Nguyễn Vũ Phan - một đời tâm huyết với văn hóa xứ Tuyên

Năm 2019, Tiến sỹ Nhân học Nguyễn Vũ Phan, nguyên Quyền Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tròn 60 tuổi đời và gần 40 năm tuổi nghề. Nghỉ hưu nhưng ông vẫn theo guồng quay công việc, tiếp tục miệt mài nghiên cứu văn hóa dân gian xứ Tuyên. Đây là lĩnh vực gần như gắn bó nhiều với cuộc đời làm văn hóa của ông.

Tiến sỹ Nhân học Nguyễn Vũ Phan

Tiến sỹ Nhân học Nguyễn Vũ Phan

Cầm trên tay chén chè nóng, vẫn giọng hóm hỉnh quen thuộc, ông trút bầu tâm sự: “Tớ hay trả lời phỏng vấn của các nhà báo về công việc chung của ngành, nhưng để viết riêng về mình như này thì quả thực "hơi ngại”.

Quê ông ở Đoan Hùng, Phú Thọ. Nhà có 8 anh chị em, học hết lớp 8 thì bố mất sớm, ông đành nghỉ học phụ giúp mẹ nuôi các em. Năm 1973, gia đình ông chuyển lên tổ 4, Hưng Thành, TP Tuyên Quang sinh sống. Điểm khởi đầu cho nhiệt huyết của tuổi trẻ đó là ông được bầu giữ chức Bí thư Chi đoàn thôn Bình Thuận, Ủy viên BCH Đoàn xã Hưng Thành ngày đó. Năm 1977, ông vào học sửa chữa ô tô thuộc Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng tại Sóc Sơn, Hà Nội. Do có năng khiếu văn nghệ, sau khi tốt nghiệp ông được nhà trường giữ lại làm nòng cốt cho phong trào văn nghệ của đơn vị và được kết nạp Đảng. Ông được cơ quan tạo điều kiện đi tập huấn sử dụng bộ gõ trong ban nhạc tại Liên đoàn xiếc Việt Nam.

Năm 1983, Nguyễn Vũ Phan chuyển ngành về làm văn phòng Ty Lâm nghiệp Hà Tuyên. Cùng năm đó, Ty Lâm nghiệp “đăng cai” tổ chức Liên hoan Tiếng hát về rừng toàn quốc. Phó Ty lúc đó là ông Trần Phùng và Nhạc sỹ Lê Việt Hòa trực tiếp tuyển chọn diễn viên hát song ca bài “Tâm tình cô gái Na Hang”. Cuối cùng, Nhạc sỹ chọn được Nguyễn Vũ Phan và cô giáo Lan Phương ở Sơn Dương thể hiện bài hát. Tiết mục biểu diễn được ban tổ chức đánh giá cao. Nhạc sỹ Lê Việt Hòa đã ghi vào quyển sổ lưu bút cho Nguyễn Vũ Phan “Hai đứa thể hiện tốt bài hát, chúc hạnh phúc”. Không ngờ “lời chúc” của Nhạc sỹ thành sự thật, cô giáo Lan Phương đã trở thành vợ của ông, cùng ông đi những chặng đường tiếp theo. Sau bà Lan Phương công tác tại Trường Cao đẳng Sư phạm Tuyên Quang, nay là Đại học Tân Trào và giờ cũng đã nghỉ hưu.

Ông Nguyễn Vũ Phan có nhiều đóng góp đưa Lễ hội Thành Tuyên trở thành lễ hội cấp tỉnh.

Ông Nguyễn Vũ Phan có nhiều đóng góp đưa Lễ hội Thành Tuyên trở thành lễ hội cấp tỉnh.

Một bước ngoặt nữa đối với ông, năm 1985 tỉnh điều ông sang làm Phó phòng Nghiệp vụ Nhà Văn hóa Trung tâm tỉnh... rồi bổ nhiệm Giám đốc. Thời gian này, ông học thêm văn bằng tại chức Khoa Văn hóa quần chúng, Đại học Văn hóa Hà Nội. Ông đã cùng anh em trong cơ quan thường hướng về cơ sở tuyên truyền, biểu diễn. Đồng thời, tham gia các liên hoan, hội diễn văn nghệ quần chúng khu vực, toàn quốc giành nhiều huy chương vàng, bạc, cá nhân và tập thể. Bên cạnh đó, ông tích cực viết kịch bản sân khấu ngắn, tiểu phẩm phục vụ cho nhiệm vụ chính trị. Đến nay, ông có khoảng trên 200 tác phẩm chưa in thành sách.

Tâm huyết với văn hóa, giai đoạn 1997-2001, Nguyễn Vũ Phan học thạc sỹ chuyên ngành Văn hóa dân gian tại Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian và bảo vệ đề tài “Lễ cấp sắc của người Dao đỏ ở bản Phia Chang, xã Sơn Phú, Na Hang”.

Với năng lực và những nỗ lực không mệt mỏi, năm 2011 ông được bổ nhiệm giữ chức Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, kiêm Giám đốc Trung tâm Văn hóa và Triển lãm tỉnh. Ông tiếp tục học nghiên cứu sinh, bảo vệ thành công Luận án Tiến sỹ “Lễ cấp sắc của người Dao tỉnh Tuyên Quang” tại Viện Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam. Năm 2017 ông được bổ nhiệm Quyền Giám đốc Sở và nghỉ hưu tháng 3-2019.

Lễ hội Lồng tông Lâm Bình.

Lễ hội Lồng tông Lâm Bình.

Trong suốt thời gian công tác, ông Nguyễn Vũ Phan đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng, đóng góp cho sự phát triển văn hóa, du lịch của tỉnh. Đó là tập trung khôi phục lại các lễ hội truyền thống như: Lễ hội Lồng tông Chiêm Hóa; Lễ hội Thượng Lâm, Lăng Can (Lâm Bình); Lễ hội Thành Tuyên, rước Mẫu, chùa Hang (TP Tuyên Quang). Đóng góp hoàn thành hồ sơ Di sản Then Tày-Nùng-Thái trình UNESCO; góp phần đưa Tân Trào, Kim Bình, Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang-Lâm Bình trở thành Di tích Quốc gia đặc biệt và danh thắng Quốc gia đặc biệt. Nhiều sự kiện văn hóa lớn của tỉnh do ông chỉ đạo, dàn dựng đã để lại dấu ấn trong lòng khán giả và du khách.

Hiện ông là hội viên Hội Sân khấu Việt Nam, hội viên Hội Văn hóa - Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh. Ông đã giành Giải thưởng Tân Trào đợt 1 với chùm 5 tác phẩm kịch ngắn, kịch vui. Nghỉ hưu ông vẫn tràn đầy năng lượng và đang tiếp tục có những đóng góp cho văn hóa xứ Tuyên, bởi theo ông, “Xứ Tuyên như một người tình còn tiềm ẩn rất nhiều vẻ đẹp cần được khám phá...”

Bài, ảnh: Quang Hòa

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/van-hoa/nguyen-vu-phan-mot-doi-tam-huyet-voi-van-hoa-xu-tuyen-123774.html