượng lãnh thổ, nêu lại quan điểm của phương Tây rằng chỉ Ukraine mới có thể xác định các điều kiện đạt giải pháp hòa bình có thể chấp nhận được.
Trong khi đó, nhiều quan chức phương Tây cho rằng Mỹ và các đồng minh có thể sẽ không để Ukraine tự xác định các mục tiêu trong cuộc xung đột. Họ lo ngại rằng những mục tiêu của Ukraine có thể khiến xung đột kéo dài.
Ukraine đang tiến hành cuộc phản công nhằm giành lại những vùng lãnh thổ hiện do Nga kiểm soát. Cố vấn của Tổng thống Ukraine, ông Igor Zhovkva cho biết “mục tiêu cuối cùng của chiến dịch phản công là giành lại tất cả các vùng lãnh thổ, bao gồm cả Crimea”.
Theo nhà phân tích quân sự Alexander Pylaev, có thể nhìn thấy những mục tiêu mới mà Nga đang phải đối mặt vào lúc này, khi cuộc xung đột đã kéo dài 18 tháng. Ông Pylaev cho rằng một trong những mục tiêu này là nhu cầu đàm phán với phương Tây.
Tuần trước, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cho rằng Nga đã đạt được mục tiêu chính trong chiến dịch quân sự ở Ukraine sau một năm rưỡi.
“Đến nay, Nga đã đạt được các mục tiêu của chiến dịch quân sự ở Ukraine. Ukraine sẽ khác. Giới lãnh đạo Ukraine sẽ phải thận trọng, khôn khéo hơn”, ông Lukashenko cho biết.