Nhà văn duy nhất có tác phẩm được in bỏ túi tại Pháp

Nhà nghiên cứu, phê bình văn học Thụy Khuê khẳng định Nguyễn Huy Thiệp là nhà văn duy nhất tại Pháp có tác phẩm được in thành sách bỏ túi.

Tại Không gian văn hóa Nguyễn Huy Thiệp (quận Thanh Xuân, Hà Nội) vừa diễn ra buổi trò chuyện với chủ đề Nguyễn Huy Thiệp - những ngày ở Pháp. Diễn giả của buổi trò chuyện là nhà nghiên cứu, phê bình văn học Thụy Khuê (sống tại Pháp), PGS.TS Ngô Văn Giá, TS Văn học Mai Anh Tuấn, nhà nghiên cứu, phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên.

Nhà nghiên cứu, phê bình văn học Thụy Khuê và nhà nghiên cứu, phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên tại buổi trò chuyện.

Nhà nghiên cứu, phê bình văn học Thụy Khuê và nhà nghiên cứu, phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên tại buổi trò chuyện.

Nhà nghiên cứu Thụy Khuê kể có cơ duyên biết đến những tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp từ năm 1987. Tuy nhiên, phải đến năm 1993, bà mới có dịp gặp gỡ cố nhà văn khi về nước. Mới đầu gặp, bà và Nguyễn Huy Thiệp dù không nói nhiều song rất hiểu nhau. Cũng từ thời gian này, Nguyễn Huy Thiệp nhờ bà làm đại diện cho ông về chuyện in ấn, đặc biệt là ở Pháp, bà nhận lời ngay.

Bà Thụy Khuê kể, Tuổi 20 yêu dấu được dịch và xuất bản tại Pháp, được đón nhận rất nồng nhiệt, trong khi bạn đọc Việt Nam không hào hứng với tác phẩm này.

"Có thể nói Nguyễn Huy Thiệp là tác giả Việt Nam duy nhất được mở rộng bạn đọc tại Pháp đến mức NXB đã in tác phẩm của ông thành sách bỏ túi. Mỗi lần Nguyễn Huy Thiệp sang Pháp nhiều tờ báo phỏng vấn viết về ông, từ những báo lớn nhất như Le monde, Libération, le Nouvel Observateur đến những báo ít nổi tiếng hơn. Nhà báo kỳ cựu Jean Lacouture, một tên tuổi lớn ở Pháp, đã từng nhiều lần phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Phạm Văn Đồng, cũng tìm phỏng vấn Nguyễn Huy Thiệp. Giống như trong viết văn, khi trả lời báo chí Nguyễn Huy Thiệp rất thông minh và thâm thúy, nói đa nghĩa khiến nhiều khi người dịch không biết phải dịch thế nào mới truyền tải được hết nghĩa", bà Thụy Khuê kể.

Lý giải việc bạn đọc Pháp yêu Nguyễn Huy Thiệp nhiều đến thế, bà Khuê cho rằng, các tác phẩm văn chương của ông có thể tàn nhẫn nhưng lại cũng rất nhân đạo.

"Kịch Quỷ ở với người phóng tác từ truyện ngắn Không có vua, khi được dịch sang tiếng Pháp thì Đài phát thanh văn hóa của Pháp đã dựng kịch rất hay. Tôi nghe cũng giật mình. Nguyễn Huy Thiệp viết về xã hội Việt Nam thời ông sống một cách rất sâu sắc, nhưng nó cũng là bi kịch của con người nói chung. Dân tộc nào đọc mà hiểu được cũng thấy truyện của Nguyễn Huy Thiệp ghê gớm quá… Mỗi chỗ ông châm ngòi bút vào đều đau, đều đáng cho mình đọc. Với một số chữ cực tiểu ông làm được một điều cực đại", bà Thụy Khuê nói.

Trong khi đó, PGS.TS Ngô Văn Giá chia sẻ ông đã gọi Nguyễn Huy Thiệp trong một bài viết gần đây là một "nhà văn lớn" và "là một nhà văn có khả năng đục thủng các biên giới địa lý, văn hóa để đi vào quốc tế vì không phải vô cớ mà cộng đồng Pháp, Anh và một số ngôn ngữ khác dịch rất nhiều về Nguyễn Huy Thiệp".

"Trong nước dường như chưa đánh giá đúng tầm vóc của ông. Chúng ta còn đang nợ Nguyễn Huy Thiệp”, PGS.TS Ngô Văn Giá bày tỏ.

Trong lần trở lại Việt Nam, nhà nghiên cứu Thụy Khuê đem theo và tặng lại cho Không gian lưu niệm Nguyễn Huy Thiệp nhiều tư liệu, kỷ vật quý được bà lưu giữ cẩn thận nhiều năm nay.

Chiếc đĩa Nguyễn Huy Thiệp vẽ chân dung bà Thụy Khuê.

Chiếc đĩa Nguyễn Huy Thiệp vẽ chân dung bà Thụy Khuê.

Đó là một trong những chiếc đĩa có chân dung bà được chính cố nhà văn vẽ tặng. Đó là những bức ảnh trong lần gặp mặt đầu tiên của hai người năm 1993, hay các bức ảnh chụp Nguyễn Huy Thiệp trong những chuyến đi sang Pháp năm 2000, 2002...

Ngoài ra, còn có các bức thư bà và Nguyễn Huy Thiệp trao đổi trong quãng thời gian từ năm 1990-2012. Trong đó, ấn tượng là bức ông phác họa Sean James Rose - người dịch tác phẩm Tuổi 20 yêu dấu của ông sang tiếng Pháp.

Bà Thụy Khuê nói về tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp tại Pháp:

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp

Nguyễn Huy Thiệp (1950-2021) là một trong những nhà văn nổi bật nhất của văn đàn Việt Nam hiện đại. Ông viết truyện ngắn, kịch, tiểu luận, thơ… Các truyện ngắn của ông đã được tái bản rất nhiều lần, được dịch và xuất bản tại nhiều nước, giúp nhà văn nhận được những giải thưởng cao quý như: Giải thưởng Phê bình, tiểu luận cho Giăng lưới bắt chim của Hội Nhà văn Hà Nội (2006), Huân chương Văn học nghệ thuật Pháp (2007), Giải Premio Nonino, Italia (2008), Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (2022).

Tình Lê

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nha-van-duy-nhat-co-tac-pham-duoc-in-bo-tui-tai-phap-2252970.html