Nhà văn Nguyễn Đình Thi trên bước đường cách mạng

Nguyễn Đình Thi là nghệ sĩ đa tài trên các lĩnh vực sáng tác âm nhạc và văn học.

Bút tích của nhà văn Nguyễn Đình Thi. Ảnh tư liệu.

Bút tích của nhà văn Nguyễn Đình Thi. Ảnh tư liệu.

rên bước đường cách mạng, Nguyễn Đình Thi có những cống hiến lớn lao và vinh dự được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật (đợt I, 1996).

Xuất sắc trên nhiều lĩnh vực

Nguyễn Đình Thi sinh ngày 2/12/1924 tại Luông Phabang (Lào), mất ngày 18/4/2023 tại Hà Nội, quê gốc làng Vũ Thạch, Hà Nội. Ông tham gia hoạt động Cách mạng từ 1941. Năm 1943, ông tham gia Hội Văn hóa cứu quốc (Phụ trách báo Độc Lập, tham gia soạn tạp chí Tiên phong); là đại biểu tham dự Quốc dân đại hội Tân Trào và được cử vào Ủy ban Giải phóng dân tộc.

Sau Cách mạng tháng Tám 1945, ông được cử làm Tổng thư ký Hội Văn hóa cứu quốc, Ủy viên Tiểu ban dự thảo Hiến pháp và Ủy viên Ban Thường trực Quốc hội (khóa I, 1946 - 1957); từ năm 1948 là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Văn nghệ Việt Nam (tiền thân của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam ngày nay).

 Nhà văn Nguyễn Đình Thi gia nhập quân đội từ năm 1952.

Nhà văn Nguyễn Đình Thi gia nhập quân đội từ năm 1952.

Từ 1955, Nguyễn Đình Thi công tác tại Hội Văn nghệ Việt Nam, giữ trách nhiệm Tổng thư ký (1956 - 1958). Từ 1958, ông làm Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam các khóa I, II, III (1958 - 1989). Nguyễn Đình Thi từng là Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam (1995 - 2000).

Nguyễn Đình Thi viết kịch, sáng tác tiểu thuyết, truyện ngắn, làm thơ, nghiên cứu phê bình... Một số tác phẩm chính: “Đất nước”, “Người chiến sĩ”, “Bài thơ Hắc Hải”, “Dòng sông trong xanh”, “Sóng reo”… (thơ); “Con nai đen”, “Rừng trúc”, “Nguyễn Trãi ở Đông Quan”, “Tiếng súng”, “Hòn cuội”… (kịch); “Xung kích”, “Vào lửa”, “Mặt trận trên cao”, “Vỡ bờ” (tiểu thuyết); “Bên bờ sông Lô”, “Tuyết” (truyện); “Sức sống của dân Việt Nam trong ca dao và cổ tích”, “Mấy vấn đề văn học”, “Một số vấn đề đấu tranh tư tưởng trong văn nghệ hiện nay”, “Công việc của người viết tiểu thuyết” (nghiên cứu - lý luận - phê bình) và “Nguyễn Đình Thi toàn tập” (5 tập).

Nguyễn Đinh Thi còn là nhạc sĩ tài danh với những nhạc phẩm để đời “Diệt phát xít”, “Người Hà Nội” hòa vào những bài ca đi cùng năm tháng, giai điệu tự hào như là những di sản văn hóa của đất nước thời đại cách mạng và kháng chiến.

Tuy nhiên, ít người biết trước 1945, ông còn say mê nghiên cứu triết học và dám “cả gan” viết sách về một lĩnh vực “khoa học của mọi khoa học”. Các tác phẩm khảo cứu về triết học và những triết gia lừng danh nhân loại được ông viết như “Triết học nhập môn”, “Siêu hình học”, “Triết học Kant”, “Triết học Nietzche”, “Triết học Einstein”, “Triết học Descartes”.

Tiên phong trong “nhận đường”

Cuộc Cách mạng tháng Tám 1945 đã hồi sinh nền văn hóa, văn học nghệ thuật dân tộc Việt sau cả nghìn năm Bắc thuộc và gần trăm năm đô hộ của thực dân Pháp.

Cách mạng có sức cảm hóa và lôi cuốn kỳ diệu cả một thế hệ văn nghệ sĩ tài ba đang đứng ở ngã ba đường “chọn một dòng hay để nước trôi” những năm áp sát cuộc Cách mạng – thời kỳ mà nhà thơ Chế Lan Viên phải thốt lên “Với tôi tất cả như vô nghĩa/Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau!” (Xuân).

Nhà thơ Xuân Diệu đã viết về Cách mạng như là “Cuộc tái sinh màu nhiệm”, nên mới thấy phơi phới “Cái thưở ban đầu Dân quốc ấy/ Nghìn năm chưa dễ đã ai quên” (Nhớ mùa Thu tháng Tám).

Nhưng cái cảm hứng lãng mạn đầy hào khí ấy cũng dễ qua đi khi tất cả bước vào cuộc kháng chiến “toàn dân, toàn diện, trường kỳ” đầy hi sinh gian khổ. Một nhiệm vụ mới đặt ra cho toàn thể văn nghệ sĩ có tinh thần yêu nước thương nòi là thực hiện đường lối “Kháng chiến hóa văn hóa, văn hóa hóa kháng chiến”. Muốn vậy văn nghệ sĩ phải thực hành phương châm “Sống rồi mới viết” theo cách diễn đạt của nhà văn Nam Cao.

Qua những thăng hoa cảm xúc buổi ban đầu, khi đi vào thực tế đời sống kháng chiến để sáng tác văn nghệ sĩ mới thấy hết những phức tạp, khó khăn của công việc “nhận đường”, được hiểu như là một cuộc đấu tranh tư tưởng - nghệ thuật mới để tìm kiếm và khai mở ra đường hướng tinh thần, cảm xúc, suy nghĩ mới phù hợp với thực tiễn của thời đại gia tốc “một ngày bằng hai mươi năm”.

Có một cách diễn đạt giàu hình ảnh thực trạng sáng tác lúc bấy giờ khi nghệ sĩ trở nên lạc hậu trước đời sống thì khác nào “tên hề đồng lóc cóc chạy theo đời sống”.

Trong bối cảnh đặc biệt ấy nhà văn Nguyễn Đình Thi, có thể nói là người đi tiên phong trong cuộc đấu tranh tư tưởng - nghệ thuật khi trình làng văn bút ký xuất sắc và tâm huyết “Nhận đường” (viết 31/12/1947, đăng trên tạp chí Văn nghệ số 1/1948).

Có thể coi đây là một cuộc tự kiểm điểm của người nghệ sĩ tự nguyện đi theo cách mạng và kháng chiến nhưng buổi ban đầu chưa hẳn đã hanh thông: “Văn nghệ với kháng chiến, nhiệm vụ văn nghệ, đường sáng tác của chúng ta, đã bốn năm ngày ngòi bút của tôi loanh quanh với mấy dòng chữ giễu cợt.

Còn tìm, còn lý luận gì nữa, đường đi sáng chói trước mắt! Nhưng bước chân còn vẫn loạng choạng. Tôi ghi lại lộn xộn những thắc mắc nhiều khi đau xót của một cuộc lột vỏ, cái xác cũ rụng xuống chưa rứt hẳn, da non mới mọc chưa lành, một chút gì chạm phải cũng rỏ máu. (...). Văn nghệ phụng sự kháng chiến, nhưng chính kháng chiến đem đến cho văn nghệ một sức sống mới. Sắt lửa mặt trận đang đúc nên văn nghệ mới của chúng ta. (...).

Không còn lầm lẫn, không còn nghi ngờ, chúng ta mạnh bạo bước lên. Nhưng sao chúng ta lắm khi khổ sở ngập ngừng. Đặt bút nhìn lại những sáng tác đã xong, chúng ta mới thấy một nghệ thuật vụng về yếu ớt, không nổi lên được gió bão của cuộc chiến đấu. Nhiều anh em muốn vứt bút làm một công việc khác hiệu nghiệm hơn” (Cách mạng, kháng chiến và đời sống văn học 1945 - 1954, Hồi ức kỷ niệm, Nxb Khoa học xã hội, 1995, tr.64-65).

Cùng chung chí hướng đấu tranh nhận đường, nhà văn Nam Cao lại có cách thể hiện riêng độc đáo trong truyện ngắn “Đôi mắt” (1948), được coi như một tuyên ngôn nghệ thuật mới của cả một thế hệ nhà văn tự nguyện đi theo cách mạng và kháng chiến. Phương châm “sống rồi mới viết” từ đó được các nhà văn thấu triệt và thực hành sáng tác.

Nên mới có phong trào “văn nghệ sĩ đầu quân”, bản thân nhà văn Nguyễn Đình Thi đã từng gia nhập quân đội từ 1952, làm Chính trị viên phó Tiểu đoàn tại Trung đoàn 102 (Trung đoàn Thủ đô), Đại đoàn 308 cho hết Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Có lẽ, từ cuộc “dấn thân” thú vị này mà ông đã viết thành công tiểu thuyết đầu tay phản ánh trực diện về bộ đội và chiến trường trong tiểu thuyết - phóng sự “Xung kích” (Giải thưởng Hội Văn nghệ Việt Nam 1951 - 1952).

Bài học về “nhận đường” trong sáng tác văn học nghệ thuật, thiết nghĩ, còn nóng hổi thời sự không cứ chỉ khuôn vào thời kỳ đầu của nền văn học mới 1947 - 1949, nó vẫn được “tiếp sóng” vào thời kỳ đấu tranh tư tưởng nghệ thuật phức tạp trong bối cảnh hòa bình 1955 - 1957, tiếp diễn sau đó vào đầu những năm 70 của thế kỷ XX và kéo dài tận đến thời kỳ Đổi mới (từ 1986) như một dấu mốc quan trọng xét về mặt lịch sử văn học. Sẽ không ít người đặt câu hỏi “Liệu vào thập kỷ thứ ba của thế kỷ 21 còn cần thiết nhận đường trên lĩnh vực sáng tạo văn học nghệ thuật?”.

Câu trả lời sẽ là “Tiếp tục!” Vì sao? Vì thời đại ngày nay có đặc điểm “phi truyền thống” trên tất cả các lĩnh vực. Sự chiếm lĩnh hiện thực đời sống của nghệ sĩ sẽ trở nên khó khăn hơn trong một thế giới phẳng và mở dưới tác động kỳ diệu của Internet và trí tuệ nhân tạo. Không nhận đường tiếp tục nghệ sĩ dễ có nguy cơ dạt vào hoang đảo như chàng Robinson Crusoe trong tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Anh Daniel Defoe.

 Nhà văn Nguyễn Đình Thi (trái hàng ngồi) ở Việt Bắc năm 1951. Ảnh tư liệu.

Nhà văn Nguyễn Đình Thi (trái hàng ngồi) ở Việt Bắc năm 1951. Ảnh tư liệu.

Một phẩm cách nghệ sĩ

Người ta hay nói đến cá tính, tính cách, nhân cách, số phận của một con người cá thể. Nhưng có một khái niệm chúng ta ít dùng là “phẩm cách” hay “phẩm giá” như là giá trị tinh thần cao quý riêng của con người.

Khi viết về nhà văn Nguyễn Đình Thi, trong tâm cảm của tôi, hai chữ (khái niệm) “phẩm cách” là hoàn toàn phù hợp đến mức sát thực, không có gì là quá đao to búa lớn. Nói chữ thì đó là “tâm” và “tầm” của nghệ sĩ ngôn từ ngày trước gọi là “hồng” và “chuyên”. Bây giờ nghe vẫn cứ không lạ tai, trái lại thấm thía hơn lúc nào hết.

Hiện đang có xu hướng viết lấy “tự ngã trung tâm” làm mục đích, nhằm phơi bày cái bản năng, bản ngã của mình càng lạ, càng khác biệt càng tốt, coi mình là “tiểu vũ trụ” là “ẩn số tâm hồn” con người. Cũng không có gì là sai nếu không đẩy đến cực đoan, cực tả.

Hình như thơ Nguyễn Đình Thi, cũng như của các nhà thơ tài năng khác trên văn đàn Việt Nam đương đại chỉ còn phục vụ cho việc học và thi cử (như đề thi môn Ngữ văn tốt nghiệp THPT 2024 vừa qua). Người trẻ ngày nay dường như không thích đọc những vần thơ ngân rung, hào sảng kiểu như:

“Súng nổ rung trời giận dữ

Người lên như nước vỡ bờ

Nước Việt Nam, từ máu lửa

Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”

(Đất nước – Nguyễn Đình Thi)

Tâm thế khát khao trở thành “công dân toàn cầu” của lớp trẻ không có gì là không đúng, trái lại cần khuyến khích. Nhưng có vẻ họ xa lạ với những vần thơ đậm đà khí vị dân tộc:

“Việt Nam đất nước ta ơi

Mênh mông biển lúa

đâu trời đẹp hơn

Cánh cò bay lả rập rờn

Mây mờ che đỉnh

Trường Sơn sớm chiều

Quê hương biết mấy

thân yêu

Bao nhiêu đời đã chịu

nhiều thương đau

Mặt người vất vả in sâu

Gái trai cũng một áo nâu

nhuộm bùn…”

(Trích trường ca “Bài thơ Hắc Hải” – Nguyễn Đình Thi)

Viết như thế là đứng vững trên nền tảng văn hóa dân tộc Việt Nam có truyền thống văn hiến lâu đời. Viết như thế là nghệ sĩ ngôn từ đã lặn rất sâu và yêu rất cao tiếng Việt “như bùn, như lụa” theo cách diễn đạt của thi sĩ Lưu Quang Vũ.

Trước khi đi ra thế giới chúng ta hãy đi hết dân tộc. Chữ thơ của Nguyễn Đình Thi biểu trưng cho sức sống và vẻ đẹp của tiếng Việt truyền đời – giàu biểu cảm và liên tưởng, giàu có lượng thông tin thẩm mỹ. Câu “Chữ bầu lên nhà văn” là hoàn toàn sát thực. Chữ trong văn Nguyễn Đình Thi giàu chất sống và giàu hàm lượng văn hóa.

Thủ đô Hà Nội có đường phố mang tên nhà văn Nguyễn Đình Thi, cạnh kỳ quan Hồ Tây. Sự kiện này là một lưu dấu văn hóa - lịch sử - văn chương. Nếu bất cứ ai có dịp đi trên con đường này dù một lần và vừa đi vừa thưởng thức nhạc phẩm “Người Hà Nội” (sáng tác 1947) do NSND Lê Dung thể hiện thì chắc chắn càng yêu Hà Nội nghìn năm văn hiến gấp bội. Tưởng nhớ nhà văn Nguyễn Đình Thi, không ít người ngẫm đến câu thơ “Trăm năm trong cõi người ta” của Đại thi hào Nguyễn Du.

Nhà văn Bùi Việt Thắng

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nha-van-nguyen-dinh-thi-tren-buoc-duong-cach-mang-post704982.html