Nhà hàng, khách sạn 'ngấm đòn' dịch Covid-19
Do ảnh hưởng của dịch Covid - 19 nên lượng khách đến các nhà hàng, khách sạn giảm mạnh.
Đìu hiu quán nhậu
Khu phố ẩm thực nằm trên đường Tuệ Tĩnh (TP Hải Dương) vốn tấp nập bất kể ngày nào trong tuần thì nay trở nên im ắng. Thông tin liên tiếp về Covid-19 khiến người dân lo ngại nên hạn chế tập trung ăn uống đông người.
Anh Nguyễn Văn Hiếu, nhân viên nhà hàng Chính Béo cho biết: "Thời điểm này năm ngoái, mỗi ngày quán có gần 40 mâm khách. Nhưng nay do dịch bệnh, cũng như Nghị định 100 nên lượng khách giảm mạnh. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ rất khó duy trì hoạt động".
Mặc dù đã chuẩn bị nước rửa tay, cồn sát khuẩn cho thực khách nhưng từ giữa tháng 1 đến nay, lượng khách đến nhà hàng Đồng Thanh, đường Hồng Quang (TP Hải Dương) giảm đến 70%. Đây là địa chỉ quen thuộc của nhiều khách nước ngoài, đặc biệt là khách Trung Quốc và Hàn Quốc. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, lượng khách đến giảm sâu.
Trước đây, mỗi ngày quán đón đến vài trăm lượt khách thì giờ đây chỉ có hơn chục lượt. Khách Trung Quốc và Hàn Quốc hầu như không còn. Do có một số khách quen nên quán vẫn hoạt động cầm chừng. Tuy nhiên, chi phí duy trì hoạt động lớn nên chủ quán tính đến phương án giảm lương của nhân viên để duy trì hoạt động.
Để chủ động phòng chống dịch, nhiều nhà hàng, khách sạn đã thực hiện nghiêm chỉnh việc tiêu độc khử trùng, tuyên truyền biện pháp phòng chống Covid-19 cho khách hàng... nhưng lượng khách vẫn giảm mạnh. Tại một số nhà hàng Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc trên đường Thanh Niên thì lượng khách hiện nay chủ yếu là người Việt. Khách Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản hầu như không còn lui tới dẫn đến doanh thu sụt giảm nghiêm trọng. Một số nhà hàng đã giảm nhân viên để giảm chi phí.
Đại diện nhà hàng Nam Việt chia sẻ cũng giống như nhiều nhà hàng khác, từ khi có Nghị định 100, lượng khách hàng giảm khá mạnh. Sau Tết, lại có thêm dịch Covid-19 đã tác động nhiều tới hoạt động kinh doanh. Mặc dù có ảnh hưởng bởi dịch nhưng do khách hàng chủ yếu là các gia đình và khách quen nên nhà hàng vẫn duy trì hoạt động. Ngoài ra, Nam Việt còn ship hàng tận nhà nếu khách có nhu cầu.
Khách sạn phải bù lỗ
Thời điểm này, hầu hết các khách sạn lớn ở Hải Dương lượng khách đều giảm mạnh. Nhiều nơi đã từ chối nhận khách Trung Quốc. Do lo ngại lây nhiễm, nhiều khách Việt đã hủy tour. Chị Nguyễn Thị Hiên, phụ trách lễ tân một khách sạn trên đường Trường Chinh (TP Hải Dương) cho biết: "Tình hình dịch bệnh hiện nay làm ảnh hưởng lớn tới hoạt động kinh doanh. Lượng khách giảm khiến doanh thu sẽ giảm, làm đảo lộn kế hoạch kinh doanh bắt buộc chúng tôi phải đưa ra kế hoạch khác đó là cho nhân viên nghỉ bù luân phiên".
Nhiều chủ nhà hàng, khách sạn tại TP Chí Linh cho biết nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài họ buộc phải đóng cửa do thiệt hại kinh tế và không bảo đảm việc làm cho người lao động. Nhiều chủ khách sạn cho rằng lúc này lợi nhuận không phải mục tiêu hàng đầu mà an toàn là trên hết.
Trung tâm Tổ chức sự kiện Âu Cơ ở đường Nguyễn Hữu Cầu (TP Hải Dương) có 6 phòng tổ chức sự kiện và 20 phòng nghỉ khách sạn. Dịch Covid-19 đã khiến hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng lớn lớn. Hiện trung tâm chỉ chủ yếu phục vụ tiệc cưới. Khoảng 30 sự kiện đã đặt lịch tổ chức tại đây từ trước Tết bị hoãn. Lượng khách lưu trú giảm hơn 80%, đặc biệt không có khách nước ngoài đến.
Chị Nguyễn Thị Mai chủ một khách sạn trên đường An Định, phường Bình Hàn (TP Hải Dương) kinh doanh khách sạn hơn 10 năm nay và thường xuyên đón khách nước ngoài, chủ yếu người Hàn Quốc và Trung Quốc. Đến nay, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền về công tác phòng chống dịch Covid-19. Công tác quản lý, theo dõi khách nước ngoài lưu trú được khách sạn kiểm tra rất sát sao. Mặc dù vậy từ giữa tháng 2 đến nay khách sạn của chị Mai hầu như không có khách nước ngoài. Hiện khách sạn có từ 15-16 trong tổng số 20 phòng không có khách. Để duy trì hoạt động, mỗi ngày chị phải bù lỗ khoảng 1 triệu đồng.
Hiện nay, nhiều chủ nhà hàng, khách sạn đều mong muốn ngành ngân hàng nhanh chóng có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện giãn nợ, giảm lãi suất do nguồn thu bị giảm mạnh.