Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Họa sư Nam Sơn và Hội ngộ văn hóa Đông - Tây

Họa sĩ Nam Sơn xuất phát từ hội họa phương Đông đã gặp Tardieu nên tạo ra một phong cách hiện đại Á - Âu.

Họa sĩ Nam Sơn.

Có những tranh minh họa bình thường mà khiến người ta nhớ suốt đời vì chúng nằm trong tiềm thức từ thời niên thiếu. Nhiều người Việt Nam nay tuổi ngoài 70 hẳn còn nhớ những tranh minh họa bộ Quốc Văn giáo khoa thư (của những bài như: Chăn trâu, Chỗ quê hương đẹp hơn cả, v.v…) hoặc tranh biểu tượng bộ sách Tản Đà tu thư cục, vẽ một người gánh sách vào buổi chiều tà.

Mãi gần đây tôi mới được biết tác giả những bức tranh ấy (đa số tranh Quốc Văn giáo khoa thư) là cụ Nam Sơn, mất năm 1973 vào tuổi 83.

Nam Sơn (tên thật là Nguyễn Văn Thọ, do đó, lấy biệt hiệu từ “Thọ tỷ Nam Sơn”), sinh tại làng Yên Lãng (Vĩnh Phúc) năm 1890, đúng vào năm nhà thơ Anh R.Kipling lừng danh viết câu “Ôi! Đông là Đông và Tây là Tây, hai bên sẽ không bao giờ gặp nhau”. Lời tiên tri ấy, mang nặng ý tưởng “khai hóa văn minh của người da trắng”, đã bị thực tế phi thực dân hóa trong thế kỉ 20 bác bỏ. Có thể lấy họa sĩ Nam Sơn và họa sĩ Pháp Victor Tardieu, người thầy, người bạn tri kỉ hơn ông 20 tuổi làm thí dụ hội ngộ Đông - Tây, hai người đồng sáng lập Trường cao đẳng mỹ thuật Đông Dương.

Nên đánh giá Trường này và hai họa sĩ như thế nào cho thỏa đáng? Thiết nghĩ, phải có cái nhìn lịch sử dựa trên 3 yếu tố: chủ nghĩa thực dân, hiện tượng tiếp biến văn hóa (acculturation) và vai trò cá nhân trong hai hiện tượng trên (nhiều khi gắn chặt vào nhau một cách hữu cơ).

Trước hết là Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Dư luận về trường này thay đổi tùy theo từng thời kỳ, do bối cảnh chính trị xã hội quyết định. Cho đến 1945, người Việt tránh ca ngợi, sợ mang tiếng “nịnh Tây”, dĩ chí năm 1939, nhóm Nguyễn Đỗ Cung còn phê phán giám đốc mới Jonchère muốn trường chỉ đào tạo nghệ nhân. Từ đầu cách mạng 1945 đến những năm 80, yên lặng, có lẽ vì cho là trường của thực dân. Năm 1958, số đặc biệt của tạp chí Vietnam Advances, với sự cộng tác của Trần Đình Thọ, Nguyễn Văn Ty và Nguyễn Phan Chánh, nêu trong xã luận: “Trước cách mạng 1945, ngành họa Việt Nam tách rời quần chúng, giam mình trong tháp ngà, chỉ phục vụ một thiểu số người có của và sự thích thú của bản thân họa sĩ”. Tuy nhiên, cũng có trường hợp họa sĩ Nam Sơn khi giảng dạy đã nâng cao được thẩm mỹ trong mỹ thuật công nghiệp. Nói đến ngành họa trước 1945 là nói đến Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Những năm 80 của thế kỉ trước, nhất là từ sau chính sách Đổi mới, vai trò tích cực của trường mới được nhấn mạnh, nhiều khi thái quá, quên yếu tố thực dân của nó. Ta có thể khẳng định là nếu không có Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương thì không thể có nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại với bộ mặt hiện tại. Nhưng không phải vì thế mà quên những hạn chế lịch sử của trường. Ý đồ lập nó ra nằm trong ý đồ chung của hệ thống đại học Pháp do Toàn quyền Beau thực hiện năm 1907, để ngăn chặn phong trào Đông Du. Thành lập một năm thì Đại học Đông Dương đóng cửa do biến động chính trị. Năm 1917, Sarraut mở lại để đối phó với phong trào ta đòi cải cách. Đại học Đông Dương được ấn định trong nhiệm vụ phục vụ chính sách thực dân, nhất là đào tạo công chức và kỹ thuật viên cao cấp (khác đường lối thực dân Anh ở Ấn Độ). Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương không thể là ngoại lệ. Do đó, ngoài phần tích cực là chủ yếu, nó có những hạn chế, thí dụ như cấm vẽ về phong trào yêu nước: làm gì có chân dung Đề Thám, Phan Bội Châu, Xô Viết Nghệ - Tĩnh, v.v… Mặc dầu họa sĩ Nam Sơn từng vẽ Hai Bà Trưng, Lê Lợi. Bản thân Tardieu vẽ một bức họa 77m2 ca ngợi Mẫu quốc, Pháp (La Métropole) được đại diện bởi một bà đầm ngồi trên, xung quanh là các quan triều đình Huế và các dân tộc Đông Dương. Các họa sĩ Việt Nam cũng phải minh họa một số ít bài trong Quốc Văn giáo khoa thư như: ông Paul Bert, nước có trị thì dân mới an, v.v… ca ngợi chính quyền Pháp.

Nhưng thực dân hóa nằm trong khuôn khổ “tiếp biến văn hóa”, một hiện tượng tự phát nhích dần các dân tộc trên thế giới lại gần nhau, khiến cho giao lưu văn hóa tạo ra những giá trị mới, quá trình này được thể hiện qua nhiều con đường (tôn giáo, chiến tranh, thực dân hóa, kinh tế) và dẫn đến quốc tế hóa, rồi toàn cầu hóa ngày nay. Nam Sơn xuất phát từ hội họa phương Đông đã gặp Tardieu nên tạo ra một phong cách hiện đại Á - Âu. Tardieu xuất phát từ nghệ thuật phương Tây gặp Nam Sơn nên được dẫn dắt vào văn hóa phương Đông. Họ trở thành đôi bạn, có lẽ gần như họa sĩ Pháp Gauguin và Kỳ Đồng ở Tahiti.

Do vai trò cá nhân của hai nghệ sĩ chân chính Nam Sơn và Tardieu, nên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương mà họ sáng lập đã hạn chế yếu tố thực dân, phát triển yếu tố tiếp biến văn hóa Đông - Tây để trở thành cái nôi nghệ thuật Việt Nam hiện đại. Thử tượng tượng, nếu không phải là Tardieu (với Nam Sơn phù tá) mà là Jonchère làm Giám đốc sáng lập Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương thì chắc chắn Trường đã đi một hướng khác, nặng về yếu tố thực dân hơn là yếu tố tiếp biến văn hóa.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nha-van-hoa-huu-ngoc-hoa-su-nam-son-va-hoi-ngo-van-hoa-dong-tay-97412.html