Nhà văn Tống Phước Bảo: Văn chương trẻ tự mở toang cánh cửa thế giới
Cùng chất văn đậm đà hương sắc miền Tây Nam Bộ, bút lực sung mãn, cảm xúc bay bổng nhưng vẫn được tiết chế đầy lý tính qua kỹ thuật viết, nhà văn Tống Phước Bảo trở thành hiện tượng khi liên tục đạt được các giải thưởng văn chương thứ hạng cao nhất. Trong Hội nghị những người viết trẻ lần V - TP HCM, Tống Phước Bảo tham gia với Ban Nhà văn trẻ trong việc đồng tổ chức. Vừa ở bên trong soi chiếu, cũng có những khoảng lặng để quan sát bên ngoài, Tống Phước Bảo mong muốn mang tới thông điệp sống vui cùng văn chương đến các bạn trẻ.
“Tôi hay nói vui với bạn bè văn chương là ai than vãn văn chương cực nhọc hoặc không vui, hay khó khăn nhưng với tôi văn chương đã cho tôi một quãng sống rất hạnh phúc”. Nhà văn Tống Phước Bảo chia sẻ. “Chí ít đến thời điểm này tôi thấy mình được văn chương “đãi” rất nhiều. Đó là niềm vui có thêm bạn bè, có độc giả, có sách in và có những khoản nhuận, những chuyến đi trải nghiệm quý giá. Tôi đã sống bằng tâm thế như vậy với văn chương nên ở Hội nghị những người viết trẻ TP HCM lần V này, tôi muốn truyền đi một thông điệp sống vui cùng văn chương của mình đến các bạn trẻ. Tuổi trẻ và những bước chân đầu đời của thế hệ viết Gen Z hiện nay cần có một ai đó chịu “nhóm lửa” và “giữ lửa” để từ đó sẽ có một lứa viết mới đắm đuối cùng văn chương. Tôi vẫn nói văn chương không giàu, không thể cho một ai đó cuộc sống xa hoa nhưng chí ít với văn chương, nếu sống và viết tử tế tôi tin vẫn có một cuộc đời bình an và vui vẻ”.
Với các hoạt động của Hội nghị, Nhà văn Tống Phước Bảo có ba ngày cùng tham gia nhiều hoạt động văn học như tọa đàm, thực tế trải nghiệm, vui chơi chia sẻ với các tác giả trẻ, anh thấy thế hệ viết trẻ hôm nay rất giỏi: “Các bạn giỏi từ học thức, trình độ, kiến văn lẫn tư duy khai phóng và niềm tin mãnh liệt. Những thứ đó, thật lòng thế hệ viết 8X chúng tôi thiếu lắm. Các bạn tận dụng tốt sự phát triển của thời đại này. Các bạn tự mở toang cánh cửa thế giới. Các bạn mạnh dạn hướng đến một cái tôi trong văn chương tiệm cận thế giới. Các bạn không ngại thử thách mình bằng nhiều dòng văn học mới lạ và hơn hết các bạn có vốn ngoại ngữ rất tốt. Bấy nhiêu thôi tôi đã thấy thấp thoáng những cái tên sẽ làm chủ văn chương tương lai của nước nhà”.
Nhà văn Tống Phước Bảo chia sẻ, anh mừng vì các cây viết trẻ giỏi công nghệ, giỏi ngoại ngữ, bởi đó là hai nền tảng tốt nhất để các bạn hòa nhập với thế giới trong một kỷ nguyên số và thời đại phẳng. Anh từng ngồi giữa các cây bút trẻ sinh năm từ 1995 đến 2000, nghe các bạn nói về văn chương thế giới, mà các bạn đọc bằng bản tiếng Anh, hoặc tiếng Hàn, tiếng Pháp mới thấy các bạn đã bắt đầu ý thức một hành trình văn chương xa hơn: “Hành trình của các bạn cháy bỏng sự khát khao vượt thoát. Các bạn hội đủ yếu tố cần có để làm một cuộc hội nhập toàn cầu, và tôi tin thế hệ Gen Z sẽ làm được điều này”.
Theo nhà văn Tống Phước Bảo, cần có những tọa đàm văn chương, những trao đổi trò chuyện học thuật giữa những người đi trước, giữa các nhà phê bình văn học và thế hệ cầm bút. Đây là việc hết sức cần thiết và nên làm có định hướng, kế hoạch từng tháng, và mạnh mẽ với những chủ đề tươi trẻ, mới mẻ và thời đại hơn. Chính những tọa đàm này sẽ giúp những người trẻ học hỏi được nhiều điều từ thế hệ viết trước, cũng như lắng nghe những điều mà bản thân mình thiếu sót từ các nhà lý luận phê bình chia sẻ. Ở thời đại nào cũng vậy, dù người trẻ có cấp tiến, có nhiều ưu thế về công nghệ, truyền thông, ngoại ngữ cũng cần phải có sự dìu dắt, nâng đỡ và góp ý từ các thế hệ đi trước, các nhà lý luận phê bình để hoàn thiện hơn chính mình. Tuổi trẻ có sự mới mẻ nhưng thiếu kinh nghiệm, càng thiếu một phông nền văn hóa giàu bản sắc Việt mà các thế hệ đi trước đã dày công nghiên cứu: “Chúng ta thấy rõ ràng ở các giải thưởng văn chương thế giới, các tác phẩm đoạt giải đều có một phông nền văn hóa giàu tính bản địa và sắc thái riêng biệt. Dù chọn đề tài nào đi nữa thì câu chuyện văn hóa của dân tộc là câu chuyện không thể nào thiếu trong một tác phẩm. Tôi nghĩ văn chương không có khoảng cách hay rào cản nào hết về tuổi tác, vùng miền, hay giới tính. Văn chương không vĩ tuyến. Văn chương là một sự hợp lưu từ nhiều dòng chảy. Nếu chúng ta hợp lưu được thì mọi dòng chảy đều tự khắc biết nương náu vào nhau để lan tỏa một giá trị sâu thẳm của văn chương”.
Nhà văn Tống Phước Bảo cảm nhận, các tác giả trẻ ngày nay có hai thứ rất quý giá đó là sự mới mẻ và bứt thoát. Ở các bạn luôn có những tư duy sáng tác rất mới bởi sống trong một thời đại không còn nghèo đói, chiến tranh hay thiếu thốn: “Xã hội phát triển là một điều rất hay để từ đó tư duy của người trẻ cũng phát triển rất tốt. Họ dùng lăng kính trẻ để soi chiếu hiện thực xã hội và từ đó cất lời bằng ngôn ngữ. Ngôn ngữ có một mãnh lực nhất định tác động vào hệ ý thức của con người. Từ đó văn chương trẻ bứt thoát lên các ràng buộc cũ càng, các đề tài nhàm chán, các quy tắc bất dịch. Họ tự do bày biện một thứ văn chương giàu trí tưởng tượng hướng về tương lai. Họ bay trên đôi cánh trẻ để nâng ước mơ về một kỷ nguyên hưng thịnh của quê hương mình. Họ truyền tải tâm hồn Việt vào câu chữ để văn chương trẻ xoáy vào chính thân phận gắn cùng thế cuộc, tuổi trẻ gắn cùng lý tưởng, và trái tim gắn cùng đất nước. Từ đó, tôi soi lại chính mình, học ở họ điều mới mẻ, những năng lượng tươi trong với hành trình sống và viết. Chính sự vận động xoay trục văn chương của người trẻ cũng khiến tôi dặn mình không thể làm biếng viết, làm biếng suy nghĩ và làm biếng sáng tạo”.
Để nuôi dưỡng được tình yêu với văn chương và đi trên con đường văn chương này theo mục đích xác định và bước vững chắc, theo nhà văn Tống Phước Bảo, điều nuôi dưỡng người viết để có thể đi trọn vẹn hành trình này bằng những bước chân dài và xa chính là sự xác tín từ nhịp sống của mình: “Bạn cứ thử bỏ không viết đi. Bạn vẫn sống vui, sống khỏe, ngủ ngon và lòng chưa hề bứt rứt thôi thúc viết thì bạn chỉ mới yêu văn chương. Nhưng bạn luôn đau đáu về một đề tài, một câu chuyện mà buộc bạn phải dừng lại tất cả để viết ra cho bằng được, bất chấp không gian thời gian, thì đó là bạn đã thương văn chương rồi. Khi bạn yêu bạn sẽ ích kỷ, khi bạn thương bạn sẽ hy sinh. Chỉ khi bạn thấy mình thương văn chương hơn thân phận mình thì bạn chắc chắn sẽ đi trọn vẹn hành trình với văn chương. Khi bạn đã xác tín với văn chương thì việc còn lại là cân bằng quỹ thời gian. Và tin tôi đi bạn tự khắc sẽ biết hy sinh một điều gì đó để đổi lại thời gian cho viết lách. Mọi hy sinh đều sẽ được đền đáp”.
Nhà văn Tống Phước Bảo:
Hội Viên Hội Nhà Văn Việt Nam, Hội Viên Hội Nhà Văn TPHCM.
- Giải Nhất cuộc thi Truyện Ngắn “Một Nửa Làm Đầy Thế Giới” - NXB Văn Hóa Văn Nghệ 2019
- Giải Nhất cuộc thi Tạp Bút “Thành Phố Tôi Yêu” - Báo Thanh Niên 2020.
- Giải Nhất cuộc thi Tạp Bút “Quê Nhà Dấu Yêu” - Báo Áo Trắng 2020.
- Tặng thưởng Văn xuôi năm 2020 của Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội.
- Giải A cuộc thi Văn hóa nghệ thuật “120 năm Sapa” - tỉnh Lào Cai, năm 2023.
- Giải Nhất cuộc thi viết “Chuyện của những dòng sông” - Báo VietNamnet, năm 2024.
Và nhiều giải thưởng khác.
Sách đã in:
Cả Một Trời Thương (NXB VHVN TPHCM - 2018)
Mình Gọi Nhau Là Cưng (NXB VHVN TPHCM - 2019)
Les Từng Centimet, Đừng Vội Ghét Khi Chưa Kịp Thương (NXB Hội Nhà Văn - 2020)
Sài Gòn Còn Thương Thì Về (NXB Đà Nẵng - 2021)
Hỗn Kỳ Đài (NXB Hội Nhà Văn – 2021)
Biết Vọng Cố Hương Biết Thương Xứ Mình (NXB Thanh Niên – 2022).
Linh Đinh Tình Phù Sa (NXB Thế Giới – Phương Nam Book – 2022)
Và hơn 20 đầu sách in chung.