'Nhân chứng' cách mạng

PTĐT - 75 mùa thu đã qua nhưng trong tâm khảm những lão thành cách mạng - nhân chứng sống của những ngày tháng bi tráng của dân tộc vẫn vẹn nguyên khí thế hào hùng, long trời lở đất...

PTĐT - 75 mùa thu đã qua nhưng trong tâm khảm những lão thành cách mạng - nhân chứng sống của những ngày tháng bi tráng của dân tộc vẫn vẹn nguyên khí thế hào hùng, long trời lở đất của đoàn quân cách mạng theo lá cờ đỏ sao vàng rầm rập tiến vào thị xã, các tỉnh lân cận rồi hợp quân về giải phóng Hà Nội làm nên cuộc Tổng khởi nghĩa thành công, đưa dân tộc ta bước vào kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Qua thời gian, những “thước phim tư liệu” vô giá chất chứa tâm tư, tình cảm của những lão thành cách mạng ngày càng giá trị, truyền cảm hứng, niềm tự hào cho các thế hệ tiếp nối.

“Sự đổi thay kỳ diệu…”

Bước sang tuổi 97, sức khỏe của ông Hoàng Đức Quân ở khu 5, xã Yên Kiện, huyện Đoan Hùng đã suy giảm nhiều, lúc nhớ lúc quên nhưng riêng ký ức về quãng đời hoạt động cách mạng giai đoạn chuẩn bị tổng khởi nghĩa vẫn sống động trong ông như vừa mới diễn ra.
Nghe theo tiếng gọi của cách mạng, tháng 5/1945 người thanh niên Hoàng Đức Quân rời ghế nhà trường trực tiếp tham gia hoạt động khởi nghĩa giành chính quyền tại địa phương và được cử làm Bí thư thanh niên cứu quốc xã thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền và tập hợp thanh niên, nông dân tham gia cách mạng, quyên góp gạo cứu đói, dạy bình dân học vụ. Những năm tháng ấy, đôi chân của ông đã đi mòn các nẻo đường các xã thuộc huyện Đoan Hùng. Và không có gì đáng nhớ hơn những giờ khắc quân dân Yên Kiện đứng lên giành tự do và quyền làm chủ của mình. Khắp nơi vang rền tiếng hô: “Việt Nam độc lập muôn năm”, “Việt Minh muôn năm”. Chính quyền cũ tan rã, Tri huyện nộp ấn tín, sổ sách giấy tờ cho cách mạng. Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, ông Quân tham gia công tác chính quyền nhân dân tại xã Yên Kiện, tích cực đóng góp công sức cho các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Đế quốc Mỹ xâm lược; chung sức cùng Đảng bộ, chính quyền và người dân xây dựng quê hương. Ông đã nhiều lần được Đảng, Nhà nước trao tặng phần thưởng cao quý: Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến hạng Nhì của Chính Phủ… Lão thành cách mạng Hoàng Đức Quân chia sẻ: Nhìn lại những năm tháng tuổi trẻ hào hùng đó, tôi không thể nào quên. Càng tự hào về quá khứ, chúng tôi càng phấn khởi trước những thay đổi của đất nước, của quê hương, phố phường rộng mở, đẹp đẽ, nhà cửa khang trang, tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được cải thiện, nhân dân ấm no, hạnh phúc. Riêng huyện Đoan Hùng, quê hương của tôi, đã có những chuyển biến mạnh mẽ, mang tính đột phá, tạo tiền đề, động lực để bứt phá trong tương lai. Hệ thống hạ tầng giao thông huyết mạch được đầu tư, góp phần kết nối giao thông, tạo điều kiện thông thương, phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Những điều đó có được là thành quả của biết bao thế hệ đã đổ mồ hôi xương máu, vun đắp dựng xây. Cách mạng đã đem đến sự đổi thay kỳ diệu cho đất nước và mỗi người dân…

“Tôi tự hào khi được sống và chiến đấu trên vùng đất giàu truyền thống cách mạng”

98 tuổi đời, hơn 70 năm tuổi Đảng - lão thành cách mạng Hà Hữu Lược, nguyên Chủ nhiệm Hợp tác xã Điêu Lương, huyện Cẩm Khê vẫn chuyên tâm nghiên cứu và đọc sách, báo hàng ngày theo thói quen ăn sâu trong tiềm thức. Mỗi năm, cứ đến dịp kỷ niệm cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, ông Lược lại tự hào kể cho con cháu quãng thời gian đáng nhớ của đời mình: “Ngay từ đầu năm 1945, không khí cách mạng đã vô cùng sôi nổi, ngay cả ở vùng quê nằm sâu trong núi như Điêu Lương, lực lượng thanh niên cũng được giác ngộ cách mạng vô cùng mạnh mẽ. Ngày mùng 1 tháng giêng năm 1945, tôi cũng giác ngộ và tham gia vào một tổ chức thanh niên du kích vừa làm nhiệm vụ liên lạc, vừa canh gác bảo vệ an toàn tại chiến khu Vạn Thắng rồi hoạt động ở chiến khu Vạn Thắng (huyện Cẩm Khê) và trực tiếp tham gia khởi nghĩa giành chính quyền cấp tỉnh ở thị xã Phú Thọ. Trước những hoạt động cách mạng sôi nổi, chính quyền phong kiến - chỗ dựa cai trị của Nhật ở các làng, xã trong huyện hoàn toàn bị tê liệt. Tại Điêu Lương, tháng 8/1945, dưới sự chỉ đạo của UBND cách mạng lâm thời huyện và Huyện bộ Việt Minh, UBND cách mạng lâm thời xã Điêu Lương được thành lập.
Hơn 2/3 thế kỷ chứng kiến quê hương thay đổi mỗi ngày, ông Lược càng thêm tự hào: Chúng tôi, lứa thanh thiếu niên thời ấy cũng cố gắng đóng góp sức mình cho quê hương. Bây giờ các thế hệ tiếp nối đã và đang xây dựng địa phương phát triển mạnh mẽ. Cẩm Khê từ một huyện nghèo, đời sống người dân khó khăn mà bây giờ ngày càng khởi sắc. Người dân được hưởng lợi từ những công trình giao thông lớn, những chính sách hỗ trợ, những công trình phúc lợi xã hội… Đây là điều mà ai cũng nhìn thấy được. Tôi mong rằng với truyền thống vẻ vang mà Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện đã vun đắp, phát huy sẽ có nhiều thành tựu hơn trong thời gian tới góp phần vào sự phát triển của tỉnh nhà.

Tự hào là “người cách mạng”

Vẫn vẹn nguyên trong từng lời kể khi ông Bùi Văn Kiểu (sinh năm 1922 tại khu 7, xã Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao) nhắc về những năm tháng kháng chiến chống Pháp ở làng quê Kinh Kệ xưa.
Năm 1943, sau khi thực dân Pháp đàn áp phong trào cách mạng, khu vực phía Nam của tỉnh chỉ còn cơ sở Đảng ở Kinh Kệ (nay là xã Phùng Nguyên, Lâm Thao). Do đó, từ giữa năm 1943 đến khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám, Kinh Kệ trở thành hạt nhân xây dựng phong trào cách mạng. Tháng 9 năm 1944, các đại biểu tại hội nghị đại biểu các đoàn thể cứu quốc đã họp và nhất trí đặt bí danh cho làng Kinh Kệ là làng Quyết Tâm để biểu thị tinh thần cách mạng triệt để của dân làng. Anh trai ông Kiểu - ông Bùi Văn Kiệm là cán bộ cách mạng tham gia từ những ngày đầu. Bởi vậy, từ nhỏ, ông Kiểu đã ý thức được trách nhiệm của mình nuôi dưỡng tinh thần, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì quê hương, Tổ quốc. Năm 21 tuổi, ông Kiểu quyết tâm tiếp bước anh trai mình tham gia cách mạng. Ngày 17 tháng 8 năm 1945, Mặt trận Việt Minh tại Kinh Kệ tổ chức mít tinh, kêu gọi người dân đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền, trước Tổng khởi nghĩa cả nước 2 ngày. Nhờ ý chí quyết tâm, đồng lòng của dân làng, chính quyền đã nhanh chóng thuộc về Việt Minh. Dân làng Kinh Kệ như vỡ òa trong niềm vui mừng thắng lợi.Cách mạng tháng Tám thành công đã mở ra một chương mới cho cuộc sống người dân cả nước nói chung và Kinh Kệ nói riêng. Cả cuộc đời gắn bó với mảnh đất quê hương, ông Kiểu là một trong số những người được chứng kiến rõ nét sự thay da đổi thịt của làng quê Kinh Kệ từ những ngày đầu sau cách mạng. Ông chia sẻ: “Sau khi giành chính quyền, người dân làng Kinh Kệ nỗ lực tập trung phát triển mọi mặt kinh tế - xã hội. Diện mạo làng Kinh Kệ đổi thay với các công trình giao thông, trường học, trạm y tế... được xây dựng khang trang, sạch đẹp. Người dân hăng hái tham gia sản xuất nông nghiệp, dồn điền đổi thửa, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật nâng cao năng suất, sản lượng, các mô hình chăn nuôi trang trại được xây dựng và mang lại hiệu quả kinh tế. Đời sống nhân dân từng bước được nâng cao, đủ đầy. Thành quả hôm nay chính là sự nối tiếp truyền thống cách mạng trong thời kỳ kháng chiến. Đảng bộ và nhân dân Phùng Nguyên vẫn đang tiếp tục đoàn kết, chung tay xây dựng quê hương giàu đẹp, xứng đáng với truyền thống cách mạng vẻ vang của làng quê Kinh Kệ một thời”.May mắn được sống và chiến đấu trong những năm tháng kháng chiến gian khổ của dân tộc, lão thành cách mạng Bùi Văn Kiểu càng thêm trân trọng, tự hào về thắng lợi vẻ vang của cách mạng tháng Tám, quý trọng cuộc sống bình yên, ấm no, giàu đẹp của làng quê hôm nay. Dù đã ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng ông Kiểu vẫn ngày ngày cần mẫn, say mê lao động, rèn luyện và học tập theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông luôn tâm niệm phải sống cuộc đời có ý nghĩa, trách nhiệm để xứng đáng với lý tưởng độc lập, tự do đất nước.

Trọn đời trung kiên, tận tụy
Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước, ngay từ nhỏ, thiếu niên Đào Vĩnh (sinh năm 1928 tại khu 4, xã Quang Húc, huyện Tam Nông) đã neo giữ niềm tin yêu, khát khao được chiến đấu và sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc. Nhớ về những ký ức khi xưa, ông rưng rưng niềm xúc động: “Thuở ấy cuộc sống khốn khó, dân làng cơ cực, lầm than dưới ách thống trị thực dân Pháp. Ngày rời quê hương lên đường tham gia kháng chiến, tôi chưa từng có hình dung nào về nơi tiền tuyến, mệnh lệnh từ trái tim cứ thế thôi thúc tôi cùng đồng đội lên đường”. Tháng 3 năm 1945, ông được cử làm đội viên liên lạc, bí mật tham gia tuyên truyền và tập hợp thanh niên tại chiến khu Vạn Thắng, huyện Cẩm Khê. Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, trở về quê nhà, ông vinh dự được phát biểu tại lễ mít tinh mừng chiến thắng tại quê hương. Niềm tự hào rạng ngời trên gương mặt người lính trẻ ấy đã thổi bùng lên ngọn lửa nhiệt huyết, dũng cảm xông pha, cứ thế ông tiếp tục hành trình cống hiến cho cách mạng. Năm 1951, ông được cử làm Đại đội trưởng Đại đội TNXP 407, đội 40 Tây Bắc thuộc Thanh niên xung phong Trung ương, hoạt động liên tục suốt 4 năm trong các chiến dịch Hòa Bình (1951 - 1952), Tây Bắc (1952 - 1953), Điện Biên Phủ (1953 - 1954). Thầm lặng với những gian khổ, vết tích chiến tranh in hằn trên cơ thể ông cũng dày theo năm tháng. Sau khi kháng chiến chống Pháp thắng lợi, ông tiếp tục được tín nhiệm giữ nhiều chức vụ khác nhau và từng có thời gian được công tác tại Lào.Chứng kiến bao trang sử truyền thống viết bằng máu xương cha anh, sự đổi thay của mảnh đất quê hương mình, người chiến sĩ lão thành cách mạng Đào Vĩnh vẫn luôn giữ trọn lòng tin yêu đất nước, biết ơn những năm tháng kháng chiến đã qua. Phấn khởi trong từng lời nói, ông bộc bạch: “Quê hương giờ đã thay áo mới, đường giao thông nội đồng được mở rộng và bê tông hóa, những ngôi nhà xây dựng kiên cố, khang trang mọc lên san sát nhau. Con sông Bứa ngày nào dân làng tiễn người thân lên đường ra chiến khu nay đã trở thành khu vực chăn nuôi cá lồng lớn của tỉnh. Người dân giờ đã có cuộc sống mới, tập trung phát triển kinh tế, nâng cao đời sống để từng bước xây dựng đất nước giàu đẹp”.Là cán bộ cách mạng luôn gương mẫu và trách nhiệm, lão thành cách mạng Đào Vĩnh nhiều lần được Đảng, Nhà nước trao tặng phần thưởng cao quý: Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; Huân chương Chiến thắng hạng Ba; Huân chương Chiến công hạng Ba và nhiều Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Thanh tra Nhà nước và các bộ, ngành. 92 năm tuổi đời, 70 năm tuổi Đảng, ông Vĩnh luôn là tấm gương sáng về phẩm chất Bộ đội cụ Hồ để con cháu noi theo, học tập. Dù tuổi cao nhưng ông vẫn thường xuyên tham gia các phong trào khuyến học, khuyến tài của địa phương, dòng họ để tiếp tục sứ mệnh “người truyền lửa” cho thế hệ trẻ tương lai nỗ lực học tập và rèn luyện theo tư tưởng, phẩm chất, đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh, nuôi dưỡng lòng tin yêu và tự hào Tổ quốc.

Thu Giang - Mai Bích

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/chinh-tri/202009/nhan-chung-cach-mang-172798