'Nhà ảo thuật trên cầu bộ hành' và hành trình tìm kiếm ý nghĩa giữa nhịp sống đô thị
Cuốn sách phản ánh những trăn trở và khám phá của Ngô Minh Ích về sự cô đơn, nỗi trăn trở của con người trong xã hội hiện đại và hành trình tìm kiếm ý nghĩa giữa nhịp sống đô thị.
Văn học Đài Loan đương đại là một dòng chảy đặc biệt trên văn đàn châu Á, phản ánh rõ nét các chuyển động văn hóa, chính trị và xã hội của hòn đảo này. Xuất hiện khá muộn màng, tuy nhiên văn học Đài Loan ngay từ lúc bắt đầu đã nổi lên với nhiều chủ đề đa dạng, từ cuộc đấu tranh bản sắc đến những tác động của hiện đại hóa và môi trường tự nhiên, tạo nên tiếng nói độc lập và đầy bản sắc.
Ngô Minh Ích (Wu Ming-Yi) được xem là nhà văn xuất sắc nhất trong thế hệ của anh. Anh là một nghệ sĩ đa tài với vai trò nhà thiết kế, nhiếp ảnh gia, nhà sưu tập bướm, nhà hoạt động môi trường và hiện đang là giáo sư khoa Văn học Hoa ngữ tại Đại học Quốc lập Đông Hoa, Đài Loan. Với phong cách văn chương độc đáo kết hợp giữa hiện thực và kỳ ảo, Ngô Minh Ích đã đưa những tác phẩm của mình vượt khỏi biên giới Đài Loan...
Nhà ảo thuật trên cầu bộ hành phản ánh những trăn trở và khám phá của Ngô Minh Ích về sự cô đơn, nỗi trăn trở của con người trong xã hội hiện đại và hành trình tìm kiếm ý nghĩa giữa nhịp sống đô thị.
Tác phẩm Nhà ảo thuật trên cầu bộ hành được xuất bản năm 2011 và là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của Ngô Minh Ích. Tuyển tập gồm 10 truyện ngắn lấy bối cảnh khu chợ Trung Hoa ở Đài Bắc vào thập niên 1970 – thời kỳ đất nước đang chuyển mình, cuộc sống nơi khu chợ vẫn còn phảng phất sự nghèo khó nhưng đầy tình người. Nhà ảo thuật trên cầu bộ hành trở thành hình ảnh trung tâm, gắn kết những câu chuyện của các nhân vật với nhau bằng sự bí ẩn và phép màu.
Khu chợ này gồm tám tòa nhà, lần lượt mang tên Trung, Hiếu, Nhân, Ái, Tín, Nghĩa, Hòa, Bình, tạo thành một thế giới nhỏ nơi lũ trẻ sinh sống và trưởng thành. Những đứa trẻ nơi đây, với những ước mơ, nỗi sợ, sự tò mò và niềm hy vọng, được khắc họa sinh động qua lăng kính hoài niệm của tác giả. Cậu bé tiệm giày say mê học trò ảo thuật, thằng Mark ở tiệm kim khí biệt tích ba tháng rồi trở về đầy ly kỳ, cô nàng Theresa con gái thầy bói sở hữu chú cá vàng kỳ lạ – mỗi nhân vật có câu chuyện riêng, nhưng tất cả đều có chung niềm khát khao cứu rỗi hiện tại, thay đổi cuộc đời bằng một phép màu nào đó.
Ngô Minh Ích tái hiện lại một khu chợ Đài Bắc đã qua, không chỉ bằng sự chân thật của ký ức, mà còn bằng cảm xúc man mác và ấm áp. Tác phẩm là hành trình tìm lại một thời thơ ấu mà bất kỳ ai đã đi qua đều muốn quay về, nơi có những phép màu giản dị ẩn giấu giữa những buồn vui thường nhật.
Năm 2021, Nhà ảo thuật trên cầu bộ hành được chuyển thể thành phim truyền hình 10 tập do đạo diễn Dương Nhã Triết thực hiện. Được biết đến với những thành tựu lớn trong làng phim ảnh Đài Loan, Dương Nhã Triết đã mang lại cho bộ phim sức sống mới với những hình ảnh chân thực và giàu cảm xúc, truyền tải thành công tinh thần và sự sâu sắc của nguyên tác.
Phương Thu
Nhân dịp ra mắt tác phẩm Nhà ảo thuật trên cầu bộ hành, Nhã Nam kết hợp cùng khoa Văn học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP.HCM, tổ chức buổi tọa đàm giới thiệu cuốn sách này, đồng thời cùng thảo luận về bức tranh văn học Đài Loan hiện đại.
Các khách mời tham gia sự kiện, gồm: PGS-TS. Lê Quang Trường - Trưởng khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM; TS. Phan Thu Vân - Phó Trưởng khoa Ngữ văn, trường Đại học Sư phạm TP.HCM; ThS. Nguyễn Hồng Anh - giảng viên Văn học nước ngoài, trường Đại học Sư phạm TP.HCM.
Thời gian: 9g30 - 11g30 ngày 2.11.2024
Địa điểm: Phòng D.201-202 | Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM (Số 10-12 Đinh Tiên Hoàng, Phường Bến Nghé, Quận 1).