Nhà nước định hướng chủ trương, Nhân dân và doanh nghiệp sáng tạo

Trả lời chất vấn của đại biểu về định hướng và giải pháp phát triển du lịch tại phiên chất vấn chiều nay, 5.6, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nêu rõ, chúng ta phải có cách làm và phải dựa trên doanh nghiệp. Nhà nước đứng ra định hướng về chủ trương, còn sự sáng tạo là của Nhân dân, doanh nghiệp.

Phải giữ gìn bản sắc văn hóa

Nêu chất vấn liên quan đến định hướng, giải pháp phát triển du lịch, ĐBQH Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) đặt vấn đề, vừa qua ngành du lịch đã rất nỗ lực trong việc thu hút khách du lịch như miễn thị thực, cấp thị thực điện tử. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn nhiều yếu tố chủ quan và khách quan làm giảm lượng khách du lịch. Đại biểu đề nghị, Bộ trưởng cho biết định hướng, giải pháp để giải bài toán liên kết, chia sẻ, hài hòa lợi ích giữa các chủ thể trong chuỗi giá trị du lịch?

ĐBQH Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) chất vấn. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) chất vấn. Ảnh: Hồ Long

Cùng mối quan tâm, ĐBQH Đào Chí Nghĩa (Cần Thơ) đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp căn cơ để thúc đẩy hoạt động liên kết du lịch giữa các địa phương?

ĐBQH Đào Chí Nghĩa (Cần Thơ) chất vấn. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Đào Chí Nghĩa (Cần Thơ) chất vấn. Ảnh: Hồ Long

Trả lời các chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nêu rõ, hiện nay thể chế đối với lĩnh vực du lịch khá đồng bộ, từ Nghị quyết của Bộ Chính trị đến luật của Quốc hội, các Nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch của Chính phủ… rất đầy đủ; vấn đề là công tác tổ chức thực hiện.

Đơn cử như năm 2023, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, “chưa có năm nào Thủ tướng Chính phủ chủ trì đến 3 Hội nghị toàn quốc về du lịch để bàn và tháo gỡ khó khăn, phân nhóm đối tượng; có hội nghị dành riêng cho doanh nghiệp làm du lịch để lắng nghe và chia sẻ, có hội nghị dành riêng cho cơ quan nhà nước để bàn xem giải pháp xử lý như thế nào và có hội nghị tổng hợp chung để triển khai”.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn. Ảnh: Hồ Long

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn. Ảnh: Hồ Long

Vì thế, Bộ trưởng mong rằng, bám sát các quy định của pháp luật và các quy chế phối hợp, phát huy vai trò của vùng, thì làm du lịch là phải liên kết, ví dụ như: "Con đường di sản miền Trung" chính là liên kết du lịch, hay vừa rồi chúng ta có "Hành trình theo chân Bác" triển khai tại một số tỉnh Cao Bằng, Tuyên Quang… Như vậy, "chúng ta phải có cách làm và phải dựa trên doanh nghiệp; Nhà nước đứng ra định hướng về chủ trương, còn sự sáng tạo là của Nhân dân, doanh nghiệp", Bộ trưởng nêu rõ.

Tất nhiên, theo Bộ trưởng, trong quá trình làm phải giữ gìn bản sắc văn hóa, giữ cho được thương hiệu mà tổ chức quốc tế đã vinh danh, như Việt Nam là điểm đến hàng đầu về di sản, về thiên nhiên thế giới ở khu vực châu Á... Cùng với giữ thương hiệu và quảng bá, thì cần chú trọng tới thị trường trong nước (với hơn 100 triệu dân), để giữ chân người dân với du lịch nội địa.

Thanh tra “điểm đến” để lập lại trật tự, kỷ cương

Về liên kết giữa các địa phương để phát triển du lịch, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định, chúng ta "không thể không liên kết, không thể đi một mình", mà muốn đi xa chúng ta phải "đi cùng nhau". Với du lịch cũng vậy, một sản phẩm tiêu biểu, đặc sắc của địa phương này phải kết nối với địa phương khác, được trải nghiệm ở lĩnh vực này thì phải qua trải nghiệm ở lĩnh vực khác.

Hiện nay, Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt với Ban chỉ đạo của vùng, cơ chế điều phối vùng, có giao ban 3 tháng, 6 tháng; Thủ tướng Chính phủ cũng phân công thành viên Chính phủ đi các địa phương để lắng nghe, chia sẻ, tháo gỡ, tinh thần là những vấn đề gì trong thẩm quyền thì phải trả lời, tháo gỡ, Bộ trưởng cho biết.

Cũng theo Bộ trưởng, Nghị quyết số 82/NQ - CP ngày 18.5.2023 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững đã nêu rõ: mỗi địa phương phải xây dựng sản phẩm du lịch đặc sắc, độc đáo. Đây chính là phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương; từ tiềm năng, lợi thế nổi trội này, chúng ta mới tiếp cận dần tới yếu tố cạnh tranh.

Quang cảnh phiên chất vấn. Ảnh: Hồ Long

Quang cảnh phiên chất vấn. Ảnh: Hồ Long

Liên quan đến quản lý “điểm đến”, Bộ trưởng thừa nhận, vừa qua chúng ta đã đẩy mạnh phát triển du lịch, nhưng “điểm đến” thì chưa phải chỗ nào cũng an toàn, thân thiện. Trong Nghị quyết 82/NQ - CP đã nêu: Điểm đến phải thân thiện, văn hóa, văn minh, nhưng thực tế "đâu đó ở chỗ này, chỗ khác còn có biểu hiện chặt chém du khách, thiếu văn hóa…". Chỉ rõ, đây cũng là hiện tượng "cá biệt", Bộ trưởng cho biết, vừa qua các địa phương đã "làm rất mạnh, xử lý nghiêm".

"Tới đây, chúng tôi sẽ tăng cường thanh tra chuyên ngành về lĩnh vực du lịch, thanh tra “điểm đến” để lập lại trật tự, kỷ cương", Bộ trưởng cam kết.

Bộ trưởng cũng cho biết, qua thực hiện khảo sát với du khách quốc tế cho thấy, họ đến Việt Nam không phải để nghỉ ở khách sạn 5 sao, vì khách sạn 5 sao thì ở nước họ cũng có, nhưng họ đến Việt Nam vì sự khác lạ của văn hóa, và muốn được trải nghiệm trong cảnh sắc thiên nhiên, thậm chí là mê đắm với "nụ cười thiếu nữ tỏa nắng ở vùng cao". Đây là lý do cũng không phải ngẫu nhiên Quảng Ninh chọn "Nụ cười Hạ Long" để quảng bá du lịch. Đây cũng là cách làm sáng tạo và hiệu quả, Bộ trưởng nêu rõ.

Hoàng Ngọc

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/nha-nuoc-dinh-huong-chu-truong-nhan-dan-va-doanh-nghiep-sang-tao-i374603/