Nhà nước Đại Cồ Việt ra đời, bước tiến vượt bậc của lịch sử dân tộc, đáp ứng yêu cầu khách quan và cấp bách sự nghiệp dựng nước, giữ nước và phục hưng dân tộc

Theo sử cũ, năm 968, sau khi đánh dẹp và thu phục 12 sứ quân, thống nhất giang sơn, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, lập nên nước Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư, xây dựng cung điện, chế triều nghi, thực thi quyền độc lập, tự chủ, xây dựng bộ máy nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên trong lịch sử phong kiến Việt Nam.

Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng tại Khu di tích quốc gia đặc biệt cố đô Hoa Lư. Ảnh: Tư liệu

Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng tại Khu di tích quốc gia đặc biệt cố đô Hoa Lư. Ảnh: Tư liệu

1- Nhà nước Đại Cồ Việt ra đời trên nền tảng thống nhất đất nước và độc lập dân tộc. Từ đầu thế kỷ X, với ba triều đại Khúc - Dương - Ngô dựng xây nền móng độc lập, tự chủ, dựng kinh đô ở Cổ Loa, rồi trải qua khói lửa binh đao "Thập nhị sứ quân", kinh đô Hoa Lư vươn mình sừng sững ở rìa cực Nam tam giác châu thổ Bắc Bộ, cửa ngõ quận Giao Chỉ vào Cửu Chân cổ, rồi kinh đô Đại Cồ Việt được chuyển dời về thành Đại La, kề sát kinh đô Cổ Loa trước đó nửa thế kỷ của nhà Ngô.

Từ Cổ Loa về Hoa Lư rồi lại trở về Đại La/Thăng Long, các nhà sử học gọi đây là "Khúc quanh" của lịch sử dân tộc. Không có "Khúc quanh" Hoa Lư thì chắc chắn không có Thăng Long! Từ kinh đô cận kề bên bờ sông Hoàng Long (Rồng Vàng) đến kinh đô Thăng Long (Rồng Bay) bên bờ sông Nhị Thủy là một bước lấy đà của cả dân tộc với hai triều đại Đinh - Tiền Lê và những tháng năm đầu khởi nghiệp nhà Lý trên đất Hoa Lư núi sông thiên hiểm, kỳ tú. Trong suốt 42 năm tồn tại vững chãi, kinh đô Hoa Lư "phi chiến địa", với nhà nước phong kiến trung ương tập quyền Đinh - Tiền Lê đã giữ vững nền độc lập tự chủ, thống nhất quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ trước các đế chế cường thịnh phương Bắc, phương Nam và những thế lực cát cứ trong nước chưa loại trừ được tận gốc.

Trong bối cảnh lịch sử nửa cuối thế kỷ X, Đinh Bộ Lĩnh - một người Việt gốc Mường, thuộc dòng dõi vọng tộc ở châu Đại Hoàng (nay thuộc xã Gia Phương, Gia Viễn, Ninh Bình) có truyền thống yêu nước, đã xuất hiện từ trước, lúc này vươn lên đảm nhiệm sứ mệnh trọng đại của lịch sử. Đinh Bộ Lĩnh đã chuẩn bị cho mình những điều kiện cần và đủ có thể thực hiện sứ mệnh thiêng liêng cứu vãn tình thế khi đất nước đòi hỏi. Ông tỏ rõ là một nhà chiến lược tài danh xuất chúng, không chỉ biết tập hợp lực lượng, giỏi điều binh khiển tướng, mà còn biết phân hóa đối tượng, kết hợp biện pháp liên kết hàng phục với hành quân tiêu diệt để hoàn thành sứ mệnh thống nhất quốc gia về một mối, "khôi phục, tiếp nối quốc thống của các vua Hùng". Sang giai đoạn xây dựng và bảo vệ giang sơn độc lập, tự chủ và thống nhất, ông đã trở thành một Hoàng đế anh minh, đứng đầu nhà nước quân chủ tập quyền hùng mạnh bậc nhất trong lịch sử dân tộc mà trước đó chưa từng có.

2- Nhà nước Đại Cồ Việt ra đời và phát triển trong cuộc đấu tranh giành và giữ độc lập dân tộc của một nước nhỏ trước nguy cơ luôn rình rập, tiềm tàng trở lại đô hộ sau nghìn năm đồng hóa dân tộc và văn hóa đại Hán của các triều đại phong kiến Trung Quốc đã thất bại; một đế chế đại Tống mới thống nhất toàn cõi Trung nguyên đang đầy toan tính mở rộng lãnh thổ. Cuộc đấu tranh vì lợi ích chung đó đã thúc đẩy sự cố kết của các cộng đồng công xã nông thôn nhỏ bé nước ta bấy giờ vào trong một cộng đồng rộng lớn là quốc gia và dân tộc, đòi hỏi khách quan và bức thiết cần phải có một nhà nước với thiết chế đủ mạnh, có thể tập hợp lực lượng và đại diện ý chí, khát vọng cháy bỏng của cả dân tộc Việt là độc lập, gắn liền với thống nhất đất nước. Đó là một cơ sở chính trị cắt nghĩa xu thế chủ đạo của khuynh hướng tập quyền và thống nhất của nhà Đinh lúc bấy giờ là xu hướng tiến bộ, là tất yếu lịch sử. Một nhà nước đáp ứng được yêu cầu khách quan và cấp bách đó đã ra đời dưới sự lãnh đạo của người anh hùng dân tộc Đinh Tiên Hoàng đế!

3- Nói đến nhà nước thời Đinh và Tiền Lê là nói đến bộ máy quản lý quốc gia độc lập, tự chủ từng tồn tại trong lịch sử dân tộc. Bộ máy Nhà nước đó ra đời từ quá trình đánh dẹp và thu phục 12 sứ quân, thống nhất đất nước, do Đinh Bộ Lĩnh khai sinh và tạo dựng.

Nhà nước độc lập thế kỷ X vừa mới được thành lập, phải lo đối phó với kẻ thù xâm lược bên ngoài cũng như nguy cơ các thế lực cát cứ trong nước chưa loại trừ được tận gốc, nhưng bước đầu đã cố kết toàn dân tộc, xây dựng quốc gia với một quân đội có tổ chức chặt chẽ và hùng mạnh, nền kinh tế tự cung tự cấp phát triển trên nền tảng nông nghiệp, thủ công nghiệp và giao thương buôn bán trong nước và cả với nước ngoài đã hình thành. Công cuộc dẹp loạn mới chỉ là chặng đầu có ý nghĩa trong toàn bộ sự nghiệp của Đinh Bộ Lĩnh.

Để duy trì và củng cố nền thống nhất đất nước trong bối cảnh lịch sử và cơ sở kinh tế - xã hội nước ta nửa cuối thế kỷ X, không có con đường nào khác ngoài việc thiết lập một bộ máy quản lý quốc gia tự chủ, tập trung quyền lực mạnh. Nhà Đinh đã xây dựng một nhà nước với thiết chế khá đầy đủ, duy trì, củng cố và phát huy thành tựu đạt được trong quá trình đấu tranh thống nhất quốc gia, xây dựng nước Đại Cồ Việt độc lập, tự chủ, trở thành mốc son chói lọi trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.

4- Một số nhà nghiên cứu cho rằng, nhà nước phong kiến tập quyền đã xuất hiện từ thời Khúc Thừa Dụ (905) đến Ngô Quyền (939), tuy nhiên, thiết chế nhà nước đó còn đơn sơ, chức tước, chế định còn phỏng theo quan chế nhà Đường. Bằng chứng là, Họ Khúc, Họ Dương vẫn giữ chức tiết độ sứ như nhà Đường phong cho quan đứng đầu An Nam đô hộ phủ trước đây. Ngô Quyền phá tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, giữ vững nền độc lập tự chủ, nhưng lên ngôi chỉ xưng Vương. Tuy nhiên, đây là bước tiến bộ hơn về ý thức dân tộc so với hai nhà Khúc - Dương trước đó. Ngô Quyền lên ngôi, đặt trăm quan, chế định triều nghi, phẩm phục (Toàn thư). Nhưng sử sách cũ không ghi chép gì cụ thể hơn về nhà nước đó của Ngô Vương, kể cả thiết chế nhà nước và tổ chức quân đội và bộ máy văn võ bá quan.

Vạn Thắng Vương Đinh Bộ Lĩnh xưng đế, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, lập quốc đô Hoa Lư, đổi niên hiệu là Thái Bình, "đặt trăm quan, lập sáu quân, chế độ gần đủ" (Toàn thư), là một bước tiến vượt bậc so với chính quyền Khúc-Dương-Ngô trước đó, rồi định giai phẩm cho các quan văn, võ và tăng đạo, xuất hiện các chức quan trong triều chính như Sĩ sư, Tướng quân, Phò mã đô úy, Định quốc công, Ngoại giáp… Đó là các chức quan cao cấp đã có trong quan chế nhà Đường, thậm chí chức quan Phò mã đô úy đã có từ thời Hán.

Ngoài ra, vua Đinh còn phong các chức quan Tăng thống, Tăng lục, Sùng chân uy nghi cho người đứng đầu đạo Phật, đạo Giáo. Đặc biệt, hệ thống tổ chức bộ máy chính quyền từ trung ương xuống địa phương cũng có nhiều thay đổi. Cả nước chia thành 10 đạo. Về quân đội có 10 đạo quân, tương ứng với 10 đạo hành chính, số quân lên tới một triệu người/tổng số ba triệu dân. Đặc biệt quân đội đã được trang bị mũ áo riêng, khác hẳn với quân đội phương Bắc, phương Nam, dưới sự thống soái của Thập đạo tướng quân. Kinh đô lại có lực lượng Tứ sương quân, cấm quân trên 3000 người để bảo vệ kinh thành, bảo vệ chính quyền đầu não. Thiết chế nhà nước còn có quan Đô hộ phủ sĩ sư chuyên coi việc hình án. Đặc biệt, dưới hoàng đế còn có Thái tể, tương đương chức Tể tướng của các triều đại sau này.

Một điều đặc biệt là, nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đứng đầu là Hoàng đế, lại được đan xen, liên kết bởi tình huyết thống và huynh đệ khá chặt chẽ. Biểu hiện là, con cả là Đinh Liễn được phong là Nam Việt Vương, đứng sau chức tước, quyền hành vua cha. Trong 5 hoàng hậu của vua Đinh có một bà là con gái sứ quân Trần Lãm. Trần Lãm lại có con trai là Trần Thăng lấy công chúa nhà Đinh. Một bà hoàng hậu khác là mẹ sứ quân Ngô Nhật Khánh. Ngô Nhật Khánh lại lấy con gái vua Đinh trở thành phò mã.

Còn Tứ trụ triều Đinh là bốn anh hùng hào kiệt "đồng lân, đồng giáp thân" (cùng làng, cùng tuổi Giáp Thân-924), là bạn tâm giao thời cờ lau tập trận là Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Lưu Cơ, Trịnh Tú. Sự cố kết huyết thống và huynh đệ đó trong bộ máy nhà nước thời Đinh đã có tác dụng lớn lao để xây dựng nhà nước trên nền tảng huyết tộc, hoàng gia tâm giao, nhằm khắc phục và triệt tiêu mầm mống phản loạn, cát cứ còn âm ỉ, chưa dứt được tận gốc rễ.

5- Nhà nước thời Đinh là sản phẩm của thời đại, đồng thời là kết quả quá trình phát triển tổ chức quản lý đất nước có nguồn gốc sâu xa từ thời Văn Lang - Âu Lạc. Cho đến khi Đinh Bộ Lĩnh thiết lập bộ máy Nhà nước, mặc dù đã có trong tay kinh nghiệm hơn một nửa thế kỷ tổ chức cai trị đất nước qua các triều đại Khúc- Dương- Ngô như trên đã nói, nhưng mặt khác, Đinh Tiên Hoàng chưa có một mẫu mực hoàn chỉnh nào khác ngoài mô hình nhà nước đã có ở một nước láng giềng là nhà Đường, nhà Tống.

Từ tinh hoa của truyền thống, tiếp thu ảnh hưởng giao lưu văn hóa trong khu vực, Đinh Tiên Hoàng đã kịp thời xây dựng một Nhà nước quân chủ trung ương tập quyền, mang màu sắc chung của loại hình Nhà nước trung đại Phương Đông. Vương triều Đinh và tiếp nối là nhà Tiền Lê, được thiết lập với tinh thần "phi Nho giáo", lấy triết lý đạo Phật làm nền tảng, lấy những tăng đạo tài danh trong Phật giáo và Đạo giáo làm tham mưu hoạch định chiến lược dựng nước và giữ nước. Điều đó hoàn toàn có cơ sở xã hội và phù hợp với lý trí, tình cảm của dân tộc ta trong buổi đầu khôi phục, củng cố nền độc lập tự chủ. Có thể coi đây là thành công của nhà nước thời Đinh-Tiền Lê.

Chính nhờ có một nhà nước quân chủ tập quyền dù còn sơ khai nhưng thực quyền và đủ mạnh, nhà Đinh đã từ dẹp loạn đến khôi phục, tiếp nối nền chính thống, củng cố độc lập và giữ vững non sông gấm vóc trong buổi đầu xây dựng vương triều non trẻ, tạo nền tảng vững chắc cả về thiết chế bộ máy, đến xây dựng kinh tế, quân đội, ngoại giao và luật pháp để nhà Tiền Lê tiếp nối, có bước phục hưng dân tộc mạnh mẽ hơn, lập võ công oanh liệt trong công cuộc kháng Tống, bình Chiêm vang dội!

Điều đặc biệt nữa là, tuy phỏng theo chế độ và quan chế Đường - Tống, nhà nước Đại Cồ Việt không phải là bản "sao y" loại hình và tính chất nhà nước Đường - Tống! Điều này thấy từ thời Ngô Quyền. Ví như danh hiệu Đế/Vương của các vua triều đại Ngô Quyền, Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành và ngay cả một số chức danh quan tước ở triều đình hoàn toàn không mang tính chất một chế độ quân chủ chuyên chế, quan liêu nặng nề, hà khắc với nhiều chế định của đạo Nho như đế chế Đường - Tống cùng thời. Mặt khác, thiết chế và chức danh quan tước của nhà nước phong kiến nước ta thế kỷ X chỉ là vỏ bên ngoài, còn cốt lõi và bản chất nhà nước của chế độ nhà Đinh - Tiền Lê là nhà nước độc lập: độc lập về dân tộc, về chủ quyền một quốc gia thống nhất, quyền tự quyết dân tộc, không lệ thuộc Trung Hoa, mặc dù chỉ là "thần phục giả", để giữ "độc lập thật" trước một đế chế khổng lồ. Triều đình Đinh-Tiền Lê đã lấy ngoại giao với Tống triều là "quốc sách": "Trong cương, ngoài nhu", "Trong xưng đế, ngoài xưng vương" để giữ vững nền độc lập tự chủ.

Nhà nước Đại Cồ Việt ra đời đáp ứng đúng yêu cầu tất yếu khách quan của sự nghiệp thống nhất đất nước và xây dựng đất nước độc lập tự chủ, nên nó dĩ nhiên trở thành mốc son chói ngời trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.

1055 năm đã trôi qua, trong bối cảnh tình hình thế giới đang có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, chúng ta càng có điều kiện nhận nhìn rõ tầm vóc, vai trò và vị trí của nhà nước Đại Cồ Việt thật lớn lao, thật đáng tự hào, không phải chỉ là bài học lịch sử cho hôm nay mà còn là mãi mãi cho muôn đời con cháu mai sau. Kỷ niệm 1055 năm Nhà nước Đại Cồ Việt cũng là dịp vinh danh người anh hùng Đinh Tiên Hoàng Đế, người có công thống nhất quốc gia, sáng lập nghiệp đế, sáng lập nhà nước quân chủ tập quyền đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt Nam!

Trương Đình Tưởng

(Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Ninh Bình)

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/nha-nuoc-dai-co-viet-ra-doi-buoc-tien-vuot-bac-cua-lich-su/d20230428143617752.htm