Nhạc sĩ Đinh Gia Hòa: Sự thăng hoa cảm xúc những giai điệu về quê hương, đất nước
Vượt qua 119 tác phẩm của 75 nhạc sĩ trong cả nước dự cuộc vận động sáng tác 'Ca khúc Quảng Bình 2019'- ca khúc 'Tiếng vọng Phong Nha' của nhạc sĩ Đinh Gia Hòa đã đạt giải cao (giải Ba - không có giải Nhất). Tuy nhiên, chỉ khi giai điệu hào sảng của bài hát vang lên làm cả khán phòng lặng đi thì nhu cầu muốn tìm hiểu sâu hơn về nhạc sĩ mới thúc bách trong tôi.
Sự kết hợp giữa ngọt ngào dân ca và hào sảng sử thi
Nếu chỉ nghe nhạc của Đinh Gia Hòa, chắc ít ai biết ông đã 75 tuổi, bởi sự hừng hực “sức trẻ” chiếm lĩnh gần như hầu hết các sáng tác của ông. “Tiếng vọng Phong Nha” lấy chất liệu từ tiếng vọng của đá; hồn đất, hồn đá âm vang toàn bài ca, như tiếng của cha ông từ ngàn xưa vọng lại hát mừng non nước Quảng Bình tươi đẹp hôm nay. Sức hút kỳ diệu của bài hát còn ở âm hưởng dân ca ngọt ngào, sâu lắng của xứ sở “Thiên Nam đệ nhất động”.
Với “Đà Nẵng đẹp như mơ” (từng được ca sĩ Hồ Quỳnh Hương biểu diễn, với phần múa phụ họa của vũ đoàn Grammy) mở đầu cho phần thi trình diễn của đội pháo hoa Việt Nam vào dịp 30/4/2012, hàng nghìn khán giả khắp mọi miền đất nước cũng như được hòa mình vào không khí tràn ngập tin yêu trước vẻ đẹp của giang sơn, gấm vóc.
Có người đã trực tiếp bày tỏ cảm nghĩ về ca khúc này: “Âm thanh và ánh sáng như hòa quyện với nhau, những tà áo dài thiếu nữ tung bay trong điệu múa uyển chuyển theo từng nốt nhạc lên bổng, xuống trầm đã gieo vào tâm hồn tôi một khát vọng sống, một mơ ước đến tương lai tươi sáng”.
Sự trụ bám bền bỉ trong lòng khán thính giả yêu nhạc Đinh Gia Hòa là ở những ca khúc hòa quyện giữa chất dân ca trữ tình với chất sử thi hùng tráng. Có lẽ bởi anh là một nhạc sĩ “tự hát” lên tiếng lòng mình. Chỉ cần dạo qua một loạt các tiêu đề ca khúc sẽ thấy điều đó: “Đà Nẵng đẹp quá”; “Đà Nẵng đẹp như mơ”; “Đà Nẵng và em”; “Anh cùng em hát điệu hò khoan”; “Quảng Bình đất mẹ yêu thương”…
Trong các sáng tác của mình, nhạc sĩ Đinh Gia Hòa thường chọn giai điệu tiết tấu truyền thống 2/4, 4/4 nhẹ nhàng, tha thiết nhưng vẫn có những nhấn nhá, phá cách đầy sáng tạo bằng một thứ nhịp điệu bên trong của tâm hồn, lúc lên bổng, lúc xuống trầm, lúc thì thầm, khi thánh thót và có cả những “khoảng lặng” lung linh. “Đà Nẵng đẹp như mơ” mở đầu bằng âm trầm như lời rủ rê thủ thỉ “Chiều nay anh đưa em đi qua cầu Sông Hàn lộng gió. Ngắm đôi bờ thành phố thân yêu. Có phải chốn xưa hay xứ sở nào đây”…
Rồi âm vực lên cao, tới cao trào, rồi lại thoắt trầm, thoắt bổng như những xúc cảm yêu thương tự nhiên không ngăn nổi nơi lồng ngực “Ánh điện sáng lên bao sắc màu hào quang. Phải không em, ôi thành phố đẹp vô vàn. Anh sẽ đưa em đi qua mấy nhịp Cầu Rồng. Để thấy đất này theo rồng cuốn bay lên. Thấy Tiên Sa rực rỡ những nàng tiên”…
Cũng với tâm tình tha thiết, chọn những danh lam thắng cảnh điển hình đưa vào ca từ, bài “Đà Nẵng và Em” cảm xúc đạt đến độ thăng hoa “Ta đã yêu nhau bên dòng sông Hàn. Dòng sông quê hương đang tràn đầy sức sống. Nâng cánh ta bay lên vùng trời mơ ước. Tha thiết yêu thương mảnh đất trọn vẹn nghĩa tình. Mảnh đất đơm hoa kết trái ngọt lành”.
Được biết, nhạc sĩ Đinh Gia Hòa đã có 8 ca khúc được giới thiệu trong chương trình “Tác giả tác phẩm” trên các Đài Phát thanh – Truyền hình của Đà Nẵng, của Quảng Bình và 10 ca khúc được in trên các tạp chí văn nghệ ở một số tỉnh, thành miền Trung.
Ông cũng được nhận một số giải thưởng âm nhạc, trong đó phải kể đến “Tiếng vọng Phong Nha” (như đã kể trên) và “Đà Nẵng đẹp như mơ” được giải A của Hội Âm nhạc TP Đà Nẵng, giải Khuyến khích của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. Tác phẩm đã 3 lần được biểu diễn khai mạc Lễ hội Pháo hoa Quốc tế Đà Nẵng truyền hình trực tiếp trên sóng truyền hình VTV1, VTV4… Tình yêu thương quê hương, lý tưởng sống, chiến đấu để bảo vệ quê hương tươi đẹp là cảm xúc xuyên suốt các sáng tác của nhạc sĩ Đinh Gia Hòa.
Ân tình thủy chung như nhất
Giữa dòng đời ồn ã, náo nhiệt và xã hội đầy biến động lệch chuẩn, thật khó nhận ra người nhạc sĩ giản dị, khiêm nhường vốn xuất thân từ một thầy giáo chỉ quẩn quanh với giáo trình, bục giảng.
Năm 1962, sau khi tốt nghiệp loại ưu cấp 3 Quảng Bình, chàng trai Đinh Gia Hòa gia nhập thanh niên xung phong. Đầu năm 1964, đế quốc Mỹ leo thang phá hoại miền Bắc, Quảng Bình nằm trong tọa độ đánh phá ác liệt. Cũng như bao thế hệ thanh niên bấy giờ, Đinh Gia Hòa tham gia nhiều hoạt động cả ở tiền phương lẫn hậu phương.
Năm 1966, sau khi về nhận công tác ở Ty Văn hóa Quảng Bình, ông phụ trách mảng âm nhạc, đẩy mạnh phong trào “Tiếng hát át tiếng bom”. Nhiều người con của Đồng Hới Quảng Bình bây giờ tóc đã nhuộm sương vẫn còn nhớ đến tác phẩm đầu tay “Bài ca phố biển” của Đinh Gia Hòa ra đời ở thời điểm này: Ngày bấy giờ, bài hát có sức mạnh truyền khí thế ra trận cho lớp trẻ. Dù công nghệ sao in, băng đĩa lưu trữ thời bấy giờ chưa có, nhưng 50 năm qua, dư âm của “Bài ca phố biển” vẫn còn vang vọng.
Còn nhạc sĩ Đinh Gia Hòa thì nói về bài hát này vẫn là những lời “gan ruột: “Có những buổi chiều ngồi ở lưng đồi nhìn hoàng hôn tím ngắt phía bìa rừng, nhớ về phố biển mà lòng bật lên những tứ thơ, ý nhạc: “Nhớ chi mà cháy gan, cháy lòng. Ước chi cho tôi được vẫy vùng trong nước sông Nhật Lệ”…
Sự trải nghiệm âm nhạc từ cuộc sống nghề nghiệp cộng với kiến thức được trau dồi từ trường Trung cấp âm nhạc Việt Nam, từ những người thầy dạy nhạc tài năng, đức độ đã hun đúc lên một nhạc sĩ “pha màu” giữa tố chất nghệ sĩ và mô phạm.
Thời gian làm thầy giáo giảng dạy tại Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Nẵng (1977-1995), nhạc sĩ Đinh Gia Hòa được nhiều lớp sinh viên ngợi ca bởi sự tận tụy, đam mê trong từng giờ đứng lớp: “thầy kẻ những khuông nhạc rất chuẩn, vẽ những nốt nhạc rất đẹp. Giọng thầy mới truyền cảm làm sao”- cựu sinh viên Trần Thu Hà kể lại.
Trong buổi gặp mặt 40 năm lớp Văn Nhạc 2D, sinh viên Vũ Thị Minh Thường bày tỏ: “Thầy chưa bao giờ nặng lời quở mắng những bạn không đạt yêu cầu mà luôn động viên các bạn cố gắng”.
Lòng nhân ái, bao dung là vốn liếng quý giá cho bất cứ tác phẩm văn chương nghệ thuật nào. Ở nhạc sĩ Đinh Gia Hòa, sự ân tình thủy chung như nhất với những vùng đất, con người ông đã đi qua, đã tiếp xúc thể hiện khá rõ. Phạm vi đề tài sáng tác của nhạc sĩ không rộng, chủ yếu viết về nơi chôn nhau cắt rốn Quảng Bình và quê hương thứ hai Đà Nẵng nhưng sáng tác nào của ông cũng được công chúng đón nhận nồng nhiệt.
Sẽ thật là thiếu sót nếu không nhắc đến ca khúc mới “Bạn tôi” của nhạc sĩ Đinh Gia Hòa viết về người bạn học cùng quê, một “người lính trận” rất đặc trưng cho phẩm chất tốt đẹp của người lính Cụ Hồ, từ bỏ giảng đường, hy sinh tuổi thanh xuân để lên đường bảo vệ Tổ quốc. Chưa thấy có một nhạc sĩ nào mà lại viết được một ca khúc đến say sưa, đến thắm thiết về người bạn cùng giới mình đến thế. Nhạc sĩ đã lý giải về tình cảm đó: “Chính bạn đã cho tôi, trọn vẹn câu trả lời, vì sao ta chiến thắng; vì sao ta vững bước, tới tượng đài vinh quang…”.
Nhạc sĩ Đinh Gia Hòa còn phổ nhạc khá thành công chính bài thơ “Cánh tay thầy giáo” của nhà giáo Trần Khởi (nhân vật “Bạn tôi”). Và ông thốt lên: “Lịch sử đất nước đã làm nên một thế hệ sống đẹp đến hoàn hảo như thế !”.
Khi viết đến đây lại nhớ tới lời của cố Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh khi nói về nhạc sĩ Đinh Gia Hòa: “Người tài bất chợt lắm, nhiều lúc họ lẩn khuất đâu đó trong nhân dân. Đơn giản như cái ông gì đấy (Đinh Gia Hòa- NV) tình cờ tôi được biết, mà viết được bài hát về Đà Nẵng hay như thế. Người tài họ khiêm tốn rứa đó”…
Còn tôi thì lý giải, sự thăng hoa cảm xúc trong những sáng tác của nhạc sĩ Đinh Gia Hòa từ chính tình yêu cái đẹp, yêu quê hương, đất nước đã đi vào máu thịt con người ông.