Nhà thơ Đinh Nho Tuấn Lòng cài thêm cúc che chắn rụng rơi

Nhà thơ Đinh Nho Tuấn đã rời xa quê nhà Hà Tĩnh nhiều năm, nhưng mảnh đất ôm ấp thời trẻ dại cứ giăng mắc, cứ day dứt, cứ diệu vợi trong thơ ông, vừa dằng dặc sương mờ lối cũ, vừa vằng vặc sao khuya cảnh xưa. Nhà thơ Đinh Nho Tuấn sau tuổi 50 mới được độc giả chú ý. Điều ấy không mấy quan trọng, bởi cuộc marathon thi ca bất tận đâu phân biệt người đến sớm và người đến muộn, miễn sao đối tượng dự phần mang đến một tiếng nói riêng tư.

Sinh năm 1966 tại xã Tân Hà Mỹ, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, nhà thơ Đinh Nho Tuấn sớm được tiếp xúc với thế giới chữ nghĩa vì có người cha là nhà báo Đinh Nho Liêm (1934-2011, nguyên Tổng biên tập Báo Hà Tĩnh). Tốt nghiệp trung học, Đinh Nho Tuấn trở thành du học sinh.

Sau khi có bằng cử nhân luật ở Trường Đại học Odessa - Ukraine, Đinh Nho Tuấn tiếp tục làm nghiên cứu sinh ở Học viện àn lâm khoa học Moscow - Nga. Có bằng tiến sĩ luật kinh tế, Đinh Nho Tuấn lăn lộn mưu sinh nơi xứ người mấy thập niên, và có không ít câu thơ trong trí nhớ hoặc trong tâm tưởng đã nâng ông lên khi vấp ngã, đã dìu ông dậy khi muộn phiền.

Nhà thơ Đinh Nho Tuấn.

Nhà thơ Đinh Nho Tuấn.

Từ năm 2003, nhà thơ Đinh Nho Tuấn trở về định cư tại thành phố Hồ Chí Minh. Nhịp sống bận bịu và lo toan, thơ không gõ cửa bất kỳ trái tim biếng lười và dửng dưng nào. Nhà thơ Đinh Nho Tuấn căng rộng tâm hồn mình như một cánh buồm mỏng mảnh trìu mến để đón đợi bao vần điệu xa xôi chợt ẩn chợt hiện giữa chốc lát rối bời nhân gian.

Nhịp điệu thơ Đinh Nho Tuấn chậm và buồn, dền dứ và bâng khuâng. Bởi lẽ, trước mặt ông là trang giấy trắng réo gọi chữ nghĩa tuôn trào, mà xung quanh anh bạt ngàn kỷ niệm giăng mắc. Từng hình ảnh đã xa mà chưa khuất, đã xưa mà chưa cũ, lần lượt hiện ra trong thơ Đinh Nho Tuấn. Hình ảnh phụ thân “Đêm giao thừa, gia tài cha nồi bánh/ Khuôn mặt cha lay phên liếp không lời” và hình ảnh mẫu thân “Tóc mẹ uống ngàn sương sớm/ Vườn xưa phất phới lau trời” không chìm đi trong hình ảnh cố hương khắc khoải tháng ngày thương khó âu lo “Gom lá vườn vô tình con đốt hết/ Khói trắng lên trời con đứng lại bơ vơ”.

Vẫn giữ cái duyên của một người nói giọng trầm, Đinh Nho Tuấn cứ thủ thỉ những câu thơ tỉ tê chuyện mình ngậm ngùi, chuyện người xa vắng: “Anh đi học bằng vô tư hoàng hôn/ học chồi non, học mởn xanh, hoa tím/ học phong ba, học câu hát núi đồi/ học tiếng chim, biển khơi, cát mịn”. Đôi lúc hoảng hốt “Cái xa lạ ta đã quen thân/ Đời rụng lá, mùa còn chuông còn tiếng”, nhưng ông không phẫn nộ gào thét mà chọn thái độ nhẫn nại “Cơn mưa vừa đi vừa hát kia/ Gây tê buốt nhiều trái tim chưa ngủ”.

Bước vào tuổi tri thiên mệnh, nhà thơ Đinh Nho Tuấn mới xuất hiện công khai trên thi đàn. Thế nhưng, những tâm tư đã chuẩn bị kỹ lưỡng và những cảm xúc đã chắt chiu đầy đủ, giúp ông nhập cuộc tự tin và sung mãn với môi trường văn chương. Từ năm 2018 đến nay, 5 tập thơ Đinh Nho Tuấn đã liên tục ấn hành, không chỉ được bạn đọc quan tâm mà còn nhận được tặng thưởng của Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh. Thế nhưng, tinh thần sáng tạo không cho phép nhà thơ Đinh Nho Tuấn tự hài lòng trước dòng chảy thi ca đang ngổn ngang bao nhiêu đòi hỏi phải tương tác cuộc sống bề bộn.

Thơ Đinh Nho Tuấn đã trải qua hai giai đoạn thẩm mỹ. Giai đoạn thẩm mỹ thứ nhất nhiều mơ mộng vương vấn, thể hiện ở ba tập thơ “Em hãy cho anh vội”, “Em tôi” và “Dan díu với núi sông”. Giai đoạn thứ hai thẩm mỹ nhiều nao nức giãi bày, thể hiện ở hai tập thơ “Ngàn tiếng đời ấp ủ” và “Lời phả hương”. Bây giờ, tập thơ “Năm ngón chưa đặt tên” do NXB Hội Nhà văn vừa ấn hành, lại thể hiện thơ Đinh Nho Tuấn đang chuyển sang giai đoạn thẩm mỹ khác, nhiều thao thức nhận diện mọi giá trị đích thực xung quanh.

Nhà thơ Đinh Nho Tuấn tự thú nỗi nuối tiếc tháng ngày trôi qua “Chưa kịp hiểu hết lời ca phượng vĩ/ Chưa kịp vẽ chân dung cái nắng cuối hè/ Chưa đúc tượng vào lòng mình niềm nhớ/ Chưa kịp cồn cào khi trời rợp tiếng ve” trong niềm bâng khuâng không thể dứt bỏ “Ai sáo trúc mà lời thương hoang dại/ Ai giếng khơi mà đẫm ánh trăng vàng/ Ai cánh diều cõng môi ru của mẹ/ Ai chân trời, ai góc bể lang thang”, để xác lập vị trí chủ thể trữ tình: “Anh - chiếc bình có thể cắm hoa thơm/ Nhưng thẳm sâu đựng đầy sám hối”.

Từ rộn ràng giăng mắc “Thời gian hôm qua đi xiết quá/ Cánh nhạn hôm nay cũng hao gầy”, nhà thơ Đinh Nho Tuấn lặng lẽ ngồi xuống với bản thảo trầm tư: “Sau cửa sổ căn phòng có vầng trăng lạc lối/ Câu thơ đâm sầm vào nhân tình thế thái”. Ở nơi ấy, ông chọn được góc nhìn thanh thản nhất và chân thành nhất, để soi rọi những buồn vui bịn rịn bủa vây: “Đời đầm đìa thiên di/ Ta ru mình chậm lại”.

Tập thơ "Năm ngón chưa đặt tên" do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành.

Tập thơ "Năm ngón chưa đặt tên" do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành.

Nhiều lát cắt mảnh và sắc trong thơ Đinh Nho Tuấn khi tiếp cận theo một sắp xếp nhất định, sẽ dễ dàng hiển lộ một chân dung trắc ẩn. Giữa hững hờ nhân duyên “Những ngày em hay chớp mắt/ Những ngày anh chờ cơn mưa/ Trần gian xanh màu con nước/ Chúng ta trôi mãi theo mùa”, ông ngậm ngùi “Đạo làm người trên đà lao dốc/ Phiên chợ đời tan tác bất minh”. Dẫu chấp nhận cách ứng phó khéo léo “Lòng người cài thêm cúc/ Che chắn những rụng rơi” thì ông vẫn nghẹn đắng trước sự thật “Tâm hồn tôi mất đi khả năng đỏ mặt”. Ông mạnh mẽ cùng vần điệu thoát ra khỏi bóng tối yếu đuối để hiểu mình hơn, để hiểu người hơn.

Sự nhạy cảm vốn có của một nhà thơ khiến ông thường xuyên phiền muộn “Dòng sông không ngủ được/ Trở mình đêm trắng trôi đi/ Người không ngủ được/ Nằm ôm tiếng chim từ quy” trước những trưng trổ tinh ranh “Lý do vào vai những giọt mưa trung thực/ Phủ cảm xúc bằng những đường cong lạnh ướt”. Ông khởi hành cuộc thao thức nhận diện từ gần đến xa, từ sự va đập tồn tại “Một hôm ta thấy đời siêu rẻ/ Ta rao mình, bán chẳng ai mua/ Ta cười mời những người đi trên phố/ Những hình nhân vẽ lụa giữa cơn mưa” đến sự xao xác tâm linh “Những cây cầu bắc giữa mùa thu/ Nằm như chết trong mùa đông lạnh giá/ Cơn mưa đi chơi, cơn mưa thong thả/ Rất thờ ơ với cái lạnh của mình”.

Đọc tập thơ “Năm ngón chưa đặt tên” không khó để thấy nhà thơ Đinh Nho Tuấn nỗ lực phân định các đối cực đang làm mòn mỏi con người và đang làm trống rỗng thiên nhiên. Ông quả quyết “Trong tôi không có khái niệm đêm cũ hay ngày cũ/ Từ cựa quậy đến hát ca tôi không phải của hôm qua”. Khước từ khuôn thước tạm bợ quá khứ cũng là cơ sở bồi đắp phẩm hạnh ngày mai, để tìm lại bản thân: “Cuộc đời tự do là huyền thoại/ Xin kể cho người bằng cách của tôi”.

Cách kể của nhà thơ Đinh Nho Tuấn như thế nào? Đó là những câu thơ không còn quá chú trọng ngôn từ bóng bẩy và âm tiết du dương, mà đề cập sòng phẳng khoảnh khắc dằn vặt: “Để khác mình hôm qua/ Ta chém lên giấy điệp/ Những lời nói tự do/ Chính mình hay là chết”. Với bốn câu chắc nịch này, ông dắt thơ đi thẳng vào đời, không cần lưỡng lự cũng không cần son phấn.

Bằng mật khẩu “Hãy chữa lành cho nhau ngày sắp qua”, tập thơ “Năm ngón chưa đặt tên” có nhiều câu dữ dội và nhiều ý tê tái, nhưng không mang theo bất kỳ sự sân si hay sự bi lụy nào. Nhà thơ Đinh Nho Tuấn thao thức nhận diện mọi giá trị đích thực xung quanh, với mục tiêu duy nhất là bái vọng sự cao đẹp và sự lương thiện: “Ai uống ai cạn suối, cạn nguồn/ Đời cho vui vì đời còn hạnh ngộ/ Có bài thơ lạc giữa đường giữa chợ/ Gặp người thương thành bài hát miên lời”.

Thơ Đinh Nho Tuấn càng ngày càng chắt lọc. Ông xua đuổi những rườm rà và ông xua đuổi những tán tụng, để những tinh tế đứng gần những trong trẻo: “Khi đức tin còn lem nhem khuôn mặt/ Xin lau bằng khói hương”. Dẫu trải nghiệm không ít đớn đau và không ít day dứt, ông vẫn hồi hộp chờ đợi những phút giây an lành “Lửa cháy hoàng hôn hương màu lạ/ Khói ấm tháng ngày bay bay lên/ Nắm bàn tay em khi còn thức/ Khi còn năm ngón chưa đặt tên” trở về ngự trị trái tim trìu mến: “Thế giới và anh bắt đầu bằng hoa/ Bằng tiếng em rơi bình yên hơi thở”.

Lê Thiếu Nhơn

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/nha-tho-dinh-nho-tuan-long-cai-them-cuc-che-chan-rung-roi-i745398/