Nhãn hiệu tập thể - nâng tầm giá trị nông sản Yên Bái
Cam Văn Chấn, thịt hun khói Mường Lò, chè xanh Hán Đà, gạo nếp 87 Trạm Tấu, măng ớt Trạm Tấu, Cam Lục Yên, mật ong Trấn Yên, miến đao Quy Mông... là những đặc sản của Yên Bái, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh tin dùng. Sau khi được cấp Giấy chứng nhận Nhãn hiệu tập thể, các sản phẩm này ngày càng được nâng tầm giá trị, đưa thương hiệu ngày càng vươn xa.
Được cấp Giấy chứng nhận Nhãn hiệu tập thể đầu năm 2023, miến đao Quy Mông, xã Quy Mông, huyện Trấn Yên hiện nay không những có chỗ đứng ở thị trường trong nước mà đã đủ tiêu chuẩn để xuất sang thị trường Anh quốc.
Xác định lấy phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp theo hướng hàng hóa, mở rộng vùng sản xuất chuyên canh giá trị cao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất là chính nên những năm qua, xã Quy Mông đã tập trung thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, đồng thời khuyến khích các hộ dân mở rộng sản xuất.
Hiện trên địa bàn xã Quy Mông có 2 sản phẩm miến đao của Hợp tác xã (HTX) Việt Hải Đăng và Hợp tác xã Khởi nghiệp xanh Toàn Nga được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Bà Phùng Thị Tuyền - Giám đốc HTX Việt Hải Đăng cho biết: "Từ khi sản phẩm Miến đao Quy Mông được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận Nhãn hiệu tập thể, chúng tôi tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm giữ vững thương hiệu, phát huy hiệu quả chứng nhận Nhãn hiệu tập thể để chiếm lĩnh thị trường, đưa sản phẩm vươn xa”.
Mục tiêu của xã Quy Mông là khi có nhiều hộ làm miến đao sẽ thành lập làng nghề chế biến bột đao và miến đao, nâng cấp sản phẩm OCOP miến đao Quy Mông từ 3 sao lên 5 sao. Xã phấn đấu từ năm 2021 – 2025, có thêm các cơ sở sản xuất miến; xây dựng thêm sản phẩm miến đao đạt tiêu chuẩn OCOP. Nhờ cây đao riềng, đời sống vật chất, tinh thần của người dân xã Quy Mông ngày một nâng lên, thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt trên 47 triệu đồng/người/năm.
Ông Nguyễn Thành Lê - Phó Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên cho biết: "Việc đón nhận Giấy chứng nhận Nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm "Mật ong Trấn Yên" và "Miến đao Quy Mông" là tiền đề quan trọng để các sản phẩm tiếp tục khẳng định vị thế, hình ảnh, giá trị sản phẩm trên thị trường trong nước cũng như thị trường khu vực.
Đây cũng là sự kỳ vọng của các hộ dân; là hành động thiết thực thể hiện sự đổi mới về tư duy, cách nghĩ, cách làm trong việc sản xuất các sản phẩm có chất lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường, nâng cao thu nhập cho nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Yên Bái nói chung và huyện Trấn Yên nói riêng theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”.
Trong bối cảnh hội nhập, cạnh tranh thương mại khốc liệt, các sản phẩm mang đặc trưng của một vùng nhất định có nguy cơ phải cạnh tranh với sản phẩm cùng loại nhưng kém chất lượng, hoặc sản phẩm gắn nhãn hiệu giả mạo, chưa kể những đòi hỏi ngày càng cao từ thị trường về kiểm soát nguồn gốc, chất lượng, mức độ an toàn vệ sinh thực phẩm.
Việc xây dựng, thực hiện và quản lý nhãn hiệu tập thể giúp bảo đảm chất lượng, tiêu chuẩn của sản phẩm đối với người tiêu dùng và thị trường tiêu thụ. Những năm qua, Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương triển khai công tác xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.
Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2023, tỉnh Yên Bái đã xác lập quyền Nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm: gạo nếp Lếch, xã Bảo Ái, huyện Yên Bình; rượu thóc La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải; hoa hồng Mù Cang Chải; chè Shan tuyết Púng Luông, huyện Mù Cang Chải; nếp Lẩu Cáy Trạm Tấu...
Trước đó, Yên Bái cũng đã có rất nhiều sản phẩm được bảo hộ về sở hữu trí tuệ dưới các hình thức nhãn chứng nhận, nhãn hiệu tập thể và chỉ dẫn địa lý. Các sản phẩm được chứng nhận nhãn hiệu tập thể đã trở thành động lực góp phần cải thiện nền nông nghiệp theo hướng hiện đại hóa, nâng cao giá trị kinh tế cho đặc sản địa phương với giá bán được tăng lên khoảng 15 - 20%, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, từng bước làm thay đổi nhận thức của người dân, doanh nghiệp từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng tập trung, sản xuất theo chuỗi giá trị.
Để nâng cao chất lượng, giá trị các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh, thời gian tới, các cơ quan quản lý nhãn hiệu tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về giá trị, thương hiệu của các sản phẩm.
Cùng với đó, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện quy trình quản lý, sử dụng tem, nhãn đảm bảo theo đúng các văn bản quản lý đã xây dựng và quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hội sản xuất, người dân mở rộng quy mô sản xuất cho các sản phẩm; đẩy mạnh mở rộng thị trường, tiếp cận các thị trường mới để sản phẩm ngày càng vươn xa.