Nhà đầu tư tiếp tục 'nướng tiền' vào lĩnh vực gọi xe
TADA - ứng dụng được giới thiệu là dịch vụ gọi xe không thu phí hoa hồng tài xế ở Việt Nam gần đây đã nhận vốn từ ngân hàng Shinhan Hàn Quốc trong vòng gọi vốn Series A mở rộng.
Dù xuất hiện tại Việt Nam chưa đầy 5 năm, nhưng lĩnh vực gọi xe đã phát triển nhanh chóng, hiện đạt quy mô lên tới 1,1 tỷ USD. Giai đoạn 2015 - 2019, trung bình mỗi năm thị trường gọi xe ở Việt Nam tăng trưởng 57% - cao nhất ở Đông Nam Á.
Tới năm 2025, dự báo sân chơi này sẽ đạt ngưỡng 4 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng 38%/năm. Điều này giải thích tại sao, Việt Nam liên tục thu hút đầu tư của các ông lớn quốc tế, lẫn trong nước như Grab, Go-Viet, FastGo hay Be...
Tính sơ bộ, hiện có hơn 10 ứng dụng gọi xe đã và đang hoạt động tại Việt Nam gồm: vận tải hành khách, giao hàng, giao đồ ăn... Trong năm 2020 này, sẽ có thêm 2 hãng gọi xe nội tham chiến thị trường tỉ USD là: Unicar và Zuumviet.
Gần đây nhất, TADA - ứng dụng được giới thiệu là dịch vụ gọi xe không thu phí hoa hồng tài xế ở Việt Nam đã nhận vốn từ ngân hàng Shinhan Hàn Quốc trong vòng gọi vốn Series A mở rộng.
Shinhan Bank là một phần của Shinhan Financial Group và là một trong những ngân hàng thương mại lớn nhất Hàn Quốc. Như vậy, với lần gọi vốn mở rộng này, MVL Technology (MVL), công ty mẹ của TADA đã gọi được tổng cộng gần 10 triệu USD.
Nhà sáng lập TADA Global - Kay Woo cho biết, ứng dụng vận hành trên nền tảng công nghệ chuỗi khối (Blockchain) do công ty nghiên cứu và phát triển. Doanh thu sẽ đến từ các đối tác B2B trong hệ sinh thái gồm taxi truyền thống, bảo hiểm, dịch vụ sửa chữa, kinh doanh xe... và kiếm tiền từ các đối tác này bên cạnh việc bán quảng cáo.
Tại Việt Nam, TADA xuất hiện lần đầu ở TP. HCM vào tháng 1/2019. Ban đầu, TADA chỉ cung cấp dịch vụ gọi xe công nghệ 4 bánh. Tuy nhiên gần đây, công ty đã mở thêm dịch vụ gọi xe 2 bánh và giao hàng.
Theo báo cáo gần nhất của ABI Research, Grab hiện đứng đầu thị trường Việt Nam về số lượng cuốc xe hoàn thành. Theo đó, nửa đầu năm 2018, nền tảng này hoàn thành hơn 146 triệu cuốc xe, gấp gần 5 lần so với đối thủ thứ hai là Be (hơn 31 triệu cuốc).
Cũng theo số liệu này, Go-Viet đã hoàn thành gần 21 triệu cuốc xe, còn FastGo là gần 2,4 triệu cuốc, lần lượt đứng thứ 3 và thứ 4 tại thị trường gọi xe Việt Nam. Các ứng dụng gọi xe khác chỉ chiếm tổng cộng hơn 200 ngàn cuốc.
Trước đó, Bộ GTVT đã có quyết định dừng kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (như Grab, FastGo,...) từ ngày 1/4/2020.
Cụ thể, Bộ GTVT nhấn mạnh và tập trung vào việc yêu cầu các đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải chủ động lựa chọn hình thức kinh doanh đảm bảo thực hiện đúng quy định tại Điều 35 của Nghị định 10/2020/NĐ-CP.