Nhân giống cây Bạch truật bằng nuôi cấy mô

Nhân giống nuôi cấy mô cây Bạch truật của nhóm nghiên cứu nhằm tạo một lượng lớn nguồn cây giống đáp ứng cho việc trồng và sản xuất dược liệu.

Kết quả nuôi cấy mô cây Bạch truật trong các môi trường khác nhau.

Kết quả nuôi cấy mô cây Bạch truật trong các môi trường khác nhau.

Khắc phục khan hiếm dược liệu Bạch truật

Nhân giống in vitro cây Bạch truật là nhiệm vụ khoa học của KS Phạm Quỳnh Anh và cộng sự thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao TPHCM thực hiện.

Bạch truật (Atractylodes macrocephala Koidz.) là cây dược liệu được sử dụng phổ biến trong các bài thuốc bổ khí huyết, vì có chứa hơn 79 hợp chất hóa học, bao gồm các sesquiterpenoid, triterpenoid, polyacetylen, coumarin, phenylpropanoid, flavonoid, steroid, benzoquinon và polysaccharid.

Các chất chiết xuất này có tác dụng dược lý khá́c nhau, bao gồm hoạt tính chống ung thư, chống viêm, chống lão hóa, chống oxy hóa, chống loãng xương, tác dụng bảo vệ thần kinh và điều hòa miễn dịch, cũng như cải thiện chức năng tiêu hóa và điều hòa nội tiết tố hướng sinh dục.

Hiện nay, việc trồng và nhân giống cây Bạch truật tại địa phương đã được chú trọng và phát triển. Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu Bạch truật dùng cho sản xuất dược vẫn còn hạn chế.

Bạch truật được nhân giống chủ yếu bằng hạt vì là̀ cây thân thảo, có rễ củ, thân cây thường rụi đi vào mùa Đông nên không có khả năng nhân giống bằng giâm cành. Các quy trình nhân giố́ng in vitro Bạch truật hiện tại cho hệ số nhân chồi cao nhưng chồi phát triển kém.

Hơn nữa, qua thời gian dài sản xuất do yếu tố biến đổi khí hậu, sâu bệnh hại và công tác giống chưa được quan tâm nhiều nên bị phân ly dẫn đến cây bạch truật đã bị thoái hóa giống ảnh hưởng đến cả năng suất và chất lượng dược liệu.

Nhân giống in vitro hay nuôi cấy mô đều là thuật ngữ mô tả các phương thức nuôi cấy các bộ phận thực vật trong ống nghiệm có chứa môi trường xác định ở điều kiện vô trùng. Môi trường có các chất dinh dưỡng thích hợp như muối khoáng, vitamin, các hormone tăng trưởng và đường.

Mục tiêu của nhóm nghiên cứu là xây dựng quy trình nhân chồi in vitro cây Bạch truật nhằm tạo một lượng lớn nguồn cây giống đáp ứng cho việc trồng và sản xuất dược liệu. Nhóm đã đánh giá hiệu quả về hệ số nhân và chất lượng chồi in vitro từ nghiên cứu này so với các nghiên cứu trước đó phục vụ cho quy trình nhân giống

Để tạo môi trường phù hợp để nuôi cấy mô, nhóm đã khảo sát ảnh hưởng của dung dịch Javel và thủy ngân clorua (HgCl2) đến khả năng khử trùng mẫu cây Bạch truật. Khảo sát ảnh hưởng của thành phần môi trường nuôi cấy lên khả năng tái sinh chồi in vitro cây Bạch truật.

Làm chủ nguồn cây giống

Kết quả cho thấy, khử trùng mẫu cây Bạch truật với dung dịch Javel 50% trong 5 phút, sau đó tiếp tục với dung dịch Javel 20% khử trùng trong 10 phút cho tỷ lệ mẫu sạch đạt 93,33% và tỷ lệ mẫu sạch tái sinh chồi đạt 46,57%.

Môi trường khoáng thích hợp cho sự tái sinh chồi in vitro cây Bạch truật cho tỷ lệ mẫu tái sinh 100% với chiều cao chồi, chiều dài rễ, số rễ và số lá lần lượt là 7,13cm, 13,47cm, 6,67 rễ/chồi và 4,87 lá/chồi sau 1 tuần.

Nhóm nghiên cứu đã xây dựng được quy trình quy nhân chồi in vitro cây Bạch truật với đầy đủ thông số kỹ thuật và các bước thực hiện như chọn cây mẹ, tạo chồi in vitro, nhân chồi in vitro. Quy trình có hệ số nhân chồi in vitro đạt ít nhất là 3 chồi/mẫu, chồi phát triển tốt có từ 3 lá trở lên.

Cây Bạch truật trên thực tế đang đứng trước nguy cơ mất giống do thoái hóa giống chính. Vì vậy công tác phục tráng giống Bạch truật có năng suất và hàm lượng hoạt chất cao từ giống Bạch truật địa phương là một việc làm vô cùng cần thiết. Việc làm chủ công nghệ nhân giống nuôi cấy mô sẽ chủ động được nguồn giống cây chất lượng cao, góp phần bảo tồn dược liệu quý.

Bạch truật là một loại dược liệu cổ truyền với nhiều tác dụng dược lý có giá trị. Các nghiên cứu dược lý hỗ trợ việc sử dụng A. macrocephala truyền thống và có thể khẳng định việc sử dụng Bạch truật trong y học dân gian để điều trị nhiều bệnh mãn tính.

Tuy nhiên, cần phải hiểu rõ hơn về các cơ chế phân tử và mối quan hệ cấu trúc - chức năng của các thành phần này, cũng như các tác động hiệp đồng và đối kháng tiềm năng của chúng.

Việc nghiên cứu sâu hơn để đánh giá toàn diện về chất lượng dược liệu, sự hiểu biết về tác dụng dược lý đa mục tiêu của Bạch truật, cũng như độc tính trường diễn in vivo và hiệu quả lâm sàng của Bạch truật cần được nghiên cứu thêm.

Nhật Phong

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nhan-giong-cay-bach-truat-bang-nuoi-cay-mo-post657255.html