Nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả
Thời gian gần đây, trên địa bàn thị xã Quảng Trị xuất hiện nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi mới ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT), phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết của vùng miền mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Các mô hình này được các cấp, ngành chức năng và chính quyền địa phương khuyến khích nhân rộng, góp phần xây dựng nông thôn mới và văn minh đô thị, thúc đẩy thị xã phát triển toàn diện.
Để đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên địa bàn, bên cạnh việc tập trung triển khai các chính sách của tỉnh, trung ương, UBND thị xã Quảng Trị đã trình HĐND thị xã ban hành Nghị quyết số 96/NQ-HĐND, ngày 24/12/2020 về sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ một số nội dung tại Nghị quyết số 32/NQ-HĐND, ngày 27/12/2017 của HĐND thị xã về việc ban hành Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp thị xã theo hướng nâng cao giá trị sản xuất và phát triển bền vững đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Hằng năm, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với UBND phường, xã triển khai rà soát, hướng dẫn để kịp thời hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi cho người dân trong việc chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp.
Một số chính sách về hỗ trợ phát triển nông nghiệp đã được người dân tiếp cận. Các nguồn lực cũng được huy động và lồng ghép trong việc đầu tư nâng cấp, hoàn thiện kết cấu hạ tầng trong nông nghiệp.
Nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nên đến nay, trên địa bàn thị xã có nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, ứng dụng kỹ thuật mới vào sản xuất. Tiêu biểu như: mô hình nuôi lươn không bùn trong bể xi măng của gia đình ông Nguyễn Máy ở thôn Tích Tường, xã Hải Lệ với quy mô 10.000 con/6 bể có tổng diện tích khoảng 30 m2 .
Đây là mô hình mới ứng dụng tiến bộ KHKT và bước đầu đem lại hiệu quả cho thu nhập 50 triệu đồng/lứa/sau 8 tháng nuôi. Ông Máy cho biết: “Hưởng ứng chủ trương đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp ở Hải Lệ và thị xã, sau một thời gian nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm của các mô hình nuôi lươn không bùn và chuẩn bị các điều kiện bể nuôi, giống, tháng 2/2022 tôi bắt tay vào nuôi lươn.
Đến nay, tôi đã xuất bán được 1 lứa và chuẩn bị xuất bán lứa thứ 2. Tôi thấy, nuôi lươn theo cách này rất thuận tiện, ít tốn công chăm sóc mà thu nhập cao hơn so với nuôi lợn. Từ hiệu quả bước đầu, tôi quyết tâm duy trì và nhân rộng mô hình này”.
Mô hình chăn nuôi gà thả vườn theo hướng VietGAP, quy mô 500 con của gia đình bà Nguyễn Thị Tịnh ở thôn Tích Tường, xã Hải Lệ được duy trì tốt gần 2 năm nay. Mô hình này hướng đến tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo nguồn thực phẩm sạch cho đơn vị liên kết, thu nhập bình quân mỗi lứa 10 triệu đồng (sau 2,5 tháng nuôi).
Nhờ áp dụng cách chăn nuôi mới đúng quy trình kỹ thuật, đàn gà của gia đình bà sinh trưởng tốt, bình quân mỗi con đạt trọng lượng từ 1,7 - 2 kg. Bà Tịnh chia sẻ: “Được các cấp, ngành, địa phương động viên, khuyến khích, tôi đã tận dụng khu vườn cao ráo, có nhiều cây ăn quả thoáng mát để xây dựng chuồng trại chăn nuôi gà VietGap.
Quá trình chăn nuôi, tôi tuân thủ các biện pháp kỹ thuật nên gà chưa xảy ra dịch bệnh, phát triển nhanh. Nuôi gà theo kỹ thuật mới, dễ chăm sóc, thị trường tiêu thụ ổn định nên gia đình tôi có thêm nguồn thu nhập khá”.
Ngoài 2 mô hình trên, nhiều mô hình khác cũng đã tích cực ứng dụng tiến bộ KHKT, lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi chất lượng đưa vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với trước đây như: mô hình chăn nuôi thỏ lồng thương phẩm của gia đình ông Hoàng Xuân Cát ở Khu phố 1, phường An Đôn (chuyển từ chăn nuôi lợn trước đây), được thực hiện bài bản và mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.
Mô hình chăn nuôi bò chuyên thịt thâm canh kết hợp bò sinh sản, quy mô 20 con của gia đình ông Ngô Đình Chiến ở thôn Tân Mỹ, xã Hải Lệ. Mô hình chủ động được con giống, quy trình quỹ thuật và một phần thức ăn trong chăn nuôi, thu nhập bình quân năm 80 - 90 triệu đồng/ năm; mô hình chuyển đổi vườn tạp kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả (bưởi, cam) đem lại thu nhập khá của gia đình ông Phan Văn Triều, trú tại Khu phố 1, Phường An Đôn...
Bên cạnh đó, để đẩy mạnh việc ứng dụng các tiến bộ KHKT trong nông nghiệp gắn với thích ứng với biến đổi khí hậu, thị xã cũng đã hỗ trợ xây dựng mô hình chuyển đổi giống ngô chất lượng cao trên đất trồng màu, với quy mô 11,15 ha; duy trì và mở rộng mô hình trồng hoa tập trung tại phường An Đôn quy mô từ 0,3 ha lên 0,5 ha; mô hình nuôi cá truyền thống với cá giống kích cỡ lớn tại xã Hải Lệ để thích ứng với tình hình mưa lũ với quy mô xây dựng 0,5 ha...
Những mô hình trên đem lại hiệu quả sản xuất khá, tăng thu nhập cho các hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Tuy nhiên, hầu hết các mô hình quy mô, đối tượng còn nhỏ lẻ, các giá trị khai thác và tiến bộ KHKT áp dụng chưa có tầm ảnh hưởng lớn; hiện trên địa bàn chưa có các mô hình kinh tế tuần hoàn, mô hình nông nghiệp hữu cơ điển hình.
Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên địa bàn, thời gian tới, thị xã Quảng Trị tập trung chuyển đổi những loại cây trồng có giá trị, phù hợp với điều kiện thời tiết, nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Tiếp tục duy trì và phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm ở vùng có lợi thế, theo hướng trang trại tập trung, bảo đảm an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường.
Phát triển chăn nuôi bò theo hướng bán thâm canh kết hợp trồng cỏ. Khuyến khích phát triển một số vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Có chính sách khuyến khích, ưu đãi kêu gọi các doanh nghiệp, HTX, cá nhân đầu tư phát triển ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất.
Tiếp tục huy động mọi nguồn lực để thực hiện tốt và đồng bộ các giải pháp của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.