Nguyễn Thị Ngọc Phượng - Người phụ nữ dành cuộc đời cho những khám phá chấn động

Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng là một trong 5 người vừa được Quỹ Giải thưởng Ramon Magsaysay năm 2024 vinh danh trong sự kiện trực tuyến toàn cầu. Hành trình hơn nửa thế kỷ của bà là cuộc chiến không mệt mỏi vì công lý cho nạn nhân da cam Việt Nam.

Mỗi người khi lựa chọn một hướng đi trong cuộc đời đều có những cơ duyên đặc biệt, và câu chuyện của họ luôn chứa đựng những điều thú vị, cảm động. Đối với Giáo sư, bác sĩ (GS.BS) Nguyễn Thị Ngọc Phượng, hành trình của bà không chỉ khởi đầu có cơ duyên mà còn cả ý chí tiên phong của một nhà khoa học nữ.

Ngược thời gian, trở về năm 1966, khi bà 23 tuổi đang là thực tập sinh bác sĩ nội trú tại bệnh viện Từ Dũ, TP.HCM. Trong một lần giúp một sản phụ “vượt cạn”, bà đỡ ra một đứa bé vô sọ. Do thiếu kinh nghiệm cộng với sự hoảng sợ, bà đã thốt lên “Trời ơi, đứa bé vô sọ!”, sản phụ thấy vậy chồm người lên để xem con mình, rồi thảng thốt hét lớn: “Trời ơi, tôi sinh ra một con khỉ!”.

Nhắc lại về trải nghiệm đó, GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng vẫn còn nhớ mãi cảm giác hoảng sợ, hoang mang. "Từ ngày đó, sản phụ ấy đã khóc rất nhiều, hoảng sợ và vật vờ trong suốt thời gian theo dõi tại bệnh viện. Tôi cũng vô cùng ân hận về hành động của mình, sau đó tôi cũng bị các giáo sư la rầy vì đã để cho người mẹ bị sốc trong lúc con của cô vừa lọt lòng. Sau trường hợp đó, một vài lần khác tôi cũng gặp thêm ca trẻ bị dị tật tương tự. Nhiều lần như vậy tôi bắt đầu bị chấn thương tâm lý và trăn trở với câu hỏi tại sao".

Sau lần đó, bà xin bệnh viện giữ lại các thai nhi bị dị tật để dần nghiên cứu, tìm hiểu nguyên nhân. Năm 1976, các cựu chiến binh Mỹ quay trở lại Việt Nam, ghé thăm bệnh viện Từ Dũ, họ đặt vấn đề về tình trạng quái thai, dị tật, ung thư… ở bệnh viện. Lúc bấy giờ bà cũng chưa hiểu tại sao họ lại hỏi như vậy.

 BS Phượng đọc tài liệu về kiến thức sản phụ khoa. Ảnh: NGUYỆT NHI

BS Phượng đọc tài liệu về kiến thức sản phụ khoa. Ảnh: NGUYỆT NHI

Đi tìm câu trả lời trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, bà bắt tay từ những tài liệu lưu giữ tại bệnh viện Từ Dũ, cùng các nghiên cứu của các bác sĩ đi trước ở những trường y khoa về vấn đề này.

"Tôi nhận ra rằng trước năm 1960, tỷ lệ trẻ em khuyết tật chưa nhiều, từ năm 1969 trở đi thì tỷ lệ này tăng lên đáng kể. Cùng thời điểm đó, rất may, tôi được một người bạn ở bệnh viện Chợ Rẫy giới thiệu cho một cuốn sách do Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ xuất bản năm 1974 nói về việc từ năm 1961, Mỹ rải chất độc hóa học ở Việt Nam, từ năm 1965, Mỹ rải chất độc da cam với số lượng lớn. Khi so lại với kết quả thống kê về trẻ khuyết tật, tôi nhận thấy rằng dường như những trường hợp quái thai ở Việt Nam có liên quan đến hóa chất do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh tại Việt Nam. Do đó, tôi đã báo cáo ngay việc này cho bệnh viện Từ Dũ và UBND TP.HCM" – Bác sĩ Phượng nói.

 GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng chia sẻ về hành trình tìm công lý cho nạn nhân da cam

GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng chia sẻ về hành trình tìm công lý cho nạn nhân da cam

Để lý giải cho sự nghi ngờ này, năm 1982 bà xin phép bệnh viện đi cùng các sinh viên thực hiện một nghiên cứu ở xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre.

"Chúng tôi chọn xã Thạnh Phong, mảnh đất bom cày, đạn xới năm xưa từng bị rải nhiều chất độc hóa học làm điểm đến đầu tiên. Tại đây, chúng tôi đi từng nhà khảo sát số lượng con cái, năm sinh, số lần sảy thai, tình trạng trẻ mất ngay sau sinh hoặc chết lưu, và các trường hợp khuyết tật. Kết quả cho thấy, những người sống trong vùng bị rải chất độc da cam sinh ra con dị tật cao gấp 3 - 4 lần. Sau đó, chúng tôi tiếp tục đi Cà Mau, Cần Giờ… càng ngày kết quả khảo sát càng khẳng định những gì tôi nghi ngờ là đúng".

Năm 1983, bác sĩ Phượng đã cho công bố báo cáo này trên một tạp chí khoa học của Anh. Và cũng từ đó, bà bắt đầu quyết tâm theo đuổi việc nghiên cứu về sự ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin đối với người Việt Nam.

Năm 2004, Hội Nạn nhân Chất độc da cam/dioxin (VAVA) được thành lập. Trên cương vị Phó Chủ tịch, bà đã đóng góp rất nhiều trong việc đưa tiếng nói của các nạn nhân da cam ra thế giới, cũng như nỗ lực đấu tranh đòi công lý và lẽ phải cho họ.

Trước những nỗ lực của GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng và VAVA, con đường đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân da cam của Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng đã đạt được những kết quả ban đầu.

Ngày 15-5-2008, Hạ viện Mỹ đã phải mở phiên điều trần với chủ đề: “Trách nhiệm bị lãng quên! Chúng ta phải làm gì cho các nạn nhân da cam?”. Tại phiên điều trần ấy, GS.BS. Nguyễn Thị Ngọc Phượng trở thành nhà khoa học đầu tiên của Việt Nam được mời vào Hạ viện Mỹ để trình bày về vấn đề này.

Tại phiên điều trần lần thứ ba, diễn ra vào ngày 15-7-2010, GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng đã kêu gọi Quốc hội Mỹ và các công ty hóa chất Mỹ có trách nhiệm bồi thường, hỗ trợ cho hơn 3 triệu nạn nhân da cam.

Tại phiên điều trần này, đại diện chính quyền Mỹ đã cho biết sẽ sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong việc cải tạo môi trường và khắc phục hậu quả do chất độc da cam/dioxin gây ra. Trước mắt, chương trình hành động giai đoạn 2010-2019 của Nhóm Đối thoại Việt-Mỹ về da cam/dioxin sẽ hỗ trợ 300 triệu USD (30 triệu USD/năm) để Việt Nam cải tạo các vùng đất bị ô nhiễm, tái phục hồi môi trường bị hủy hoại, và mở rộng dịch vụ giúp đỡ nạn nhân da cam

"Tôi thấy việc đi kiện rất chính đáng, rất đúng. Đó là trách nhiệm của chúng ta, ai cũng phải đi tìm công lý cho đồng bào" – Bs Phượng nói.

GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng là một trong năm người được Quỹ Giải thưởng Ramon Magsaysay năm 2024 vinh danh. Bà được vinh danh vì cống hiến cuộc đời mình để khám phá sự thật về chất độc da cam, tìm kiếm công lý cho các nạn nhân da cam, hỗ trợ những người bị ảnh hưởng thông qua nghiên cứu và làm việc với Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Lễ trao giải lần thứ 66 sẽ diễn ra vào ngày 16-11 tại Nhà hát Metropolitan ở Manila, Philippines.

Giải thưởng này không chỉ là sự công nhận về mặt cá nhân mà còn cho thấy những nỗ lực của bà trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống của các nạn nhân da cam, nâng cao nhận thức của cộng đồng quốc tế về nạn nhân chất độc da cam và thúc đẩy sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế.

“Nhìn lại chặng đường đã qua, tôi thấy việc mình làm hơn 50 năm, thấy trách nhiệm của mình, thấy các nạn nhân da cam, đồng bào của mình đau khổ, tôi tự hỏi mình đã làm được gì cho họ? Việc của tôi là cùng Hội, bạn bè đi ghi nhận, chứng minh rằng nạn nhân da cam chịu chất độc màu da cam là có thật, nỗi đau đó phải được thế giới công nhận và được bù đắp. Ngày hôm nay tôi được vinh danh nhưng nạn nhân da cam thì vẫn còn đau khổ…” – Bà Phượng khiêm tốn nói.

“Mọi người hỏi tôi rằng tôi vui không, tôi cũng vui nhưng niềm vui lớn nhất của tôi là các tổ chức quốc tế đang có sự quan tâm và công nhận đối với những nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam trong chiến tranh. Thật ra thì, cuộc đời tôi đã khóc rất nhiều lần vì chứng kiến nỗi đau của đồng bào, giờ già tôi đỡ khóc hơn…”.

Ngoài việc tiên phong đi tìm công lý cho nạn nhân da cam, người ta còn biết đến GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng là “bà tiên” mang phép màu đến cho các cặp vợ chồng hiếm muộn. Với tài năng, tâm huyết của mình, bà đã mang lại hy vọng và hạnh phúc cho hàng ngàn gia đình. Bà là người đặt nền móng cho kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm tại Việt Nam, mở ra một trang mới trong lĩnh vực y học sinh sản.

Năm 1993-1994, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng giảng dạy tại Đại học Nice, Pháp và học kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm. Quyết tâm đưa kỹ thuật này về Việt Nam, bà dành dụm tiền mua máy móc gửi về nước.

 GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng bên một em bé được thụ tinh bằng phương pháp IVF. Ảnh: NGUYỆT NHI

GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng bên một em bé được thụ tinh bằng phương pháp IVF. Ảnh: NGUYỆT NHI

Năm 1997, khi máy móc gần hoàn thiện, bà cùng đoàn chuyên gia Pháp tiến hành những ca thụ tinh ống nghiệm đầu tiên tại Việt Nam. Ngày kỷ niệm 23 năm thống nhất đất nước, ba em bé chào đời nhờ kỹ thuật này, mở ra hy vọng cho hàng ngàn cặp vợ chồng hiếm muộn. Từ đó, kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm tại Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu lớn với tỷ lệ thành công cao. Nhờ sự “mát tay” của bác sĩ Phượng, đã có nhiều đứa trẻ được sinh ra, nhiều gia đình được hưởng niềm vui.

Một buổi sáng tại Bệnh viện Mỹ Đức (nơi làm việc của BS Phượng), gia đình anh Trần Thanh Sơn và chị Võ Thị Ngọc Hân (ngụ quận Ninh Kiều, Cần Thơ) vỡ òa trong niềm hạnh phúc khi được đón đứa con gái bé bỏng chào đời. Trong ngày gặp lại bác sĩ Phượng, chị Ngọc Hân xúc động nói: “Nếu không có bác sĩ Phượng, chắc giờ này vợ chồng con vẫn chưa được làm ba mẹ”.

Cưới nhau 13 năm, chị Hân bị buồng trứng đa nang dẫn đến hiếm muộn. Vất vả chữa bệnh ở nhiều nơi nhưng không thành, khi người quen giới thiệu, chị tìm đến bệnh viện mà bác sĩ Phượng đang làm việc để tìm kiếm hy vọng.

“May mắn lớn của cuộc đời tôi là được gặp được bác sĩ Phượng. Vợ chồng tôi đã nghe nhiều, biết nhiều về cô, nhưng không ngờ có một ngày lại được cô trực tiếp điều trị cho mình. Quá trình điều trị bệnh cho tôi, bác sĩ rất ân cần, động viên vợ chồng tôi cố gắng trong hành trình này.” – Chị Hân chia sẻ.

 Niềm vui lớn mỗi ngày của BS Phượng là đến bệnh viện làm việc, gặp gỡ các y bác sĩ, nhân viên y tế để trao đổi về chuyên môn, nghiệp vụ. Ảnh: NGUYỆT NHI

Niềm vui lớn mỗi ngày của BS Phượng là đến bệnh viện làm việc, gặp gỡ các y bác sĩ, nhân viên y tế để trao đổi về chuyên môn, nghiệp vụ. Ảnh: NGUYỆT NHI

Bên cạnh kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm, bà còn có hoạt động thiết thực khác đóng góp rất lớn cho việc chăm sóc sức khỏe sinh sản của phụ nữ. Trong đó phải kể đến “Dự án cô đỡ thôn bản”. Đây là dự án nhằm đào tạo người bản địa làm cô đỡ để chăm sóc phụ nữ mang thai và sinh con ở vùng sâu, vùng xa. Những cô đỡ này hiểu phong tục địa phương, hướng dẫn phụ nữ đến khám thai và sinh tại trạm y tế xã, hoặc đỡ đẻ tại nhà an toàn với dụng cụ vô khuẩn. Dự án đã giảm tỷ lệ tử vong và tai biến sản khoa cho bà mẹ, trẻ sơ sinh ở các khu vực này.

 Giáo sư Nguyễn Thị Ngọc Phượng trong hoạt động thiện nguyện, hỗ trợ bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: NVCC

Giáo sư Nguyễn Thị Ngọc Phượng trong hoạt động thiện nguyện, hỗ trợ bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: NVCC

Dù đã về hưu, BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng vẫn tiếp tục đi làm. Hiện tại, mỗi sáng bà đều ngồi tại phòng khám. Trong tuần, nơi nào có trường hợp khó, cần hội chẩn, bà đều tới thảo luận và cho ý kiến.

Ở tuổi 80 tuổi, niềm vui lớn mỗi ngày của bà là đến bệnh viện làm việc, gặp gỡ các y bác sĩ, nhân viên y tế để trao đổi về chuyên môn, nghiệp vụ.

“50 năm làm việc trong ngành y, tôi nghĩ mình cần nói lại cho các bác sĩ trẻ, thế hệ sau về kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn, vì nếu không đó sẽ là một sự lãng phí. Tôi mong muốn các thế hệ sau hiểu, cảm thông và giúp đỡ những nạn nhân bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam.” - Bà nói.

NGUYỆT NHI

Nguồn PLO: https://plo.vn/nguyen-thi-ngoc-phuong-nguoi-phu-nu-danh-cuoc-doi-cho-nhung-kham-pha-chan-dong-post815737.html