Nhà văn Hữu Ước: Dòng chảy văn học mạnh mẽ và quyết liệt...
Thứ Tư, ngày 14-8-2019, tại Câu lạc bộ Văn học - Nghệ thuật' (Công viên Ước, thôn Đông Lai, xã Quang Tiến, Sóc Sơn, Hà Nội), Bộ Công an, Chi hội nhà văn Công an tổ chức buổi tọa đàm 'Dòng văn học về đề tài An ninh trật tự và Hình tượng người chiến sĩ Công an 20 năm (1999-2019)'.
Nhân dịp này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Trung tướng, nhà văn Hữu Ước, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân, Chủ tịch Chi hội Nhà văn Công an về vấn đề này.
Phóng viên (PV): Kính thưa Trung tướng, nhà văn Hữu Ước, cuộc tọa đàm văn học về đề tài An ninh trật tự và Hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân (CAND) hôm nay rõ ràng đã thu hút được nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu phê bình tham gia, thảo luận sôi nổi. Có lẽ đây là lần đầu tiên sau rất nhiều năm, văn học nghệ thuật của lực lượng Công an mới lại có một cuộc tổng kết đồ sộ như thế này. Ông có thể cho biết, vì sao lại là 20 năm và 20 năm đó có thể tổng kết ngắn gọn như thế nào?
Trung tướng, nhà văn Hữu Ước: Để chuẩn bị kỷ niệm 75 năm ngày Cách mạng Tháng Tám thành công và Ngày Truyền thống của lực lượng CAND vào năm 2020 - một năm sẽ là một dấu mốc chói lọi của ngành công an, và được sự đồng ý của Lãnh đạo Bộ Công an, Chi hội Nhà văn Công an đã tổ chức cuộc hội thảo này. Bởi vì lực lượng báo chí, văn học, sáng tác về cuộc chiến đấu, xây dựng và trưởng thành của lực lượng CAND cũng có những bước phát triển song hành với những chặng đường lịch sử của lực lượng CAND.
Để có bước chuẩn bị cho lễ kỷ niệm sang năm thì phải có lộ trình cho các hoạt động trọng tâm và phải có bước chuẩn bị từ trước. Tôi cho rằng, 20 năm qua, văn học nghệ thuật cũng như báo chí công an đã có một bước đột phá lớn. Đặc biệt là sự hình thành của các tổ chức bộ máy báo chí, điện ảnh, sân khấu ca múa nhạc và Chi hội Nhà văn Công an. Ban đầu Chi hội chỉ có 3 nhà văn (năm 1986) cho đến nay, năm 2019, thì số lượng nhà văn công an là 41 người.
Chưa nói đến việc các tác phẩm đã trở thành một điểm nhấn và có chất lượng cao thì đây rõ ràng là một bước phát triển rất mạnh mẽ về đội ngũ các cây bút trong lực lượng Công an. Cách đây 20 năm, các tác phẩm văn học có đề tài trinh thám, hình sự không được xếp vào dòng văn học. Nhưng trong quá trình 20 năm nay, bằng thực tiễn sáng tác, bằng giá trị thật của các tác phẩm thì dòng văn học về đề tài bình yên cuộc sống, an ninh trật tự đã được xã hội thừa nhận.
Đặc biệt, từ khi hoạt động của lực lượng sáng tác công an phát triển mạnh thì đa phần các nhà văn lớn của nước nhà đều tham gia và có những tác phẩm viết về đề tài an ninh như nhạc sỹ Văn Cao, nhà văn Ma Văn Kháng, nhà văn Anh Đức, nhà văn Nguyễn Quang Sáng, Lê Lựu, Nguyễn Quang Thiều... Thế hệ trẻ hiện nay xuất hiện nhiều cây bút quan tâm, gắn bó với đề tài này. Đặc biệt khi truyền thông phát triển mạnh thì ngoài văn học, điện ảnh và sân khấu viết về đề tài an ninh trật tự, vì bình yên cuộc sống và về Hình tượng người chiến sĩ CAND chiếm một tỉ lệ rất cao.
Tôi không làm một phép so sánh, nhưng có lẽ chiếm đến 40% các tác phẩm về điện ảnh, sân khấu của nước nhà làm về đề tài này. Như vậy, 20 năm nay, tôi khẳng định dòng văn học về đề tài An ninh trật tự và bình yên cuộc sống có một bước đi bền bỉ, vững chắc và có thành tựu. Dù vậy, 20 năm nay cũng chưa có một cuộc hội thảo nào một cách kỹ lưỡng về đề tài và dòng văn học này... Đây là cuộc đầu tiên và cũng là cuộc mở màn chuẩn bị kỉ niệm 75 năm ngày truyền thống của lực lượng CAND sắp tới.
Hiện nay đội ngũ sáng tác của Lực lượng Công an có thể chia làm 3 thế hệ: Thế hệ những người lớn tuổi và có thành tựu viết về lực lượng công an như nhà văn Văn Phan, Ngôn Vĩnh, Khổng Minh Dụ, Lương Sĩ Cầm, Tôn Ái Nhân, Trần Hữu Tòng... Tiếp đến thế hệ chúng tôi, như nhà văn Như Phong, Đặng Vương Hưng, Phạm Khải, Hồng Thái, Bùi Ngọc Tấn, Phùng Thiên Tân... Thế hệ thứ 3 là các nhà văn trẻ, đặc biệt đội ngũ các nhà văn từ bên ngoài vào, nhưng họ thấy đây là một mảnh đất màu mỡ để có thể khai thác.
PV: Theo ông, các tác phẩm văn học về đề tài An ninh trật tự và Hình tượng người chiến sĩ Công an có những biến chuyển như thế nào trong hành trình 20 năm?
Trung tướng, nhà văn Hữu Ước: Tôi cho rằng, chưa bao giờ đời sống của người chiến sĩ công an có nhiều va đập xã hội mạnh mẽ và quyết liệt như bây giờ. Nó được cởi trói và có cái nhìn đa chiều, toàn diện và phản biện, tức là cán bộ công an không phải chỉ có những mặt tốt mà còn có những khuyết điểm, tồn tại bởi vì cuộc sống nó thế. Cho nên các tác phẩm chủ yếu nói về sự hy sinh thầm lặng của người chiến sĩ công an nhưng cũng có những tác phẩm dám động chạm đến cấp tướng mà sai phạm, vì nó phản ánh sự thật đời sống. Đó là những con sâu, hạt sạn trong lực lượng Công an. Đây là cuộc đấu tranh nội bộ gay gắt và nóng hổi.
Cuộc đấu tranh đó có ngay trong gia đình của các đồng chí công an tướng lĩnh với những những xung đột, mâu thuẫn nội tại. Để thấy rằng, nhiệm vụ của người chiến sĩ Công an hiện nay rất nặng nề, ngay cả đấu tranh với gia đình mình và đối diện với tình cảm của chính mình... Và điều này, chỉ có thể là văn học mới nói lên được, phản ánh được. Thực tế đời sống bộn bề phức tạp đa chiều lại là chất liệu phong phú cho các tác phẩm được xuất hiện.
Tuy vậy cái chúng tôi muốn gặt hái là khẳng định thành tựu của dòng văn học Công an, tạo đà cho các tác giả phát huy khả năng mọi lúc mọi nơi với hy vọng mảng để tài này đạt được nhiều thành tựu và có những tác phẩm tốt nhất!
PV: Chi hội Nhà văn Công an là một đơn vị đã kết nối các nhà văn không chỉ trong lực lượng mà đối với các nhà văn lớn trên cả nước. Nhiều năm liền phối hợp với Nhà xuất bản Công an, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức trại sáng tác, tổ chức các cuộc thi nhằm tìm kiếm tác phẩm xuất sắc. Hiện tại ông đang là Chủ tịch Chi hội, ông đánh giá thế nào về các thành tựu của Chi hội trong đợt tổng kết này?
Trung tướng, nhà văn Hữu Ước: Vai trò của Chi hội Nhà văn Công an là nơi kết nối các nhà văn lại với nhau, như một ngôi nhà họ đến đây gặp nhau để thổi bùng ngọn lửa đam mê sáng tác. Bởi vì những người sáng tác thường rất cô đơn, đặc biệt là những người đã về hưu. Xã hội bộn bề công việc, còn ít chú ý các lớp già, nhưng đó là điều vô lý nhất bởi những người hoạt động nghệ thuật thì không có tuổi tác. Ngôi nhà của Chi hội Nhà văn Công an, ngoài việc ủ lửa cho những nhà văn lớn tuổi thì còn truyền lửa cho những người viết trẻ. Đó là một sự kế tục.
Lực lượng Công an rất may mắn là từ ngày xưa, thời Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn, ngay từ một vở kịch, một bộ phim bác cũng duyệt, cũng xem. Sau này tiếp nối thế hệ lãnh đạo khác thì các đồng chí lãnh đạo Bộ vẫn luôn ủng hộ những người sáng tác, ủng hộ những người làm văn học, nghệ thuật phản ánh về lực lượng của mình. Phản ánh cuộc đấu tranh của các chiến sĩ công an nhất là với đời sống xã hội, với tội phạm, va đập giữa cái thiện cái ác... thật sự là khó khăn vô cùng, càng thời bình càng khó khăn. Tất cả các chất liệu này là một mảnh đất cho các cây bút khám phá, khai thác.
PV: Bản thân ông, nhà văn Hữu Ước, một người có chồng sách viết về lực lượng mình hẳn là một minh chứng cho việc một người có thực tiễn đời sống chiến đấu là chất liệu của cho văn chương thăng hoa...?
Trung tướng, nhà văn Hữu Ước: Văn học không bám cuộc sống thì không thành văn học, trở thành văn học một chiều. Văn học nếu bằng lặng, tẻ nhạt thì rất chán. Cuộc sống càng xù xì thì văn học có nhiều cái để phản ánh. Trong cái khắc nghiệt nhất, người ta vẫn vươn lên, đó là chất liệu tốt cho các nhà văn. Văn là người, chính vì thế văn học cần lấy chất liệu từ cuộc đời, còn hư cấu nó hay đến đâu thì tùy thuộc vào tài năng của nhà văn.
Ngôi nhà của báo chí, văn học nghệ thuật đã mang lại cho tôi mọi thứ vinh quang và tủi nhục, cũng tại mảnh đất này tôi đã có được mọi thứ trong cuộc đời, các tác phẩm của tôi mang dấu ấn cuộc đời và những câu chuyện của đời của người chiến sĩ Công an.
PV: Sau cuộc tọa đàm này, ông kỳ vọng điều gì về dòng văn học đề tài An ninh trật tự và Hình tượng người chiến sĩ Công an, thưa nhà văn?
Trung tướng, nhà văn Hữu Ước: Công an là lực lượng đầu tiên và có lẽ là duy nhất mạnh dạn tổ chức được 4 kỳ liên hoan sân khấu toàn quốc, quy tụ được hầu như các đoàn nghệ thuật sân khấu kịch mạnh nhất trên cả nước đến tham gia các vở sân khấu về hình tượng người chiến sĩ Công an. Đây là một giải truyền thống mà không phải bộ ban ngành nào cũng làm được.
Rất nhiều vở diễn sân khấu chuyển thể từ tác phẩm văn học. Điều này chứng tỏ đề tài văn học công an có chất liệu gần với sân khấu, điện ảnh. Đời sống thật càng gay gắt thì mới ra được kịch, được điện ảnh như một lẽ tự nhiên. Chúng tôi là người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật cũng biết nắm được thời cơ, cơ hội và biết được cách gieo hạt, gặt lúa.
Năm tới Bộ Công an cũng sẽ phối hợp với các hội chuyên ngành tổ chức cuộc thi rất lớn về sân khấu, tiểu thuyết nhằm góp phần làm nổi bật hình tượng người chiến sĩ công an, đáp ứng được nhu cầu của các cán bộ chiến sĩ công an, nhân dân biết được chiến công, sự hy sinh của người chiến sĩ công an. Đó cũng là cách để hình tượng người chiến sĩ công an đi vào đời sống nhanh nhất, tự nguyện nhất và hiệu quả nhất…
PV: Xin cảm ơn Trung tướng, nhà văn Hữu Ước!