Nhà báo Lý Văn Sáu - sức hút của một nhân cách, một tài năng
'Tọa đàm và Trưng bày chuyên đề: Nhà báo, nhà ngoại giao Lý Văn Sáu: Một tấm lòng son sắt' - sẽ tổ chức vào 1/11 tới đây, là sự kiện mở đầu của chuỗi sự kiện Chân dung nhà báo tiêu biểu hướng đến 100 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam và chào mừng 75 năm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21/4/1950 – 21/4/2025) mà Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã, đang thực hiện. Sự kiện cũng được diễn ra vào chính thời điểm kỷ niệm sinh nhật lần thứ 100 của cố Nhà báo Lý Văn Sáu (5/11/1924 – 5/11/2024) - một người cầm bút tận tụy, một tấm lòng son sắt với Đảng, với Dân, một người làm báo có nhiều cống hiến cho sự nghiệp Báo chí Cách mạng.
1. Tổ chức tọa đàm và trưng bày chuyên đề về cuộc đời và sự nghiệp của những nhà báo lão thành, những nhà báo tiêu biểu có nhiều cống hiến cho sự nghiệp Báo chí Cách mạng Việt Nam luôn được Bảo tàng Báo chí Việt Nam - Hội Nhà báo Việt Nam quan tâm, đầu tư triển khai nhiều năm nay. Đối với sự kiện lần này, nhà báo Trần Kim Hoa - Phụ trách Bảo tàng Báo chí Việt Nam cho biết:
“Nhà báo Lý Văn Sáu đã có những cống hiến to lớn trong hoạt động báo chí và ngoại giao, góp phần quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng đất nước. Sinh thời, ông đã dành trọn những năm tháng đẹp nhất của cuộc đời mình để phấn đấu cho lý tưởng cách mạng, cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc và dựng xây đất nước. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, khi mới 22 tuổi ông vừa làm chủ bút Báo Thắng (tiền thân của báo Khánh Hòa ngày nay) vừa làm một tờ báo tiếng Pháp phục vụ công tác địch vận; góp phần gây dựng Đài Tiếng nói Nam Bộ và Đài Tiếng nói Miền Nam ngay từ thời kỳ đầu, trở thành người phát ngôn xuất sắc của phái đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam tại Paris những năm 1968 - 1973.
Đất nước thống nhất, ông gắn bó với công tác quản lý báo chí, với hoạt động nghề nghiệp của Hội Nhà báo Việt Nam và để lại nhiều dấu ấn quan trọng trên mặt trận chính trị - ngoại giao phục vụ sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và phát triển ngành phát thanh - truyền hình và Thông tấn Việt Nam… Thông qua trưng bày hình ảnh, hiện vật liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Nhà báo - Nhà ngoại giao Lý Văn Sáu, chắc chắn cuộc tọa đàm sẽ thu nhận được nhiều ý kiến giá trị của các đại biểu, làm rõ hơn những đóng góp nổi bật của nhà báo- nhà ngoại giao Lý Văn Sáu đối với sự nghiệp Báo chí Cách mạng Việt Nam trong các thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước”.
Phải nói rằng, đối với các cán bộ Bảo tàng Báo chí Việt Nam, tên tuổi của nhà báo Lý Văn Sáu gắn với tờ báo Thắng và Hội nghị Paris thực sự đã rất gây ấn tượng với họ từ nhiều năm nay. Vài năm trước, nhà báo Việt Tùng đã tặng Bảo tàng bộ phim tài liệu về báo Thắng và vị chủ bút Lý Văn Sáu thì trong họ đã nhen nhóm mong muốn được làm gì đó để tôn vinh ông khi có cơ hội.
Khi gặp được gia đình nhà báo Lý Văn Sáu và nhận được sự ủng hộ của những người thân của ông, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã chính thức đề xuất tổ chức sự kiện này, lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, các cơ quan, đơn vị nơi ông từng công tác đều rất quan tâm, khích lệ. “Rất ngẫu nhiên nhưng lại thành một cơ hội cực kỳ thuận lợi mà nhiều khi chuẩn bị sẵn từ nhiều năm cũng không được vậy, chúng tôi đã bắt tay vào nghiên cứu và lên kịch bản trưng bày, xây dựng nội dung tọa đàm cho sự kiện “trăm năm có một” này trong vòng hơn một tháng để kịp khai mạc đúng thời điểm kỉ niệm 100 năm ngày sinh của ông” – nhà báo Trần Kim Hoa chia sẻ.
2. Sự đặc biệt của sự kiện lần này chính là sức hút mạnh mẽ của nhân cách, tài năng hội tụ ở một nhà báo lớn, nhà ngoại giao lỗi lạc. Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh sẽ đăng đàn phát biểu chào mừng. Các nhà báo tham gia điều hành phiên thảo luận như Phó Chủ tịch thường trực Hội Nguyễn Đức Lợi, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Vũ Việt Trang, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm, Chủ tịch Hội đồng Lý luận VHNT Trung ương Nguyễn Thế Kỷ đều rất tâm huyết…
Sự kiện có có sự tham dự của nhiều đại biểu ở mọi vùng miền, ở nhiều lĩnh vực cả báo chí, ngoại giao, quân đội…, đặc biệt là sự có mặt của các nhà báo lão thành như Hà Đăng, Hồng Vinh, nhiều đồng chí lãnh đạo các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương cùng rất nhiều đại sứ, nhà ngoại giao nổi tiếng. “Cuộc tọa đàm và trưng bày chuyên đề về cụ Lý Văn Sáu dự kiến là cuộc hội tụ lớn với nhiều tên tuổi, nhiều khách mời quan trọng. Đây là cơ hội tuyệt vời để chúng ta có thêm những hiểu biết, những tư liệu vàng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tôn vinh một thế hệ nhà báo tiêu biểu, có nhiều cống hiến cho sự nghiệp Báo chí Cách mạng Việt Nam!” – nhà báo Trần Kim Hoa nói thêm.
Được biết, với sự hỗ trợ hết lòng của gia đình nhà báo Lý Văn Sáu, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã được cung cấp nhiều tư liệu và hiện vật quý giá, giúp quá trình chuẩn bị sự kiện thêm phần tự tin và hiệu quả.
Những hình ảnh sinh động, gần gũi về nhà báo, nhà ngoại giao Lý Văn Sáu trong thước phim ngắn được trình chiếu tại sự kiện do chính người cháu ruột của ông thực hiện với một tình cảm biết ơn, kính trọng sâu sắc chắc chắn sẽ ghi những dấu ấn xúc động trong lòng người tham dự.
Có thể nói, Lý Văn Sáu trong suốt cuộc đời mình đã có những cơ hội để phấn đấu và trưởng thành trong nhiều lĩnh vực báo chí (báo in, báo nói, báo hình, báo chí thông tấn), đồng thời đã có được những thành công xuất sắc trên phương diện ngoại giao.
Nhà báo lão thành Hà Đăng từng xúc động chia sẻ: “Anh Lý Văn Sáu sống mãi trong lòng chúng tôi, một người đồng chí, người bạn chí tình và là chiến sĩ vô cùng năng động, sáng tạo trên mặt trận tuyên truyền - báo chí và mặt trận ngoại giao”.
3. Chia sẻ thêm về những dự định thời gian tới trong chuỗi sự kiện hướng đến kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, nhà báo Trần Kim Hoa cho biết, sau sự kiện ý nghĩa này, Bảo tàng đang nỗ lực thực hiện bộ phim chân dung về nhà báo Kim Toàn, một trong những nhà báo miền Bắc vượt Trường Sơn vào làm báo tại chiến trường miền Nam, vừa cầm súng, vừa cầm bút, có nhiều đóng góp quan trọng trong cả thời chiến và thời bình.
Bảo tàng cũng mong muốn sẽ thực hiện được bộ phim về gia đình nhà báo Nguyễn Hồ (nguyên là Giám đốc Hãng phim của Đài truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh) - Minh Hiền (nguyên Tổng biên tập báo Doanh nhân Sài Gòn). Hai người làm báo trong rừng những năm chiến tranh chống Mỹ, sau giải phóng tiếp tục làm báo và là những gương mặt nhà báo bút sắc, lòng trong tiêu biểu thời đổi mới… “Nhà báo - chiến sĩ” chính là mảng đề tài mà hiện Bảo tàng Báo chí Việt Nam đang ấp ủ, thai nghén, gắn với những lát cắt của lịch sử Báo chí Cách mạng Việt Nam, với những thế hệ làm báo xưa và nay.
Tiến tới 100 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam, 75 năm thành lập Hội, những tháng đầu năm 2025 tới đây có thể sẽ là thời điểm Bảo tàng Báo chí Việt Nam sẽ phải chạy đua và bứt tốc để thực hiện đồng thời nhiều kế hoạch: Tham gia Hội báo Xuân ở một số địa phương với mạch “tôn vinh và tự hào” ở Hưng Yên, Quảng Trị, Quảng Bình …