Nhạc sĩ Vũ Thiết: Khi làm việc tôi thấy mình trẻ ra
Nhạc sĩ Vũ Thiết là tác giả của những bài hát như 'Nghe câu quan họ trên cao nguyên', 'Khúc tráng ca biển', 'Lời sóng hát', 'Tiếng hát bên dòng sông Trà'... Cuộc đời sáng tác âm nhạc của ông gắn liền với nhiều vùng miền, đặc biệt là Tây Nguyên, Hà Nội và biển. Khi về hưu, ông vẫn đều đặn cho ra đời những ca khúc mới, thể hiện sự bền bỉ, hăng say với âm nhạc.
- Trong chuyến đi thực tế theo lời mời của UBND tỉnh Nghệ An, tôi may mắn được đọc một bài thơ của nhà thơ xứ Nghệ Hồ Tịnh Văn, hiện là giáo viên, công tác tại Đồng Nai. Bài thơ có tiêu đề “Ví Giặm ân tình”. Từ trước tới giờ, tôi vẫn luôn thích dân ca xứ Nghệ, cảm thấy bài thơ này rất hợp với mình. Bài hát đã chạm đến cảm xúc của tôi bởi những ca từ mộc mạc như “Xuôi dòng Lam Giang nghe câu hò ví giặm, nối bờ yêu thấm đẫm trang Kiều/ Nguyễn Du ơi sao nặng lòng đến thế/ Xứ Nghệ quê mình sao yêu quá là yêu... Vai áo cha rách toạc giữa dòng đời/ Con sóng nước cứ dập dờn mãi vỗ/ Để trọn đời yêu quê lắm, quê ơi...". Dân ca xứ Nghệ rất hay, trữ tình, sâu thẳm nhưng khi sáng tác, nếu anh không cẩn thận thì sẽ bị luẩn quẩn theo vòng dân ca ấy. Khi viết nhạc, tôi đã phá đi để khi nghe vừa có chất dân gian, vừa mang chất hiện đại trong đó. Hiện tại tôi đang thu âm bài hát này.
- Người ta thường nói nhạc sĩ Vũ Thiết là người có cơ duyên với nhiều vùng miền, vì thế mà ông đã sáng tác nên “Nghe câu quan họ trên cao nguyên”, “Tiếng hát bên dòng sông Trà”, gần đây là “Quảng Ngãi ngày về” và “Bắc Ninh ngày tôi về”... Cái tứ để cho ra đời những bài hát đó đến với ông như thế nào?
- Tôi viết rất nhiều về những miền quê. Trước đây tôi là một nhạc công trong đoàn ca múa tỉnh Đắk Lắk. Những năm tháng ấy tôi đi diễn từ Nam ra Bắc rất nhiều. Một điều thuận lợi nữa là sau khi tốt nghiệp Nhạc viện, tôi được phân công về Đài Tiếng nói Việt Nam công tác, được làm trong lĩnh vực âm nhạc. Tôi được đi nhiều nơi, được biết về cuộc sống con người ở những nơi đó và đặc biệt là có cơ hội tìm hiểu dân ca của từng miền khác nhau. Đó là một yếu tố rất thuận lợi cho người sáng tác.
Năm 1982 tôi viết bài “Nghe câu quan họ trên cao nguyên”, lấy ý thơ của nhà thơ Hữu Chỉnh. Bài hát đó có âm hưởng dân ca quan họ.
Với bài “Bắc Ninh ngày tôi về”, tôi cũng lấy nét quan họ “người ở đừng về” nhưng lại mang phong thái khác. Tức là nó đúng nghĩa dân tộc hiện đại, mang tính thời đại. Với bài hát “Bắc Ninh ngày tôi về” là một sự tình cờ khi thành phố Bắc Ninh mời các nhạc sĩ viết bài hát nhân kỷ niệm ngày thành lập. Khi ấy tôi đã nghĩ rằng: Khi viết về thành phố hiện đại thì đương nhiên phải có tính công nghiệp. Tôi cũng thích viết một cái gì đó về Bắc Ninh hiện đại và nét nhạc nảy ra trong đầu tôi ngay lúc đó. Cũng may là khi bài hát này ra đời, ca sĩ Tùng Dương đã thể hiện nó với một chất giọng khỏe, chuyên nghiệp và tôi rất hài lòng về phần thể hiện của anh ấy.
- Ông có nhiều sáng tác là do đặt hàng. Làm thế nào để tìm cảm hứng và tìm cho mình một hướng đi riêng, không phụ thuộc vào sự đặt hàng đó?
- Tôi nghĩ rằng, viết theo đặt hàng có nghĩa là mình được một tổ chức, đơn vị nào đó tạo điều kiện thuận lợi để sáng tác, điều đó cũng hay chứ. Việc đặt hàng sáng tác có từ những thế kỷ trước, nhạc sĩ nổi tiếng Beethoven cũng viết nhạc theo lời mời của các gia đình quý tộc. Tôi cho rằng, nếu viết theo đặt hàng mà hay, có chất lượng thì đó cũng là một sự thành công. Vấn đề không phải là cảm hứng hay không cảm hứng mà là đầu óc, con tim suy nghĩ một cách nghiêm túc để ra một tác phẩm âm nhạc tốt, hay. Còn để sáng tác nên những bài hát nổi tiếng thì khó lắm.
Trong đời nhạc sĩ, chỉ cần một bài hát hay mà khi hát lên ai cũng biết là tốt lắm rồi. Các thế hệ nhạc sĩ tiền bối như Hoàng Vân, Phan Huỳnh Điểu, Đỗ Nhuận, Hoàng Hiệp... có nhiều bài nổi tiếng thì đó là những “tượng đài” trong lòng chúng tôi. Viết cho khác, cho hay và để người ta nhớ tới là điều không đơn giản. Còn chặng đường sáng tác đã qua của tôi, có lẽ bài hát để mọi người nhớ đến mình là bài “Nghe câu quan họ trên cao nguyên”, “Khúc tráng ca biển”, “Lời sóng hát”. Nhưng những điều đó còn nhỏ bé lắm.
- Mặc dù đã nghỉ hưu nhưng nhạc sĩ Vũ Thiết vẫn liên tục cho ra đời những sáng tác âm nhạc mới. Có vẻ nguồn lực trong ông vẫn rất dồi dào?
- Bởi vì đó là đam mê! Khi mình cứ làm việc thì mình lại trẻ ra, mình cũng thấy khỏe hơn. Như nhạc sĩ Nguyễn Cường, ở tuổi gần 80 còn dựng vở thanh xướng kịch “Đam San” rất hoành tráng, chứng tỏ sức viết, sức làm việc của ông còn dồi dào.
- Trân trọng cảm ơn nhạc sĩ Vũ Thiết!